logo vui cười lên

Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp, kỹ thuật trồng cho người mới


Rất nhiều bạn hiện nay tận dụng sân thượng, ban công để trồng rau sạch và đậu đũa cũng là một loại rau được khá nhiều chị em chọn trồng. Mặc dù cây đậu đũa có loại cây lùn nhưng kể cả những cây cần giàn để leo thì chị em đều có thể trồng trong thùng xốp được như bình thường. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn cách trồng đậu đũa trong thùng xốp để chị em có thể tự trồng được tại nhà.


Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Thời vụ trồng đậu đũa

Trước khi đi vào cách trồng đậu đũa, các bạn nên biết trồng đậu đũa mùa nào thì thích hợp. Đậu đũa ưa thích có thể được trồng quanh năm ở nước ta do hiện nay có nhiều giống khác nhau trên thị trường. Tính theo dương lịch, đậu đũa có thể trồng vào các vụ sau:

  • Vụ đông xuân: gieo hạt vào tháng 11 – 12
  • Vụ xuân hè: gieo hạt vào tháng 2 – 3
  • Vụ hè thu: gieo hạt vào tháng 5 – 6
  • Vụ thu đông: gieo hạt vào tháng 8 – 9

Trong các vụ kể trên, vụ chính của đậu đũa là vụ xuân hè, trồng đậu đũa vào thời gian này cho hiệu quả và chất lượng cao hơn các vụ khác.

Xem thêm: Thời vụ trồng đậu đũa

Đậu đũa lùn
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Chuẩn bị trước khi trồng đầu đũa

1. Chuẩn bị nơi trồng

Khi trồng đậu đũa trong thùng xốp, chúng ta phải dựa vào yêu cầu của cây với ánh sáng để lựa chọn vị trí thích hợp cho cây phát triển. Đồng thời, đậu đũa cũng cần chỗ leo nên nếu chỗ trồng dễ dàng để làm giàn leo thì càng thuận tiện. Đậu đũa là loại cây ưa ánh sáng, do đó, bạn nên chọn nơi có thời gian chiếu sáng trong ngày khoảng 11 – 13 giờ để cây sinh trưởng phát triển tốt. Nếu trồng ở nơi bóng râm, đậu đũa sẽ sinh trưởng phát triển kém, khả năng ra hoa đậu trái giảm, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng quả. Vậy nên, trong cách trồng đậu đũa thì chọn vị trí trồng rất quan trọng.

Cây đậu đũa leo giàn
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

2. Chuẩn bị đất trồng và phân bón

Đậu đũa có khả năng thích nghi với nhiều loại đất trồng, nhưng loại đất thích hợp nhất vẫn là đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất giàu dinh dưỡng, có độ chua vừa phải (pH từ 5,5 – 6,5). Khi trồng trong thùng xốp, bạn nên trộn thêm các giá thể tạo xốp và phân hữu cơ để tăng độ tơi xốp cũng như tăng lượng dinh dưỡng có trong đất. Đây là việc làm không thể bỏ qua trong khâu chuẩn bị đất trước khi gieo trồng.

Những nguyên liệu cần để trộn đất trồng đậu đũa trong thùng xốp gồm có: đất thịt, các loại giá thể tạo xốp và phân bón. Đất trồng cần được xử lý kỹ như phơi nắng, nhặt sạch cỏ dại để hạn chế mầm bệnh. Bạn có thể sử dụng xơ dừa, mùn cưa, tro, trấu hoặc xỉ than để tạo độ xốp cho đất. Với phân bón, nên sử dụng phân hữu cơ như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục, phân gà, phân bò đã qua xử lý để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Ngày nay, nhiều người trồng rau sân thượng còn tự ủ phân bón hữu cơ tại nhà, vừa an toàn, vừa tốt cho đất và tận dụng các sản phẩm dư thừa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng một lượng nhỏ phân lân và kali để bón lót trước khi trồng đậu đũa.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, bạn đem đất thịt, giá thể tạo xốp và phân bón trộn theo tỉ lệ: 5 phần đất thịt, 3 phần giá thể tạo xốp và 2 phần phân bón hữu cơ (có thể thêm vào 1 lượng nhỏ phân hóa học). Sau đó, cho thêm vôi bột vào trộn đều hỗn hợp này, rồi đem đất đã trộn cho vào thùng xốp.

Chuẩn bị đất trồng cây
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

3. Chuẩn bị thùng xốp

Việc thiết kế thùng xốp có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, cũng như năng suất và chất lượng quả đậu đũa sau này. Đậu đũa có bộ rễ phát triển mạnh với nhiều rễ bên nên bạn cần chọn thùng xốp to, chứa nhiều đất cho rễ cây phát triển. Nếu quá ít đất, bộ rễ không có nhiều đất để lan rộng, nếu không được cung cấp phân bón thường xuyên thì càng khiến cho cây không có đủ dinh dưỡng để phát triển.

Thêm vào đó, yếu tố về nước cũng ảnh hưởng đến việc thiết kế thùng xốp. Nước cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với cây. Đất ướt hoặc khô đều ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng phát triển của đậu đũa, nó đặc biệt mẫn cảm với đất bị ngập úng. Chính vì thế, thùng xốp cần phải được thiết kế sao cho đất không bị ngập úng, giữ nước hợp lý mà không bị rửa trôi nhiều dinh dưỡng trong đất.

Chính vì thế, khi trồng đậu đũa trong thùng xốp, bạn không được xem nhẹ khâu chuẩn bị thùng xốp. Mời các bạn đón đọc bài viết Thiết kế thùng xốp thông minh đơn giản tại nhà để nắm được cách tạo thùng xốp hiệu quả nhất cho đậu đũa nhé.

Cách trồng rau đay trong thùng xốp
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

4. Chuẩn bị hạt giống

Để hạt giống nảy mầm tốt và cây con khỏe mạnh thì bạn cần chọn hạt đậu đũa chắc mẩy, không bị nấm mốc, và mua hạt giống tại các công ty và cửa hàng bán hạt giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau khi mua hạt giống, bạn có thể đem gieo trực tiếp vào đất hoặc tiến hành ủ hạt trước khi gieo. Tuy nhiên, NNO khuyên bạn nên ngâm hạt giống trước khi gieo để xử lý các mầm bệnh có trong hạt giống, đồng thời giúp hạt nảy mầm nhanh hơn.

loại bỏ hạt xấu, giúp hạt nảy mầm nhanh hơn và cũng loại trừ một phần mầm bệnh. Hạt giống cần ngâm nước ấm (theo công thức 2 sôi 3 lạnh) trong khoảng 4 tiếng, sau đó đem ủ trong khăn ẩm để hạt nứt nanh rồi đem gieo.

Hạt đậu đũa
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

1. Gieo hạt đậu đũa

Sau khi hạt ủ đã nứt nanh, bạn mang hạt ra gieo theo hàng trong thùng xốp. Khi gieo trong thùng xốp, khoảng cách gieo giữa các hạt thường dày hơn so với gieo ngoài ruộng. Thường khi trồng đậu đũa ngoài ruộng, vườn, người ta thường gieo hạt theo hàng với khoảng cách hàng cách hàng 65 – 70 cm, hạt cách hạt khoảng 30 – 35 cm. Nếu bạn vẫn gieo theo mật độ như thế này thì một thùng xốp của chúng ta không trồng được nhiều cây, nên bạn có thể điều chỉnh mật độ dày hơn một chút, đảm bảo chăm sóc tốt thì các cây vẫn phát triển tốt như bình thường. Trong thùng xốp, bạn có thể gieo hạt theo mật độ hàng cách hàng khoảng 25 – 30 cm, cây cách cây khoảng 15 – 20 cm. Sau khi gieo hạt xong, bạn rải một lớp đất phủ lên trên hạt khoảng 1,5 – 2 cm rồi dùng bình tưới vòi hoa sen tưới ẩm nhẹ đều đất trong thùng xốp.

Gieo hạt đậu đũa
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

2. Chăm sóc cây đậu đũa

Tưới nước: Sau khi gieo hạt, bạn cần cung cấp đầy đủ nước cho hạt nảy mầm tốt, tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Bạn chú ý điều chỉnh lượng nước, tránh tưới đẫm quá lâu có thể khiến hạt bị thối, không thể nảy mầm được.

Tuy đậu đũa có khả năng chịu hạn, nhưng bạn cần cung cấp đủ nước trong suốt cả vòng đời của cây. Thời kỳ cây cần nước nhất là vào thời điểm trước và ngay sau khi cây ra hoa, kết quả và nuôi quả lớn. Nếu thiếu nước trong giai đoạn này, hoa đậu đũa sẽ bị rụng nhiều, khả năng tạo quả thấp, và quả chậm lớn, không chắc thịt. Do đó, bạn cần lưu ý cung cấp nước hợp lý trong quá trình chăm sóc đậu đũa.

Đậu đũa bị thiếu nước
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Xới đất, vun gốc và bón phân: Trong quá trình chăm sóc đậu đũa, việc xới đất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển. Bạn tiến hành xới vun khoảng 2 – 3 lần từ khi cây có 2 lá thật đến lúc trước làm giàn. Lần xới đầu tiên khi cây có 2 lá thật. Khi xới, bạn dùng bay nhỏ làm vườn xới sâu phần đất giữa 2 hàng cây, tuy nhiên, cần làm nhẹ nhàng, tránh làm ảnh hưởng tới bộ rễ của cây. Sau khi xới, mặt đất phải tơi xốp, thoáng khí để giúp cho hệ rễ phát triển tốt và diệt trừ cỏ dại. Bạn tiến hành xới lần 2 khi cây có 3 – 4 lá thật, lúc này, bạn chỉ cần xới hẹp, nông kết hợp với vun nhẹ đất vào gốc cho cây. Nếu chậu có ít đất, bạn có thể lấy đất ngoài, rải nhẹ vào gốc cho cây. Khi cây bắt đầu leo giàn, bạn có thể vặt bỏ lá già, vàng úa ở phần gốc cây.

Số lần bón thúc cho cây tùy thuộc vào đặc tính của giống và thời gian sinh trưởng của cây. Khi cây ra được 1 – 2 lá thật, bạn có thể bón thúc lần đầu với phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò, phân gà đã qua xử lý. Khi cây được 3 – 4 lá, 4 – 5 lá, bạn tiếp tục bón thúc lần 2, lần 3. Lần bón này, ngoài phân hữu cơ, bạn có thể thêm phân đạm để bổ sung dinh dưỡng cho đậu đũa phát triển.

Vào các giai đoạn cây trưởng thành, ra hoa rộ, tạo quả bạn cần chú ý cung cấp đủ dinh dưỡng để đậu đũa cho nhiều trái. Phân để bón cho giai đoạn này vẫn chủ yếu là phân hữu cơ, bổ sung thêm kali để thúc đẩy đậu đũa ra hoa và đậu quả. Trong giai đoạn cây nuôi quả lớn, nếu cần bổ sung phân bón, bạn nên dùng phân hữu cơ, tránh dùng phân vô cơ do không đủ thời gian cách ly phân vô cơ trước khi thu hoạch. Sau mỗi lần thu hoạch đậu đũa, bạn nên tiếp tục bón phân để cây tiếp tục sinh trưởng phát triển, ra nhiều trái và cho nhiều lần hái quả hơn

Cách bón phân trùn quế hiệu quả
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Làm giàn cho đậu đũa leo: Nếu như bạn trồng giống đậu lùn thì không cần phải làm giàn leo. Đối với đậu đũa leo, do thân cây vươn rất dài và mọc nhiều nhánh nên bạn cần phải làm giàn cho đậu đũa leo. Khi cây bắt đầu vươn cao, bạn cần phải làm giàn kịp thời, không được chậm trễ để đậu đũa có chỗ bám, leo lên đón ánh nắng mặt trời, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Khi trồng đậu đũa trong thùng xốp, bạn có thể làm giàn theo kiểu chữ A hoặc chữ X vì hai cách này giúp bạn dễ thu hoạch trái và thuận tiện chăm sóc giàn đậu đũa. Đôi khi đơn giản hơn, bạn có thể tận dụng hàng rào, song sắt trên ban công hoặc sân thượng để làm giàn cho cây. Trong quá trình làm giàn leo, bạn chú ý cần làm giàn chắc chắn để giúp cho cây có chỗ leo tốt, hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa, nếu giàn chắc, bạn cũng có thể tận dụng để trồng những đợt sau. Để tìm hiểu thêm về các cách làm giàn trong thùng xốp, bạn có thể tham khảo qua bài viết Cách làm giàn trồng cây tại nhà.

Làm giàn cho đậu đũa leo
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

3. Phòng trừ sâu bệnh cho cây

Trong cách trồng đậu đũa các bạn cũng cần biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây. Các loại sâu bệnh gây hại trên đậu đũa cúng giống như loại gây hại trên đậu cove, nhưng thường đậu đũa bị thiệt hại nặng hơn. Chính vì thế, bạn phải thường xuyên quan sát cây để phát hiện sâu bệnh kịp thời, nhanh chóng đưa ra các biện pháp phòng trừ hiệu quả và an toàn, tránh sâu bệnh phá hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả.

Những loại sâu gây hại chủ yếu trên đậu đũa gồm rệp, sâu đục quả, nhện đỏ, còn bệnh gây hại thường gặp gồm bệnh lở cổ rễ, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng. Để nắm rõ đặc điểm từng loại sâu bệnh trên đậu đũa và biện pháp phòng trừ, mời bạn xem thêm thông tin ở bài viết Sâu bệnh gây hại ở đậu đũa nhé.

Biện pháp phòng sâu bệnh gây hại ở đậu đũa gồm có việc chọn mua giống khỏe, vệ sinh nơi trồng trước và trong quá trình gieo trồng, bón phân đầy đủ, cung cấp nước hợp lý để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng các loại sâu bệnh gây hại.

Đậu đũa bị rệp
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

4. Thu hoạch quả đậu đũa

Sau khi gieo đậu đũa khoảng từ 60 – 70 ngày, cây sẽ cho thu hoạch lần đầu tiên. Thời gian thu hoạch cụ thể còn tùy thuộc vào giống đậu đũa, cách chăm sóc của từng người. Bạn nên thu hoạch khi hạt còn non, to như chiếc đũa. Nếu để già quá, quả sẽ bị xơ hóa, ăn không còn ngon nữa.

Bạn nên thu hái đậu đũa vào lúc buổi sáng sớm hoặc chiều mát để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của quả, dùng dây mềm để buộc quả thành bó. Một chú ý quan trọng trong khi thu hoạch đậu đũa, đó là bạn không được dùng kéo cắt sát trục hoa cùng với quả, bởi vì hoa sẽ mọc từ các trục hoa này. Nếu bạn cắt trục hoa đi, điều đó có nghĩa là bạn đã cắt đi những bông hoa của đợt sau, sau khi hái quả. Bạn chỉ cần dùng kéo, cắt nhẹ phần đầu của quả đỗ, giữ lại trục hoa để mọc những đợt hoa mới.

Khoảng cách giữa các đợt thu hái khoảng 2 – 3 ngày, thời gian thu hái duy trì trong khoảng 20 ngày hoặc hơn tùy theo giống và việc chăm bón của người trồng. Nếu bạn chăm bón tốt, thì thời gian cây ra trái nhiều hơn, sẽ cho nhiều đợt thu hoạch. Chính vì thế, sau mỗi đợt thu hoạch, bạn nên tiếp tục bổ sung phân hữu cơ để đậu đũa có đủ dinh dưỡng nuôi những đợt quả sau.

Quả đậu đũa
Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp

Với cách trồng đậu đũa vừa nêu trên, chúc chị em có thể tự trồng đậu đũa tại nhà cho năng suất cao và quan trọng hơn là có rau sạch ăn đều đặn hàng tuần. Cảm ơn mọi người đã theo dõi và đóng góp cho bài viết Cách trồng đậu đũa trong thùng xốp.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang