Nông nghiệp 4.0 đang là một chủ đề ngày càng được mang ra bàn luận trong thời gian gần đây. Rất nhiều diễn đàn nông nghiệp cũng như các báo nông nghiệp đều có nhắc đến cụm từ nông nghiệp 4.0 nhưng để hiểu đúng hiểu đủ nông nghiệp 4.0 là gì thì không phải ai cũng rõ ràng. Nếu bạn vẫn còn mông lung chưa hiểu về nông nghiệp 4.0 là gì thì hãy cùng Nông nghiệp Online (NNO) tìm hiểu ngay sau đây.
Nông nghiệp 4.0 là gì
Nông nghiệp 4.0 là thuật ngữ được xuất hiện đầu tiên tại Cộng hòa Liên Bang Đức và dần trở thành một tên gọi quen thuộc ở Châu Âu và trên khắp thế giới. Nông nghiệp 4.0 được hiểu là ngành nông nghiệp ứng dụng những kỹ thuật hiện đại nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng lên lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ những công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các thông tin liên quan trong nông nghiệp đều được số hóa và tự động hóa gần như hoàn toàn. Chính vì lý do này, tên gọi nông nghiệp 4.0 còn được nhiều quốc gia khác gọi bằng những cái tên như nông nghiệp thông minh 4.0 hay canh tác số hóa.
Nói thêm để các bạn khỏi nhầm lẫn, ngoài khái niệm nông nghiệp 4.0 thì cũng có những khái niệm khác như nông nghiệp 1.0, nông nghiệp 2.0, nông nghiệp 3.0. Mỗi tên gọi lại ứng với một thời kỳ cách mạng công nghiệp khác nhau nên các bạn cần hiểu rõ để tránh nhầm lẫn:
- Nông nghiệp 1.0: đây là nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào sức lao động của người nông dân để tạo ra sản phẩm nông nghiệp.
- Nông nghiệp 2.0: tên gọi này xuất hiện vào năm 1950 và còn được biết đến với tên gọi là cách mạng xanh. Nền nông nghiệp 2.0 áp dụng những thành tựu từ công nghệ hóa học giúp thúc đẩy và làm tăng năng suất cây trồng vật nuôi.
- Nông nghiệp 3.0: nền nông nghiệp này đã bắt đầu áp dụng quy trình tự động hóa trong sản xuất để làm giảm chi phí nhân công trong quá trình sản xuất. Rất nhiều công nghệ được áp dụng trong thời kỳ nông nghiệp 3.0 như công nghệ định vị toàn cầu GPS, tự động hóa nhờ thông tin từ các cảm biến điện tử và áp dụng kết nối không dây trong nông nghiệp.
- Nông nghiệp số hóa 4.0: nền nông nghiệp được tối ưu hóa tối đa nhân công nhờ internet, trí tuệ nhân tạo, big Data điện toán đám mây. Toàn bộ nền nông nghiệp được số hóa theo các quy chuẩn nhất định.
Nông nghiệp 4.0 trên thế giới
Nông nghiệp thông minh hay canh tác số hóa trên thế giới đã triển khai từ khá lâu và cũng đạt được nhiều thành tựu lớn. Trước đây, nền nông nghiệp 1.0 sử dụng nhân công chiếm tới 95% giá trị sản phẩm. Nền nông nghiệp 2.0 giúp giảm chi phí nhân công giảm xuống chỉ còn 50% giá trị sản phẩm. Nền nông nghiệp 3.0 giúp giảm chi phí nhân công còn 20% trong giá trị sản phẩm. Đến nền nông nghiệp 4.0 thì chi phí nhân công chỉ chiếm 5% trong tổng giá trị của sản phẩm. Với sự thành công này, mọi thứ đều được tự động hóa và số hóa toàn bộ giúp quy trình sản xuất được tự động gần như hoàn toàn, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí sản xuất.
Áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp ở nước ta
Hiện nay công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp ở nước ta không có nhiều và vẫn còn rất hạn chế. Chỉ có một số ít những công ty lớn mới áp dụng được mô hình nông nghiệp 4.0 giúp tăng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa nhân công và số hóa dữ liệu. Nếu xét trên quy mô lớn, nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu đang ở giai đoạn 2.0 tức là tận dụng những tiến bộ về sinh hóa để tăng sản lượng nông nghiệp. Một số trang trại quy mô lớn đang dần tiến tới nền nông nghiệp 3.0 với nhiều quy trình được tự động hóa. Chỉ có những công ty, tập đoàn lớn hiện nay mới đang áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp mà thôi.
Nông nghiệp 4.0 thực trạng và định hướng
Như vừa nói ở trên, thực trạng nông nghiệp thông minh ở nước ta hiện vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, người nông dân mới chỉ được nghe về mô hình nông nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp hay cách mạng nông nghiệp 4.0 mà chưa hiểu được chính xác thế nào là nông nghiệp thông minh 4.0.
Theo định hướng hiện nay của chính phủ vẫn là đi tắt đón đầu để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao 4.0. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản mà cần một quá trình tương đối dài từ việc áp dụng chuẩn mô hình cho đến triển khai đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, … Để có thể đạt được mức chi phí nhân công 5% trong tổng giá trị sản phẩm có lẽ không phải 1 hay 2 năm có thể làm được mà cần tới vài năm thậm chí 10 năm nữa mới đạt được sơ bộ kết quả như mong đợi.
Với những thông tin trên, có thể thấy rằng khái niệm về một nền nông nghiệp thông minh không khó hiểu nhưng cũng không hoàn toàn dễ hiểu. Nếu đặt vào vị trí của những người nông dân hiện nay thì vấn đề canh tác số hóa sẽ rất khó triển khai. Vậy nên muốn đạt được mục tiêu đưa nền nông nghiệp Việt Nam lên 4.0 sẽ cần đến những sự hỗ trợ cần thiết từ nhà nước và có thời gian để dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng tạo môi trường thuận lợi cho nông nghiệp thông minh 4.0 phát triển.