Cây khổ qua là cây dễ trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cây vẫn có thể gặp các loại sâu bệnh gây hại khiến cây bị vàng trái, vàng lá hay xoăn lá. Trong bài viết trước, NNO đã giải thích khá cụ thể cho các bạn về trường hợp cây khổ qua bị vàng quả, còn trong bài viết này NNO sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý khi cây khổ qua bị vàng lá, xoăn lá.
- Mướp đắng bị vàng quả
- Bà bầu ăn mướp đắng được không
- 5 Cách làm giàn khổ qua tại nhà đơn giản
- Uống nước mướp đắng có tác dụng gì
- Cây dền gai có tác dụng gì
Cây khổ qua bị vàng lá
Nguyên nhân cây mướp đắng bị vàng lá có rất nhiều nhưng nhóm chung vào thì có 4 nguyên nhân chính.
- Thứ nhất là cây bị úng, thối rễ dẫn đến vàng lá. Trường hợp này gặp nhiều vào mùa mưa khi các bạn làm luống bị thấp hoặc trồng cây trong thùng xốp nhưng bị tắc các lỗ thoát nước khiến cây bị úng.
- Thứ hai là cây bị sâu, rệp, bọ nhảy … nói chung là do các động vật chích hút tấn công lá khiến lá cây bị mất dinh dưỡng và vàng đi.
- Thứ ba là do cây bị một số loại bệnh có nguyên nhân từ virus hoặc nấm tấn công. Bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc giữa các lá và các loại côn trùng cũng là nguồn lây bệnh rất mạnh.
- Thứ 4 là do cây bị thiếu chất dẫn đến tình trạng lá bị vàng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cũng có thể đoán được cây bị thiếu chất gì như đạm, lân hay kali. Nếu thấy đầu lá bị vàng sau đó lan dần vào bên trong thì do thiếu đạm (N). Lá thiếu lân mép lá ngả vàng, lá non bị chẻ thùy sâu và cong lại. Cây thiếu kali (K) lá bị vàng nhưng gân lá vẫn xanh, trường hợp nặng lá có hiện tượng cháy lá từ mép vào. Cây thiếu lưu huỳnh (S) lá non bị ngả vàng toàn bộ. Cây bị thiếu sắt lá chuyển sang màu vàng nhạt nhưng gân lá vẫn xanh. Cây thiếu kẽm (Zn) lá non sẽ bị vàng với biểu hiện vàng từ mép lá vàng dần vào trong.
Cách trị bệnh vàng lá trên cây mướp đắng cũng không khó. Các bạn chỉ cần xác định được nguyên nhân cây khổ qua bị vàng lá, các bạn sẽ có hướng điều trị dễ dàng hơn.
- Trị bệnh vàng lá trên cây mướp đắng do bị úng: trường hợp này gần như là không cứu được vì bộ rễ của cây đã bị thối, cây không thể hấp thu được nước và dinh dưỡng nên sẽ chết dần.
- Cây bị sâu bệnh tấn công: khi xác định được cây bị sâu bệnh tấn công thì tùy vào từng loại sâu bệnh cụ thể mới có hướng xử lý cụ thể. Bạn nên xem kỹ cây mướp đắng đang bị loại sâu bệnh nào tấn công, tốt nhất chụp lại ảnh sau đó tới những nơi bán thuốc nông nghiệp để hỏi mua thuốc đặc trị cho từng loại sâu bệnh cụ thể.
- Cây bị thiếu chất: trường hợp này các bạn cần xem cây bị thiếu chất gì để bổ sung. Tùy trường hợp mà các bạn có thể bón thêm phân đạm, phân lân, phân kali hay khoáng cho cây để bổ sung dinh dưỡng.
Cây mướp đắng bị xoăn lá
Tình trạng xoăn lá thường xảy ra ở đầu ngọn khiến lá bị xoăn, ngọn không phát triển được, cây còi cọc. Nguyên nhân mướp đắng bị xoăn lá thường do virus, nấm hoặc côn trùng chích hút tấn công. Để nhận biết nguyên nhân cũng không quá khó. Bạn để ý kỹ phần lá bị xoăn, nhất là ở dưới lá nếu có côn trùng chích hút sẽ thấy ngay. Nếu không có côn trùng chích hút thì thường do nấm hoặc virus gây ra.
Khi cây mướp đắng bị xoăn lá, các bạn cần ngắt bỏ lá bị xoăn và sử dụng các loại thuốc đặc trị để diệt côn trùng chích hút hoặc điều trị nấm, virus. Trường hợp cây còn nhỏ đã bị xoăn lá, xoăn ngọn thì việc điều trị cho cây thường không hiệu quả, kể cả cây đã hết bị xoăn lá cũng sẽ còi cọc chậm lớn. Vậy nên, cách tốt nhất là phòng bệnh xoăn lá ngay từ khi chuẩn bị trồng cây. Các bạn nên làm đất đúng kỹ thuật, diệt sạch các mầm bệnh trong đất, khi cây mới lên được vài lá thật thì vẫn nên phun thuốc diệt côn trùng chích hút và nấm để phòng bệnh cho cây.
Trong bài viết này, NNO không đưa ra tên các loại thuốc cụ thể để điều trị cây khổ qua bị vàng lá, xoăn lá vì có rất nhiều loại thuốc có thể sử dụng. Các bạn chỉ cần hỏi những cửa hàng bán cây giống hoặc cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật là sẽ mua được những loại thuốc đặc trị phù hợp.