Có khá nhiều bạn thắc mắc cây kim ngân có phải là cây ngũ gia bì không. Nếu nhìn qua ảnh thì các bạn sẽ thấy cây kim ngân và cây ngũ gia bì có thân, lá khá giống nhau nên nhiều người tưởng hai cây này là một. Nếu trực tiếp để hai cây này cạnh nhau và bạn quan sát, sờ thử lá cây sẽ thấy nhiều điểm khác biệt. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn phân biệt hai loại cây này để các bạn tránh bị nhầm lẫn giữa cây kim ngân và cây ngũ gia bì.
- Hướng dẫn trộn đất trồng cây kim tiền
- Các loại phân bón cho cây kim tiền
- Cây vạn lộc ra hoa có ý nghĩa gì
- 5 Tác hại của rau mồng tơi
- Cây vạn lộc có độc không
Điểm giống nhau giữa cây kim ngân và cây ngũ gia bì
Cây kim ngân và ngũ gia bì sở dĩ hay bị mọi người nhầm là một vì nhìn qua hai cây này có khá nhiều điểm giống nhau. Một số điểm giống nhau giữa hai loại cây này có thể kể ra như:
Lá cây: hai loại cây này có lá nhìn khá giống nhau đều mọc so le từ thân với cuống lá dài, đầu cuống lá có 5 – 9 lá hình bầu dục mọc xòe ra.
Thân cây: cây kim ngân và cây ngũ gia bì đều là cây thân gỗ, khi còn nhỏ thân cây có màu xanh nhìn khá mập mạp. Nếu chỉ nhìn thân cây thì các bạn sẽ thấy tương đối giống nhau và không có khác biệt nhiều.
Hoa và quả: hai loại cây này đều có hoa và quả nhưng nếu là các cây nhỏ trồng làm cảnh thì rất hiếm ra hoa và tất nhiên là không có quả. Vậy nên dù hoa và quả của hai loại cây này khác nhau nhưng lại rất khó phân biệt.
Kiểu trồng: hai loại cây này đều có thể trồng trong đất hoặc trồng thủy sinh.
Giá bán: hai loại cây cảnh này khá phổ biến và đều được bán với giá thành ngang nhau. Chính vì giá thành tương đương nên càng khiến nhiều người nhầm tưởng hai loại cây này là một.
Điểm khác nhau giữa cây kim ngân và cây ngũ gia bì
Nói về điểm giống nhau giữa hai loại cây này thì có rất nhiều nhưng điểm khác nhau thì không nhiều như vậy. Nếu các bạn nhìn ảnh sẽ rất khó nhận ra nhưng nếu được tận mắt thấy, tận tay sờ thì sẽ thấy hai cây này có một số điểm khác nhau từ lá cho đến cách trồng:
Lá cây: lá cây kim ngân mỏng, mềm, hình bầu dục hơi nhọn ở đầu lá. Còn lá cây ngũ gia bì dày hơn, khi già lá chuyển màu xanh sẫm, lá hình bầu dục nhọn dần ở đầu lá nhưng không nhọn hẳn mà hơi tù. Thậm chí có nhiều cây ngũ gia bì đầu lá còn không nhọn mà tròn đều.
Kiểu cây: cây kim ngân thường được trồng thành các thế 1 cây, 3 cây và 5 cây trong một chậu. Khi trồng 1 cây trong chậu thường sẽ chọn cây có thân gỗ to để tạo thế trụ thiên. Khi trồng 3 cây kim ngân trong chậu có thể trồng kiểu 3 cây thân to hoặc 3 cây thân nhỏ nhưng quấn vào với nhau như tết tóc. Cây kim ngân trồng 5 cây một chậu cũng được tạo hình 5 thân quấn vào với nhau. Còn cây ngũ gia bì không được tạo thế như vậy mà chỉ trồng bình thường trong chậu làm cảnh mà thôi.
Cây kim ngân có phải là cây ngũ gia bì không
Như đã nói ở trên, cây kim ngân không phải là cây ngũ gia bì. Hai cây này nhìn khá giống nhau nhưng nếu đặt cạnh nhau bạn sẽ thấy có vài điểm khác biệt cơ bản nhất là lá cây. Lá cây kim ngân mỏng và hình dáng của lá thuôn nhọn, lá cây ngũ gia bì dày dặn và hình dáng của lá không nhọn hẳn mà thường thuôn tròn. Nếu bạn để ý kỹ hơn sẽ thấy cây kim ngân bán trên thị trường đều được trồng theo các thế 1 cây, 3 cây và 5 cây. Còn cây ngũ gia bì thì không trồng theo kiểu tạo thế. Do đó, khi chọn mua cây cảnh, các bạn nên chú ý để phân biệt hai loại cây này. Nếu bạn chưa rõ thì nên hỏi kỹ chủ shop bán cây cảnh để biết chính xác loại cây mà bạn cần mua.