Rất rất nhiều bạn bị nhầm lẫn giữa máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do cách gọi tên các loại máy sấy có nhiều điểm giống nhau và sự hiểu nhầm về công nghệ sấy. Bài viết này NNO sẽ so sánh máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa để các bạn biết sự khác nhau cơ bản của hai dòng máy sấy này.
Máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa
Trước tiên giới thiệu về máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa để các bạn hiểu cơ bản về hai dòng máy này trước khi đi vào so sánh. Đầu tiên là máy sấy lạnh, kiểu máy sấy này không phổ biến lắm trên thế giới nhưng ở Việt Nam khá phổ biến do công nghệ sấy ở Việt Nam trước đây chủ yếu là sấy nhiệt. Sau này nhiều hãng nâng cấp hệ thống sấy nhiệt thêm một bộ hút ẩm trở thành máy sấy lạnh. Tuy nhiên hệ thống hút ẩm này thường không chịu được nhiệt độ cao và khi sấy lạnh cũng không cần sấy ở nhiệt cao nên mức nhiệt độ của máy sấy lạnh chỉ giới hạn ở mức khoảng 15 – 60 độ C. Thực tế khi sấy thường sẽ sấy ở mức nhiệt 30 – 50 độ C.
Máy sấy thăng hoa cũng là kiểu máy sấy không quá phổ biến trên thế giới. Việc dòng máy này không phổ biến là do giá thành của nó cao nên không phổ biến chứ không giống như máy sấy lạnh. Máy sấy thăng hoa sử dụng nguyên lý thăng hoa của nước để sấy khô sản phẩm chứ nó không giống như máy sấy lạnh. Sự khác nhau về nguyên lý này NNO sẽ giải thích cụ thể ở phần sau. Do sử dụng nguyên lý thăng hoa của nước nên dòng máy thăng hoa này cần phải làm lạnh sản phẩm sấy ở nhiệt độ âm sâu (-30 độ) và hút chân không. Thế nên nhiều người vẫn nói máy sây thăng hoa là máy sấy âm sâu hay máy sấy đông khô đều xuất phát từ nguyên lý sấy của loại máy này.
Xem thêm: Máy sấy công nghiệp nhiệt độ cao
So sánh máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa
1. Điểm giống nhau
Máy sấy thăng hoa và máy sấy lạnh đều có điểm giống nhau về chức năng chính là sấy khô sản phẩm. Sấy khô tức là rút hết nước ra khỏi sản phẩm cần sấy. Khi sản phẩm cần sấy bị loại bỏ hầu hết nước bên trong sẽ bảo quản được lâu trong điều kiện môi trường.
2. Điểm khác nhau
Cấu tạo: máy sấy lạnh có cấu tạo gần tương tự như máy sấy nhiệt với quạt để thổi gió đều trong buồng sấy, thanh nhiệt điện trở để cấp nhiệt và một hệ thống hút ẩm để gió thổi vào buồng sấy là gió khô. Còn máy sấy thăng hoa hơi khác, dòng máy này cần một buồng sấy kín, chắc chắn chịu được lực hút chân không liên tục trong thời gian dài. Đi kèm với máy sẽ có hệ thống làm lạnh âm sâu, bơm hút chân không và cũng có hệ thống gia nhiệt. Nói vậy là các bạn cũng hiểu máy sấy thăng hoa sẽ phức tạp hơn khá nhiều so với máy sấy lạnh rồi đúng không.
Nguyên lý sấy: máy sấy lạnh sấy khô sản phẩm bằng không khí khô mát. Ở trong môi trường không khí khô mát nước trong sản phẩm sấy sẽ bay hơi thoát dần ra ngoài. Do không khí khô nên nước trong sản phẩm sấy sẽ khuếch tán nhanh hơn ra môi trường để cân bằng độ ẩm trong và ngoài sản phẩm sấy. Vì lý do này nên dù sấy ở mức nhiệt độ mát (30 – 50 độ) nhưng sản phẩm sấy vẫn khô nhanh. Còn nguyên lý của máy sấy thăng hoa lại khác hoàn toàn, dòng máy này sẽ làm đông đá toàn bộ sản phẩm ở nhiệt độ âm sâu (-30 độ), nước trong sản phẩm cần sấy đông hết thành đá. Lúc này máy sẽ hút chân không trong buồng sấy để tạo điều kiện cho nước thăng hoa. Tức là nước đá đóng băng trong sản phẩm cần sấy sẽ bay hơi trực tiếp thoát ra ngoài chứ không chuyển sang thể lỏng nữa. Sau khi băng đá “bay hơi” hết thì sản phẩm sấy sẽ khô.
Xem thêm: Nguyên lý hoạt động của máy sấy lạnh
Nhiệt độ sấy: máy sấy lạnh như đã giới thiệu ở trên là dòng máy sấy bằng không khí khô mát, nhiệt độ sấy của máy vào khoảng 15 – 60 độ C. Trong khi đó, máy sấy thăng hoa sẽ có dải nhiệt độ sấy rộng hơn từ (-30) độ đến 50 độ C.
Thời gian sấy: máy sấy lạnh tùy loại sản phẩm và cách sơ chế mà thời gian sấy có thể khác nhau. Những loại mỏng dễ thoát nước thì sấy 3 – 5 tiếng là khô. Những loại sấy khó khô hơn hoặc sơ chế miếng (củ) lớn cần sấy lâu hơn mới khô. Thường sấy bằng máy sấy lạnh có thể phải sấy tới 2 ngày mới khô. Máy sấy thăng hoa có cách sấy khác hẳn, máy cần làm đông đá sản phẩm (3 – 6 giờ) sau đó hút chân không để nước trong sản phẩm sấy thăng hoa. Tổng thời gian sấy thăng hoa những loại dễ sấy, mỏng vào khoảng trên dưới 24 giờ. Nếu sấy những loại dày, khó sấy thì có thể phải sấy 60 thậm chí 80 tiếng liên tục mới đạt đủ độ khô.
Điện năng tiêu thụ: với hệ thống phức tạp hơn, nhiều thành phần tiêu thụ điện năng cao nên máy sấy thăng hoa tất nhiên sẽ tốn điện hơn máy sấy lạnh. Các bạn thấy máy sấy lạnh chỉ tiêu tốn điện năng chủ yếu ở hệ thống hút ẩm và một số thanh nhiệt điện trở. Còn máy sấy thăng hoa tiêu tốn điện năng ở hệ thống làm lạnh âm sâu (tốn điện hơn hệ thống hút ẩm), hệ thống gia nhiệt (tốn điện tương đương thanh nhiệt điện trở) và bơm hút chân không. Vậy nên nếu so sánh ở mức cùng khối lượng sấy thì rõ ràng máy sấy thăng hoa tốn điện hơn máy sấy lạnh gấp hai đến ba lần.
Giá thành: giá thành của máy sấy thăng hoa tùy loại đắt hơn khá nhiều so với máy sấy lạnh. Ví dụ máy sấy lạnh 50kg có giá khoảng trên dưới 70 triệu đồng thì máy sấy thăng hoa loại 50kg lại có giá khoảng trên dưới 700 triệu đồng. Nhắc lại là 700 triệu đồng chứ không phải là các bạn đọc sai đâu.
Với so sánh như trên, có thể thấy máy sấy thăng hoa và máy sấy lạnh khác nhau khá nhiều từ cấu tạo, thời gian, nhiệt độ, nguyên lý sấy và cả giá thành. Vậy nên khi nói về máy sấy lạnh các bạn đừng nhầm sang dòng máy sấy thăng hoa, sự nhầm lẫn này nhiều người gặp phải do chưa hiểu rõ về hai dòng máy này.