logo vui cười lên

Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa, nguyên nhân & cách khắc phục


Đậu đũa là loại cây rau dễ trồng cho năng suất cao. Tuy nhiên, trong quá trình trồng đậu đũa các bạn có thể gặp phải nhiều trường hợp cây bị sâu bệnh tấn công. Nếu gặp sâu bệnh tấn công cây các bạn đừng hoang mang mà hay xem các thông tin về sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa sau đây để biết nguyên nhân và cách khắc phục cụ thể nhé.


Cây đậu đũa leo giàn
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa

Các loại sâu hại chính trên đậu đũa

1. Sâu đục quả

Sâu đục quả là là loại sâu gây hại chủ yếu nhất trên đậu đũa, cũng như đối với đậu cove. Loại sâu này là ấu trùng của loại bướm có màu nâu đậm, giữa cánh trước có một vệt màu trắng, cánh sau màu trắng bóng có bìa nâu đen, thân dài 10 – 13 cm. Bướm trưởng thành đẻ trứng trên hoa, đài và trái non. Trứng nở ra ấu trùng, hay còn gọi là sâu non, có màu trắng ngà, lưng và bụng có nhiều đốm nâu mờ, đầu có màu vàng nhạt. Sâu non đục lỗ chui vào trong hoa hoặc quả khiến hoa và quả bị hỏng, làm giảm năng suất và chất lượng. Vì sâu con nằm sâu trong trái nên gây khó khăn lớn cho người trồng trong việc trị sâu. Thời tiết ấm áp là điều kiện thuận lợi cho sâu đục quả phát triển. Trong thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp, sâu kém phát triển nên khả năng gây hại ít hơn.

Trong quá trình trồng đậu đũa, để phòng ngừa sâu đục quả, bạn cần thực hành luân canh triệt để, vệ sinh ruộng, vườn trước khi gieo và thường xuyên vệ sinh trong suốt quá trình chăm sóc cây, đồng thời bón phân đầy đủ để cây đậu đũa tăng cường sức đề kháng. Việc thường xuyên quan sát để phát hiện sâu đục quả ở đậu đũa là việc không thể bỏ qua.

Nếu bị sâu đục quả phá hại trên diện rộng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu gốc cúc tổng hợp trước khi cây ra hoa để diệt trừ sâu như Cyper, Peran hay Cyperan. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, và phải đảm bảo đủ thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch.

Sâu bệnh gây hại ở đậu đũa
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Sâu đục quả

2. Rầy mềm (Aphis craccivora và Aphis glycines)

Rầy mềm cũng là một đối tượng gây hại nhiều trên đậu đũa hay nhiều loại cây rau màu khác. Thường gặp trên đậu đũa là rầy Aphis craccivora và Aphis glycines. Rầy Aphis craccivora tấn công ngọn và trái non. Loại rệp này có con non màu tím, khi trưởng thành có màu đen bóng, không có cánh và đẻ thẳng ra con nên mật độ rệp gia tăng rất nhanh, khiến cho đậu đũa bị phá hại nhanh chóng.

Rầy Aphis glycines có màu xanh lục vàng, ngực và đầu có màu xanh lục đậm hoặc màu đen, còn bụng của nó có màu nhạt. Chúng hút nhựa và thải phân lỏng, thu hút kiến đến ăn và bảo vệ chúng khỏi bị thiên địch tấn công. Rầy mềm còn có thể truyền bệnh khảm vàng làm cho lá đậu đũa bị co rúm và cây không kết trái.

Khi phát hiện thấy rệp có ít trên lá cây, bạn có thể dùng phương pháp thủ công là bắt rầy, ngắt bỏ lá bị rầy gây hại để tránh chúng lan nhanhsang các cây khác. Biện pháp này thường áp dụng cho đậu đũa trồng trong thùng xốp vì số lượng cây ít. Nếu trồng trên ruộng, vườn, rệp phá hại trên diện rộng thì cần phun thuốc để diệt rầy. Bạn nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để phun cho cây. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi hái quả. Đồng thời, chú ý các biện pháp phòng ngừa như thực hành vệ sinh ruộng vườn thường xuyên, giữ ẩm đất thường xuyên cho cây đậu, chăm bón đủ phân bón để cây có đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh và bảo vệ các loài thiên địch ăn rầy mềm như bọ cánh cứng, bọ rùa hay kiến ba khoang.

Đậu đũa bị rệp
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Đậu đũa bị rầy

3. Dòi đục thân

Dòi đục thân do loài ruồi có tên khoa học là Ophiomyia phaseoli Tryon gây ra. Chúng phá hại đậu đũa khi cây còn rất nhỏ, ra 2 – 3 lá và lúc cây ra hoa. Ruồi trưởng thành rất nhỏ, có màu đen, thường bay đậu trên lá non vào buổi sáng. Con cái dùng ống nhọn ở cuối bụng để đẻ từng trứng vào trong mỗi lỗ đục trên mặt lá. Sau 2 ngày, trứng nở thành ấu trùng, hay còn gọi là dòi đục thân. Ấu trùng đục thành đường hầm ngoằn ngoèo trên mặt lá rồi đục qua cuống để vào thân và đục xuống gốc để làm nhộng trong phần vỏ của gốc cây con. Ấu trùng phát triển phá hại cây trong khoảng 7 – 10 ngày. Nhộng có đặc điểm hình trụ, màu nâu bóng, và kéo dài trong khoảng 7 ngày, phá hại hệ thống mạch dẫn làm cho cây bị rỗng mà chết. Khi bị dòi cây phá hại, cây bị vàng úa, do cây không hút được nước và chất dinh dưỡng nên sau vài ngày, cây sẽ chết.

Đối với bệnh dòi đục thân, nếu trồng trên ruộng, vườn, cần thực hành luân canh triệt để, tốt nhất nên luân canh với cây trồng nước, phơi ải và xử lý đất trước khi gieo trồng, vệ sinh nơi trồng, thu gom các tàn dư thực vật để phòng tránh sâu bệnh. Nếu trồng trong thùng xốp, cần xử lý đất kỹ trước khi gieo trồng. Nếu cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bạn có thể sử dụng thuốc Basudin 10H dạng hạt, rải chung với tro trấu và phân bón khi tỉa cây để bảo vệ cây con trong vòng 2 tuần đầu là đủ, hoặc sử dụng thuốc phun Basudin 50EC để trừ dòi đục thân.

Dòi đục thân có nguyên nhân từ ruồi
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Dòi đục thân

4. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

Ngoài các loại sâu gây hại kể trên, nhện đỏ cũng là tác nhân gây hại phổ biến trên cây đậu đũa cũng như các cây trồng khác. Nhện đỏ có hình bầu dục, con trưởng thành có 8 chân, kích thước rất nhỏ từ chỉ từ 0,18cm – 0,35mm nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Loại nhện này có vòng đời ngắn, chỉ từ 2 – 4 tuần nhưng khả năng sinh sôi rất nhanh, con cái bắt đầu đẻ trứng từ 15 – 20 trứng mỗi ngày trong vòng 1 tuần sau khi nở. Con đực có kích thước nhỏ hơn con cái, toàn thân phủ lớp lông mỏng, và có màu vàng nhạt, xanh lá cây, trắng hay đỏ với các đốm đen ở hai bên thân mình.

Nhện đỏ chỉ ăn duy nhất chất diệp lục trong lá, chúng chích hút lá già và lá bánh tẻ làm thành các vệt màu vàng hoặc nâu theo gân chính của lá. Khi bị hại nặng, lá bị thủng lỗ chỗ và rụng, rồi chết. Chúng thậm chí còn làm cho hoa bị thui và rụng xuống.

Để phòng trừ nhện đỏ gây hại, thực hành luân canh triệt để với cây khác họ, chú ý bảo vệ các loài thiên địch như kiến vàng, bọ cánh cam, hay nhện bắt mồi đồng thời giữ ẩm thưởng xuyên cho đất, vệ sinh nơi trồng, chăm bón cây đầy đủ. Bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp sinh học để diệt trừ nhện đỏ như dùng nước, vôi bột, hoặc nước xà phòng.

Sâu bệnh gây hại ở đậu đũa
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Nhện đỏ gây hại

Các loại bệnh chính trên đậu đũa

1. Bệnh phấn trắng

Bệnh phấn trắng là loại bệnh gây hại chủ yếu ở lá cây, do nấm Erysiphe poligoli gây ra. Khi cây mới bị bệnh, trên lá xuất hiện những vệt nhỏ màu xanh, sau đó chuyển sang màu vàng. Trên vết bệnh lan rộng có một lớp nấm dầy bao phủ giống như bột phấn có màu trắng. Lá cây bị bệnh sẽ cuộn lại, màu vàng khô, héo dần rồi rụng xuống. Cây bị bệnh bị còi cọc, ít quả và quả nhỏ.

Đây là bệnh thường gặp ở đậu đũa nên trong suốt quá trình gieo trồng, bạn cần thường xuyên quan sát để phát hiện bệnh kịp thời. Biện pháp phòng ngừa đối với bệnh phấn trắng trên đậu đũa gồm có vệ sinh ruộng vườn, xử lý đất tốt trước khi gieo hạt, lựa chọn loại giống khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh tốt. Trong quá trình chăm sóc, tiến hành vun cao gốc cây, thoát bỏ nước trên đồng ruộng, vườn tược để hạn chế mầm bệnh. Nếu cây bị bệnh với số lượng ít, vặt lá bệnh rồi đem tiêu hủy xa nơi trồng để tránh lan sang lá cây còn khỏe. Trong trường bệnh phấn trắng lan rộng, có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học như Score 250EC, Aliette 800 WG hoặc Nativo 750 WG, chú ý đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hái.

Bệnh phấn trắng trên đậu cove
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Bệnh phấn trắng

2. Bệnh gỉ sắt

Bệnh gỉ sắt là một bệnh gây hại phổ biến trên đậu đũa, cũng như nhiều loại cây trồng khác. Bệnh do một loại nấm gây ra, phát triển trong vụ xuân hè, chủ yếu gây hại trên lá, đôi khi gây hại cả thân, cành và quả. Bệnh phát triển mạnh ở nhiệt độ 16 – 220C, độ ẩm cao, và khi cây trồng ít được chăm bón.

Khi đậu đũa bị bệnh, lúc đầu xuất hiện những chấm nhỏ màu trắng bạc trên lá. Về sau, vết bệnh chuyển sang mầu nâu, hơi lồi lên, khiến cho lá đậu đũa bị co rúm lại. Nếu bị nặng, lá cây có màu vàng khô, dễ bị rụng, cây nhanh chóng bị tàn lụi. Trên thân, cành và quả khi bị bệnh cũng xuất hiện những đốm nhỏ hơi gồ lên và phủ một lớp bột màu nâu vàng. Nếu bị bệnh gỉ sắt, đậu đũa sẽ sinh trưởng phát triển kém, lá và hoa bị rụng dẫn đến năng suất và chất lượng quả giảm rõ rệt.

Trong các biện pháp phòng bệnh thì việc chọn giống khỏe, chống chịu bệnh là biện pháp có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, luôn chú ý vệ sinh ruộng vườn, thu dọn các tàn dư thực vật. Khi sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, phải tuân thủ đúng quy định về việc sử dụng thuốc và đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch quả.

Sâu bệnh gây hại ở đậu đũa
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Bệnh rỉ sắt trên lá

3. Bệnh lở cổ rễ

Bệnh do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây hại chủ yếu ở thời kỳ cây non, biểu hiện rõ nhất là ở vùng rễ, cổ rễ và vùng gốc cây sát mặt đất. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, trời âm u, độ ẩm cao với nhiệt độ khoảng 18 – 250C. Khi bị bệnh, các bộ phận bị nhiễm nấm bị thâm đen, lâu ngày bị thối rữa, khiến thân bị nứt ra, lá héo rũ rồi rụng dần khiến cây đổ gục, chậm phát triển rồi chết.

Để phòng tránh bệnh lở cổ rễ trên đậu đũa, việc vệ sinh nơi trồng trước và trong suốt quá trình trồng cây không thể bỏ qua, đồng thời sử dụng các giống khỏe có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi, chăm bón đầy đủ để cây đậu đũa khỏe mạnh. Nếu bệnh hại nghiêm trọng cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bạn có thể sử dụng một số loại như Monceren 250SC, Avalin 5L hay Nevo 330EC. Chú ý đảm bảo các quy định về sử dụng và đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc.

Bệnh lở cổ rễ trên đậu cove
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Bệnh lở cổ rễ

4. Bệnh thán thư

Bệnh thán thư cũng là một loại bệnh phổ biến ở các loại cây trồng, gây hại ở tất cả các bộ phận của cây. Bệnh hại này do 2 loại nấm Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens gây hại từ giai đoạn cây con cho đến khi cây ra hoa, quả. Bệnh gây hại nặng nhất trong điều kiện độ ẩm không khí cao và nhiệt độ thấp (16 – 200C). Bệnh ngừng phát triển khi nhiệt độ dưới 130C và trên 270C.

Ở thời kỳ hai lá mầm, vết bệnh thường có hình tròn, màu đen, hơi lõm. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau thành vệt dài, làm cây đổ. Trên cây đậu đũa trưởng thành, các vết bệnh nằm dọc theo gân lá, vết bệnh có hình tròn hoặc hình đa giác. Khi bị bệnh, đậu đũa sinh trưởng phát triển chậm, lá vàng úa, lá và hoa quả dễ bị rụng. Nếu cây con bị bệnh nặng, các vết bệnh hợp lại, khiến cây con bị khô chết rồi đổ rạp xuống. Khi quả bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện các đốm màu nâu trên vỏ, sau đó, nấm bệnh sẽ ăn sâu vào trong thịt, khiến quả bị hỏng, hoặc giảm chất lượng.

Bệnh thán thư
Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa – Bệnh thán thư

Biện pháp phòng trừ cho bệnh thán thư trên đậu đũa gồm có thực hành luân canh cây trồng, chú trọng việc dùng giống khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, vệ sinh ruộng vườn sạch sẽ, thường xuyên, thu dọn các tàn dư thực vật, chăm bón đầy đủ và tiến hành tưới tiêu hợp lý. Nếu bệnh thán thư phá hại nghiêm trọng, có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như Difenocanazole hay Azoxystrobin. Bạn cần đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và đảm bảo đủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch.

Với những thông tin về sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa vừa kể trên, chúc các bạn có những vụ trồng bội thu và tránh được ảnh hưởng từ sâu bệnh!

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang