logo vui cười lên

Đậu đũa bị rệp, rầy phá hoại & cách khắc phục


Nếu bạn trồng đậu đũa, chắc hẳn bạn sẽ không lạ với việc xuất hiện các con côn trùng nhỏ nhỏ bám kín các ngọn và lá cây đậu đũa, thậm chí, có khi chúng còn bu bám cả thân cây. Khi cây bị bám như vậy, bạn sẽ dễ nhận ra rằng lá và ngọn cây bị côn trùng bám không xanh non như những chỗ khác. Đó chính là trường hợp cây đậu đũa bị rệp, rầy phá hại. Trong bài viết này, NNO muốn chia sẻ với các bạn về tình trạng này và cách phòng trị rệp, rầy trên đậu đũa.


Đậu đũa bị rệp
Đậu đũa bị rệp, rầy phá hoại

Đậu đũa bị rệp hoặc rầy phá hại là trường hợp rất phổ biến trong quá trình chăm sóc đậu đũa. Chúng này không chỉ gây hại trên đậu đũa, mà nó còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác. Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về đặc điểm của hai “kẻ phá hại” phổ biến này nhé.

Đặc điểm rầy, rệp gây hại trên đậu đũa

Đậu đũa bị rệp, rầy tấn công hết sức phổ biến. Hai loại rầy và rệp này đều thuộc họ Aphididae bộ Homomera. Loài rệp có tên khoa học là Aphis Craccivora Koch, còn rầy có tên Aphis Glycines Matsumura.

1. Rệp Aphis Craccivora Koch

Rệp Aphis Craccivora Koch còn được biết đến với tên gọi là rệp đậu, bởi chúng thuộc loại rầy mềm không cánh nên không thể bay được như các loại rầy khác. Rệp đậu còn non có màu tím, khi trưởng thành chuyển sang màu đen bóng và không có cánh. Con cái không đẻ ra trứng, mà đẻ thẳng ra con non nên mật độ thường gia tăng nhanh chóng, khiến cây bị phá hại nhanh.

Tuy đây là loại rầy không cánh, nhưng nếu gặp trường hợp đặc biệt như khi không còn đủ thức ăn, mật số quá đông, hoặc bị các thiên địch tấn công nặng nề thì chúng sẽ phát sinh dạng thành trùng có cánh để di chuyển tới nơi khác có nguồn thức ăn mới.

Loại rệp này rất phổ biến, chúng thường tấn công vào các ngọn, lá và quả non của đậu đũa khiến cho ngọn và lá bị quăn, nhăn nheo, quả bị lép hạt. Chính vì thế, đậu đũa bị rệp sẽ khiến cây phát triển kém, năng suất thấp và chất lượng quả giảm.

Đậu đũa bị rệp
Đậu đũa bị rệp tấn công

2. Rầy Aphis Glycines Matsumura

Rầy Aphis Glycines Matsumura có hai loại là rầy có cánh và không có cánh. Với loại có cánh, chúng có cơ thể có màu xanh lục vàng. Phần đầu và ngực có màu xanh lục đậm hoặc màu đen, còn bụng có màu nhạt, dài khoảng 1,7 – 2 mm, rộng từ 0,7 – 0,9 mm. Rầy mềm có râu màu trắng bẩn, các đốt roi râu màu nâu đen và ngắn hơn sơ với cơ thể. Vòi chích hút có thể kéo dài qua khỏi đốt chậu chân giữa.

Loại rầy không có cánh có cơ thể màu vàng xanh đến vàng tươi, hai mắt màu đen. Chúng có râu ngắn, chỉ dài bằng một nửa thân mình và có màu trắng giống như chân. Kích thước của loài rầy mềm không cánh có chiều dài từ 1,5 – 2 mm, rộng từ 0,7 đến 1,2 mm. Còn các đặc điểm khác chúng đều giống như dạng rầy có cánh.

Loại rầy này phá hại đậu đũa bằng cách bám vào lá, hoa và quả non rồi hút nhựa, khiến cho chồi lá bị biến dạng, lá vàng, cây phát triển kém, hoa quả bị rụng. Không chỉ có vậy, chúng còn thải phân lỏng chứa rất nhiều đường nên thường thu hút kiến đến ăn và bảo vệ chúng khỏi bị thiên địch tấn công. Điều nguy hiểm là chúng có thể truyền bệnh Khảm Vàng làm cho lá đậu co rúm và cây không ra trái.

Rầy mềm
Đậu đũa bị rầy mềm

Cách khắc phục đậu đũa bị rệp, rầy phá hoại

Để phòng ngừa đậu đũa bị rệp và rầy mềm phá hoại, trước khi gieo trồng, bạn cần tiến hành xử lý hạt giống trước khi gieo, thường xuyên vệ sinh nơi trồng, giữ ẩm đất thường xuyên cho cây đậu, chăm bón đủ phân bón để cây có đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh và bảo vệ các loài thiên địch ăn rầy mềm như bọ cánh cứng, bọ rùa hay kiến ba khoang.

Trong quá trình chăm sóc, bạn cần phải thường xuyên quan sát đậu đũa để phát hiện rầy rệp kịp thời. Nếu phát hiện thấy đậu đũa bị rệp khi còn mới thì có thể dùng phương pháp thủ công là bắt rầy, rệp, ngắt bỏ lá bị gây hại để tránh chúng lan nhanh sang các cây khác. Biện pháp này thường áp dụng cho đậu đũa trồng trong thùng xốp vì số lượng cây ít. Nếu trồng trên ruộng, vườn mà phát hiện đậu đũa bị rệp, rầy phá hại trên diện rộng thì cần phun thuốc để diệt rầy. Bạn nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để phun cho cây. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi hái quả.

Cách khắc phục đậu đũa bị rệp, rầy phá hoại
Cách khắc phục đậu đũa bị rệp, rầy phá hoại

Như vậy, qua bài viết này, các bạn đã có thể nhận biết được tình trạng đậu đũa bị rệp và bị rầy mềm có nguyên nhân từ đâu cũng như cách khắc phục cụ thể. Rệp và rầy mềm là những kẻ địch thường gặp trên đậu đũa, nếu không được phát hiện kịp thời, chúng sẽ khiến cả vườn đậu của bạn bị phá hại nặng nề. Bạn nhớ quan sát cây đậu đũa thường xuyên, và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị mà NNO giới thiệu ở trên để những cây đậu đũa luôn khỏe mạnh và cho nhiều quả ngon nhé.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang