logo vui cười lên

Đậu đũa bị rụng hoa, nguyên nhân & cách khắc phục


Đậu đũa bị rụng hoa là trường hợp không phải hiếm gặp khi trồng đậu đũa nhất là các chị em trồng đậu đũa trong thùng xốp. Nguyên nhân của việc đậu đũa bị rụng hoa có thể do cây thiếu dinh dưỡng, bị sâu bệnh tấn công hoặc do thay đổi thời tiết đột ngột. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn hiểu hơn về nguyên nhân cùng cách khắc phục trường hợp này.


Hoa đậu đũa
Hoa đậu đũa

Nguyên nhân & cách khắc phục đậu đũa bị rụng hoa

1. Đậu đũa không được bón đủ dinh dưỡng

Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến đậu đũa bị rụng hoa. Khi đậu đũa không được bón đủ dinh dưỡng, cây sẽ không đủ sức để nuôi toàn bộ các bộ phận, nên nhiều hoa bị rụng đi để bảo đảm dinh dưỡng cho các bông hoa còn lại và bộ phận khác của cây.

Việc đậu đũa bị rụng hoa do thiếu chất dinh dưỡng khá dễ trong khâu xử lý. Bạn cần bón phân đầy đủ, cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ (đạm, lân, kali), bón đúng loại, đúng liều lượng theo nhu cầu của đậu đũa qua từng giai đoạn. Có như vậy, đậu đũa mới có thể sinh trưởng phát triển tốt, giúp ra hoa nhiều và khả năng đậu trái cao.

Phân bón NPK đầu trâu
Đậu đũa bị rụng hoa do cây thiếu dinh dưỡng

2. Sâu cuốn lá đậu

Sâu cuốn lá cũng là một trong những tác nhân dẫn đến việc rụng hoa ở đậu đũa. Đây là loại sâu thuộc họ Pyralidae. Dạng trưởng thành của nó là bướm, có màu vàng pha nâu, kích thước nhỏ, dài khoảng 7 – 11 mm. Râu hình sơi, chỉ mắt kép màu đen, hai bên đỉnh đầu có các chùm lông. Bướm có cánh trước hình tam giác, mép trước cánh màu vàng nâu, phía sau màu nâu sáng. Trên cánh có 3 đường vân đen chạy từ bờ trước ra sau.

Loài bướm thường hoạt động vào chiều tối, thích ánh sáng đèn. Bướm cái đẻ trứng rải rác ở mặt dưới lá đậu đũa. Sâu non chậm chạp, lúc mới nở có màu vàng nhạt, sau chuyển dần sang màu xanh trong. Nó có thể nhả tơ làm tổ trên hai
ba lá búp với nhau, hoặc hai lá già nằm sát nhau. Sâu non ăn hết biểu bì lá trong tổ, sau đó, chúng lại chuyển sang các lá khác làm tổ mới, tiếp tục phá hại cây. Sâu non hóa nhộng ngay trong tổ của nó. Nếu bạn không phát hiện kịp thời, để sâu phát triển mật độ cao sẽ khiến đậu đũa phát triển còi cọc, hoa sẽ bị rụng sớm, dẫn đến năng suất kém.

Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá gồm có thực hành luân canh và xen canh với các cây trồng khác, thường xuyên quan sát cây trồng để sớm phát hiện sâu cuốn lá kịp thời, vệ sinh đồng ruộng thường xuyên để bướm sâu không có chỗ cư trú. Nếu bị sâu phá hại nặng nề trên diện rộng, bạn có thể sử dụng thuốc hóa học để phun trừ.

Xem thêm: Sâu bệnh gây hại ở cây đậu đũa

Đậu cove bị xoăn lá
Đậu đũa bị rụng hoa do sâu cuốn lá

3. Rầy mềm gây hại

Loại rầy mềm gây hại ở đậu đũa, khiến cây bị rụng hoa nhiều có tên khoa học là Aphis Glycines Matsumura. Chúng được chia làm hai loại là rầy có cánh và không có cánh. Rầy mềm có cánh có cơ thể có màu xanh lục vàng. Phần đầu và ngực có màu xanh lục đậm hoặc màu đen, còn bụng có màu nhạt, dài khoảng 1,7 – 2 mm, rộng từ 0,7 – 0,9 mm. Chúng có râu màu trắng bẩn, các đốt roi râu màu nâu đen và ngắn hơn sơ với cơ thể. Vòi chích hút có thể kéo dài qua khỏi đốt chậu chân giữa.

Loại rầy không có cánh có cơ thể màu vàng xanh đến vàng tươi, hai mắt màu đen. Chúng có râu ngắn, chỉ dài bằng một nửa thân mình và có màu trắng giống như chân. Kích thước của loài rầy mềm không cánh có chiều dài từ 1,5 – 2 mm, rộng từ 0,7 đến 1,2 mm. Còn các đặc điểm khác chúng đều giống như dạng rầy có cánh.

Rầy mềm phá hại đậu đũa bằng cách bám vào lá, hoa và quả non rồi hút nhựa, khiến cho chồi lá biến dạng, lá vàng, cây phát triển kém, rụng hoa, rụng quả. Ngoài việc khiến đậu đũa chậm phát triển, hoa rụng nhiều, rầy mềm còn là vật trung gian truyền bệnh khảm vàng ở đậu đũa, khiến lá cây co rúm, và cây không ra trái.

Để phòng ngừa rầy rệp phá hại khi trồng đậu đũa, trước khi gieo trồng, bạn cần tiến hành xử lý hạt giống trước khi gieo, thường xuyên vệ sinh nơi trồng, giữ ẩm đất thường xuyên cho cây đậu, chăm bón đủ phân bón để cây có đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh và bảo vệ các loài thiên địch ăn rầy mềm như bọ cánh cứng, bọ rùa hay kiến ba khoang. Bạn cần thường xuyên quan sát cây trồng để sớm phát hiện rầy mềm gây hại và có biện pháp phòng trừ hợp lý.

Đậu đũa bị rệp
Đậu đũa bị rụng hoa do bị rệp

4. Cây thừa hoặc thiếu nước

Một trong những nguyên nhân ít ai ngờ đến khiến đậu đũa bị rụng hoa, đó chính là cung cấp nước không hợp lý cho cây. Tuy đậu đũa có khả năng chịu hạn tốt, nhưng trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây, đậu đũa cần được cung cấp đầy đủ nước. Nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn ngay trước và sau khi đậu đũa ra hoa. Nếu bạn tưới thừa nước sẽ khiến cây bị ngập úng, khô héo và rụng hoa. Còn tưới thiếu nước, cây sẽ không có đủ nước để phát triển, cung cấp cho quá trình ra hoa, tạo quả, nên hoa sẽ bị rụng xuống để giảm bớt nhu cầu về nước của cây.

Chính vì vai trò của nước đối với cây, nên trong quá trình chăm sóc, nhất là giai đoạn đậu đũa ra hoa kết trái, bạn cần cung cấp đủ nước, hợp lý để giúp cho cây ra hoa nhiều, khả năng kết trái cao.

Đậu đũa bị thiếu nước
Đậu đũa bị rụng hoa do thiếu nước

5. Thay đổi thời tiết đột ngột

Trong trường hợp đậu đũa bị rụng hoa mà bạn chăm sóc cây đầy đủ, quan sát cây không có dấu hiệu bị sâu bệnh nào gây hại thì bạn hãy xem xét đến vấn đề về thời tiết nhé. Nếu như thời tiết thay đổi đột ngột, cây cũng sẽ bị tác động bởi yếu tố môi trường khiến cho cây bị rụng hoa nhiều.

Vì trường hợp này liên quan đến vấn đề về thời tiết nên biện pháp hạn chế còn khó khăn. Bạn chú ý duy trì chăm bón cây đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cây thích nghi với điều kiện ngoại cảnh thay đổi tốt hơn, đồng thời, dựa vào kinh nghiệm thực tế ở địa phương mình để lựa chọn trồng cây đúng thời điểm.

Cây đậu đũa
Cây đậu đũa

Với những thông tin trên, chắc các bạn đã hiểu tại sao đậu đũa bị rụng hoa khiến năng suất giảm rồi đúng không. Nếu bạn còn thắc mắc nào khác, hãy để lại comment bên dưới để được NNO giúp bạn giải đáp cụ thể hơn.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang