logo vui cười lên

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở đúng kỹ thuật


Khi các bạn cho gà mái tự ấp trứng thì gà con nở ra các bạn có thể cho gà mẹ nuôi. Tuy nhiên, khi các bạn dùng máy ấp trứng để ấp trứng gà thì gà con nở ra các bạn cần phải úm để giúp gà con không bị sốc nhiệt và quen dần với nhiệt độ môi trường. Cách úm gà con mới nở cũng không khó các bạn chỉ cần làm chuồng úm, đảm bảo nhiệt độ, mật độ úm, thức ăn nước uống và thời gian chiếu sáng phù hợp là được. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn các bạn cụ thể về cách làm chuồng úm gà con sau khi nở để các bạn có thể làm được một chuồng úm đúng kỹ thuật đảm bảo chất lượng úm gà con tốt, giúp gà con khỏe mạnh không bị bật tật, lớn nhanh.


Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Để làm chuồng úm cho gà con các bạn cần chuẩn bị các vật liệu để làm chuồng úm và thực hiện làm chuồng úm đúng kỹ thuật đảm bảo chuồng úm kín gió, có nhiệt độ phù hợp cho gà phát triển theo từng tuần tuổi và tránh được côn trùng, động vật gây hại cho gà.

Chuẩn bị nguyên liệu làm chuồng úm

  • Cót ép hoặc bạt nilon mỏng để làm vách chuồng úm
  • Nẹp tre + dây thép để tạo hình cố định vách chuồng úm
  • 1 -2 Thanh tre dài để gác bên trên chuồng dùng để mắc bóng đèn
  • Trấu để độn chuồng
  • Chiếu cói hoặc bạt nilon mỏng để phủ bên trên chuồng úm
  • Bóng đèn sợi đốt hoặc bóng hồng ngoại

Các bước thực hiện

Trước khi làm chuồng úm các bạn cần hình dung được hình dạng của chuồng úm và quyết định xem làm chuồng úm với hình dạng như thế nào. Chuồng úm có hai kiểu được làm phổ biến là kiểu hình chữ nhật (hình vuông) và hình tròn. Hai kiểu chuồng này đều tương tốt như nhau chứ không có loại nào tốt hơn loại nào. Nếu dùng cót ép thì bạn có thể quây chuồng dạng tròn rất dễ dàng. Nếu bạn dùng bạt nilon để quây chuồng thì khó quây thành dạng tròn hơn mà nên làm chuồng hình chữ nhật.

Bước 1: Quây chuồng

Nếu bạn dùng cót ép thì có thể quây chuồng thành hình tròn rất đơn giản sao cho độ cao của chuồng là từ 50 – 70cm, quây phải kín tránh được gió lùa và các chuột bọ có thể vào chuồng, đảm bảo diện tích quây úm không được rộng quá 6m2 và mật độ trong chuồng 60 con/m2.

Nếu bạn muốn quây thành chữ nhật thì hãy đo diện tích chuồng cần úm rồi cắt cót ép thành các tấm với kích thước đã tính toán trước. Ví dụ muốn làm chuồng úm diện tích 6m2 thì các bạn cần làm một chuồng hình chữ nhật với một cạnh dài 2m và một cạnh dài 3m. Khi đó, hãy cắt cót ép thành 4 tấm để làm vách chuồng. 2 tấm có kích thước 70cm x 200cm, 2 tấm có kích thước 70cm x 300cm. Sau khi cắt xong dùng nẹp tre nẹp 4 cạnh của 4 tấm cót ép này lại và nẹp thêm ở giữa để tạo thành khung chắc chắn cho chuồng úm. Giờ chỉ cần ghép 4 khung này lại với nhau là có thể tạo thành một chuồng úm đúng kích thước. Đối với bạt nilon các bạn cũng làm tương tự để tạo được 4 khung chữ nhật kín, chắc chắn.

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Bước 2: Cố định chuồng úm

Sau khi đã làm xong bước 1. Nếu bạn quây úm dạng tròn thì cần dùng nẹp tre và dây thép để cố định quây úm giúp quây úm không bị bung ra là được. Nếu bạn quây úm dạng chữ nhật thì ghép 4 tấm lại với nhau thành một hình chữ nhật rồi dùng dây thép buộc chặt các cạnh lại. Công đoạn cố định chuồng úm các bạn cần phải chú ý kỹ là buộc sao cho chuồng úm kín để chuột bọ không vào được bên trong chuồng úm.

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Bước 3: Trải trấu độn chuồng

Trấu độn chuồng các bạn trải bên trong quây úm. Độ dày của trấu tối thiểu là 10cm và tốt nhất là dày 12 cm. Lớp trấu này vừa có tác dụng giúp gà con không bị lạnh chân vừa giúp điều hòa nhiệt độ bên trong quây úm nên các bạn cần trải trấu đam bảo độ dày tối thiểu.

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Bước 4: Mắc bóng đèn

Dùng thanh tre đã chuẩn bị lúc trước gác lên bên trên của quây úm để mắc bóng đèn. Nếu bạn thấy bóng đèn công suất cao sẽ làm nóng gà con thì có thể treo bóng đèn cao hơn, còn thanh tre gác bên trên thì cứ để lại để đỡ bạt phủ bên trên chuồng.

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Bước 5: Trải bạt phủ bên trên chuồng

Bên trên chuồng úm các bạn trải chiếu cói để phủ lên trên hoặc dùng bạt nilion cũng được. Việc trải bạt phủ bên trên có tác dụng tránh gió lùa và có thể che kín hoặc để hở một phần giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong chuồng úm. Sau khi trải bạt xong, coi như các bạn đã hoàn thành làm một chuồng úm gà con rồi.

Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Một số lưu ý khi làm chuồng úm

  • Chọn vị trí đặt chuồng úm: vị trí đặt chuồng úm cần xa khu vực chăn nuôi chính để tránh các mầm bệnh có thể lây sang cho đàn gà con. Nơi đặt chuồng úm cần chú ý chọn nơi yên tĩnh để tránh làm gà con bị stress do các tiếng động mạnh.
  • Vệ sinh khu vực chuồng úm: trước khi làm chuồng úm các bạn cần vệ sinh sạch sẽ nơi đặt chuồng. Dùng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng để khử trùng khu vực úm gà con trước khoảng 3 ngày.
  • Che chắn tránh gió lùa: mặc dù quây úm có tác dụng tránh gió lùa nhưng khu vực đặt chuồng úm cũng nên che chắn cẩn thận để tránh gió.
  • Thường xuyên kiểm tra: thường xuyên kiểm tra chuồng úm và có điều chỉnh kịp thời khi phát hiện thấy chuồng úm bị hỏng, xô lệch, …
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở
Cách làm chuồng úm gà con sau khi nở

Như vậy, với những hướng dẫn trên, các bạn đã có thể tự làm một chuồng úm gà con đảm bảo đúng kỹ thuật. Điểm lưu ý khi làm chuồng úm là tránh được gió lùa, chất độn chuồng đủ dày và diện tích úm phù hợp. Ngoài cách làm trên, rất nhiều người cũng đã sáng tạo làm chuồng úm theo những cách khác tốt hơn. Do đó, các bạn chỉ cần đảm bảo điều kiện úm thì có thể làm chuồng úm theo những cách khác đều được.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang