Chắc nhiều bạn cũng biết về loại máy sấy phun chuyên dụng để sấy bột rồi đúng không. Loại máy sấy này có đặc điểm là sản phẩm sau khi sấy là dạng bột (không cần nghiền). Tuy nhiên dòng máy này khá đắt tiền nên nhiều cơ sở cũng khá đắn đo khi muốn đầu tư lắp đặt. Vậy nên bài viết này sẽ phân tích cho các bạn về ưu nhược điểm của máy sấy phun để các bạn hiểu rõ hơn nếu đang có ý định chọn mua.
Ưu nhược điểm của máy sấy phun
Ưu điểm
- Thời gian sấy nhanh: công nghệ sấy phun giúp rút gọn thời gian sấy đáng kể. Nếu bình thường các bạn muốn làm bột thì phải sấy khô sau đó nghiền nhỏ thành bột. Còn máy sấy phun sấy khô sẽ ra sản phẩm là bột luôn không cần phải nghiền. Bên cạnh đó, thời gian để sấy phun cũng nhanh hơn các phương pháp sấy khác rất nhiều bởi quá trình phun sẽ được sấy khô liên tục và khô ngay lập tức trong tháp sấy.
- Không cần đầu tư máy nghiền: với việc sấy ra thành phẩm là bột khô nên các bạn chắc chắn sẽ không cần phải đầu tư thêm máy nghiền nữa.
- Chất lượng sấy tốt: do quá trình sấy diễn ra rất nhanh, dung dịch sấy được phun vào tháp sấy và khô chỉ trong 5 – 15 giây nên bột khô thu được có chất lượng tốt, giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao và giữ được cả mùi vị rất tốt.
- Độ khô cao: bình thường khi các bạn làm bột theo kiểu truyền thống, bạn cần sấy khô sản phẩm sau đó nghiền bột. Khi sấy khô sản phẩm độ khô thường chỉ đạt được mức 10%. Nhưng nếu sấy theo phương pháp sấy phun thì độ khô có thể đạt mức 3 – 4%, khô hơn rất nhiều so với cách làm thông thường.
- Năng suất cao: với việc thời gian sấy nhanh và có thể sấy được liên tục, máy sấy phun sẽ cho năng suất sấy cao gấp nhiều lần so với cách làm bột thông thường.
- Độ bền cao: máy sấy phun thường được làm từ inox 304 nên có độ bền rất cao không bị rỉ sét hay mài mòn mà lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhược điểm
- Chiếm nhiều diện tích: so với các dòng máy sấy thông thường như máy sấy nhiệt hay máy sấy lạnh thì máy sấy phun có kích thước lớn hơn, chiếm nhiều diện tích hơn. Vậy nên khi lắp đặt các bạn cũng cần xem xét trước về vị trí lắp đặt cũng như các vị trí thoát khí xả cho máy sấy.
- Yêu cầu cao khi lắp đặt: máy sấy phun không giống như các loại máy sấy thông thường mà cần phải lắp đặt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Nếu lắp đặt sai hoặc lắp đặt không đạt chuẩn máy sẽ không hoạt động đúng và đương nhiên sản phẩm sấy sẽ không đạt.
- Tốn điện: máy sấy phun cần nhiệt đầu vào từ 150 độ C đến 300 độ C nên tất cả các dòng máy sấy phun đều ngốn rất nhiều điện năng khi hoạt động.
- Không sấy được đa năng: máy sấy phun chỉ sấy được nguyên liệu dạng lỏng và cho thành phẩm là bột khô chứ không sấy đa năng được như các dòng máy sấy nông sản khác. Ngoài ra, nguyên liệu sấy các bạn cũng phải sơ chế thành dạng dung dịch lỏng thì mới sấy được theo kiểu sấy phun này.
- Sấy ít sẽ không hiệu quả: máy sấy phun khi sấy bột khô sẽ bám một phần vào thành của tháp sấy. Mặc dù lòng trong của tháp sấy được đánh bóng để tránh bám bột và có hệ thống rung giúp thu hồi hết bột trong máy nhưng vẫn sẽ có hao hút nhất định. Vậy nên nếu các bạn sấy với khối lượng ít thì sẽ bị hao hụt nhiều do bột bám trong máy khó thu hồi hết.
- Giá thành cao: máy sấy phun được bán trên thị trường có giá thành khá cao. Các máy loại nhỏ cũng có giá từ 50 – 60 triệu đồng, loại trung bình có giá 70 – 120 triệu đồng. Các máy loại lớn hơn tùy theo quy mô mà giá thành cũng sẽ khác. Nếu so sánh với các dòng máy sấy nhiệt kết hợp một máy nghiền bột thì có vẻ chi phí sẽ rẻ hơn máy sấy phun khá nhiều.
Có nên dùng máy sấy phun
Với các phân tích về ưu nhược điểm của máy sấy phun ở trên, có thể thấy máy sấy phun có nhiều ưu điểm và cũng có nhiều nhược điểm. Nếu bạn muốn sấy bột cao cấp với quy mô tương đối nhiều trở lên thì có thể cân nhắc đầu tư máy sấy phun. Ngược lại, nếu bạn sấy thủ công với quy mô nhỏ không quá nhiều thì không nên đầu tư máy sấy phun mà làm bột dạng truyền thống vẫn tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.