logo vui cười lên

Cây mồng tơi, tổng hợp những điều cần biết về loại rau quen thuộc này


Rau mồng tơi là loại rau rất quen thuộc và dân giã. Đây cũng là loại rau được trồng rất nhiều ở nước ta vì dễ trồng, dễ sống, không mất nhiều công chăm sóc. Bên cạnh việc dùng rau mồng tơi làm thực phẩm, loại rau này còn có nhiều tác dụng khác như chữa bệnh khí hư suy nhược, tiểu tiện buốt nóng, chữa mụn nhọt hoặc bị bỏng, chữa đau mắt, … Trong bài viết ngày hôm nay, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giới thiệu với các bạn những thông tin cơ bản về cây mồng tơi để các bạn có thể hiểu rõ hơn về loại rau này.


Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Tên gọi của rau mồng tơi

  • Tên gọi khác: Rau mồng tơi còn có các tên gọi khác như mùng tơi, tầm tơi, tên Hán là lạc quỳ, chung quỳ, yên chi thái, đằng thái.
  • Tên khoa học là Basella alba L
  • Tên tiếng Anh là red vine spinach, creeping spinach, climbing spinach, Indian spinach, hay Asian spinach.
  • Họ: thuộc họ Mồng tơi (Basellaceae)
Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Đặc điểm của cây mồng tơi

Hiện nay chưa xác định được chính xác nguồn gốc cây mồng tơi nhưng có nhiều ý kiến cho rằng dạng trồng phổ biến có quê hương ở khu vực Nam Á. Ngày nay, cây mồng tơi được gieo trồng rộng rãi tại các nước vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi, châu Mỹ và được coi là cây ngày ngắn ở một số khu vực có khí hậu ôn đới.

Mồng tơi là loại dây leo quấn, thân mập, nhẵn bóng và nhớt, sống hàng năm hay hai năm. Đây là loại cây rễ chùm, bộ rễ mọc sâu trong đất, thích hợp khi trồng trên đất tơi xốp. Lá cây có hình tim, dày, mọc xen, đơn, nguyên, có cuống. Cây có hoa mọc thành cụm hình bông ở kẽ lá, màu trắng hoặc tím đỏ nhạt. Quả mọng, màu xanh, có hình cầu hoặc hình trứng, dài khoảng 5 – 6 mm, khi chín chuyển sang màu tím đen. Cây mồng tơi phát triển nhanh, dây có thể dài đến 10 m.

Cây mồng tơi
Quả của cây mồng tơi

Phân loại rau mồng tơi

Hiện nay mồng tơi được trồng nhiều ở nước ta nhưng nếu phân loại ra thì có 3 giống mồng tơi chính là mồng tơi trắng, mồng tơi tía và mồng tơi lá to:

  • Mồng tơi trắng: Giống mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt.
  • Mồng tơi tía: Mồng tơi tía có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ.
  • Mồng tơi lá to: Mồng tơi lá to được nhập từ Trung Quốc, nhưng đã được thuần hoá. Cây có lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thâm mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non ít nhớt và cho năng suất cao.
Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Rau mồng tơi có công dụng gì

Cây mồng tơi có chứa nhiều chất như vitamin (C, A, PP, B1, B2), pectin, saponin, polysaccharide, chất nhầy, tinh bột, chất đạm, chất béo, canxi, sắt, năng lượng, nước và folate. Do đó, mồng tơi là loại cây mang lại giá trị dinh dưỡng cao, không độc. Cùng với việc dễ trồng nên mồng tơi được trồng nhiều để cung cấp rau xanh cho bữa cơm hàng ngày. Lá và ngọn mồng tơi thường được dùng để chế biến một số món ăn như món canh, luộc, xào và nhúng lẩu.

Không chỉ được dùng để chế biến thức ăn, cây mồng tơi còn được coi là một cây thuốc quý. Với chất nhầy pectin rất quý, cây mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón lâu ngày gây thoát giang.

Mồng tơi còn giúp thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu. Với tác dụng thanh nhiệt giải độc, giúp cho người lao động ngoài trời nắng nóng duy trì được sức khỏe, phòng chống bệnh tật như mỏi mệt, háo khát, bứt rứt.

Cây mồng tơi còn được sử dụng để chữa bệnh khí hư suy nhược, tiểu tiện buốt nóng, chữa mụn nhọt hoặc bị bỏng. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt. Người ta còn dùng lá mồng tơi để chữa đầu vú sưng nứt cho phụ nữ cho con bú.

Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Phụ nữ mang thai ăn rau mồng tơi được không, tốt không?

Như chúng ta đã biết, rau mồng tơi chứa hàm lượng dinh dưỡng cao với đầy đủ chất chống oxy hóa, nhiều loại vitamin và khoáng chất nên nó được coi là một nguồn bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể phụ nữ mang thai và thai nhi.

Khi phụ nữ mang thai tháng 3 tháng đầu, trong những ngày hè nóng bức việc ăn rau mồng tơi sẽ giúp mẹ bầu giải nhiệt và mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như: trị táo bón, tăng sức đề kháng, giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa ung thư và cải thiện thị lực. Hơn nữa, rau mồng tơi còn giúp cho làn da của phụ nữ mang thai được mịn màng. Chính nhờ những tác dụng này mà cây mồng tơi trở thành một nguồn thực phẩm quan trọng cho phụ nữ mang thai.

Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Cách trồng và chăm sóc rau mồng tơi

Chuẩn bị gieo trồng

Trước khi gieo trồng, chúng ta nên chọn loại đất nhẹ, thịt trung bình với độ PH từ 6,0 – 6,7. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại trước khi gieo trồng. Mồng tơi là loại cây ưa nắng nên nên chọn khu vực có nhiều ánh sáng để cây phát triển tốt. Luống rau nên làm với kích thước mặt luống rộng 1 – 1,2 m, cao 0,15 – 0,2 m và rãnh luống sâu 0,2 – 0,3 m. Việc bón lót phân cho cây trồng cũng là bước cần thiết trong khâu chuẩn bị.

Chuẩn bị đất trồng cây
Chuẩn bị đất trồng cây mồng tơi

Gieo hạt 

Sau khi làm đất xong các bạn gieo hạt mồng tơi để trồng. Rải hạt đều trên mặt luống với lượng hạt gieo 150g/36m2, sau đó phủ lên lớp đất mỏng 0,5 cm và tưới nước bằng vòi phun nhẹ đủ ẩm, ngày tưới 2 lần khoảng 5-7 ngày hạt sẽ nảy mầm.

Nếu gieo hạt cho cây leo dàn thì chỉ cần rải hạt thành hàng xong lấp đất lại, tưới nước ngày 2 lần, nhớ kiểm tra coi chừng côn trùng và ốc ăn hạt và lá non. Khi trồng cây mồng tơi cần chú ý, sử dụng nước sạch để tưới cây, mùa nắng cần tưới ngày 2 lần để đảm bảo độ ẩm cho cây, còn vào mùa mưa, tránh tưới quá nhiều nước làm cây bị úng, hỏng.

Cây mồng tơi non
Cây mồng tơi non

Chăm sóc rau

Khi cây mồng tơi đã mọc được 2 – 3 lá thật là có thể tỉa cây để đảm bảo khoảng cách vừa đủ để các cây không bị cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng. Sau khi tỉa thưa lần 1 thì bón thêm phân trùn quế để rau không bị vàng lá, có thể pha thêm một muỗng cà phê nhỏ phân urê cho 1 lít nước tưới cho rau lúc chiều mát để giúp lá rau mau nở to và xanh hơn.

Khi cây mồng tơi cao khoảng 25 – 30 cm là có thể cắt ngọn lần đầu tiên để dùng, khi cắt cần chừa lại phần gốc cách đất tầm 10cm để cây bắt đầu mọc nhánh. Sau mỗi lần cắt thu hoạch thì nên bón thêm lớp đất dinh dưỡng và tưới thêm nước phân urê như lần đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý thời gian cách ly phân bón để rau được an toàn.

Cây mồng tơi
Cây mồng tơi

Tác hại của rau mồng tơi

Tuy rau mồng tơi có chứa giá trị dinh dưỡng cao và chữa được một số bệnh, nhưng nếu ăn quá nhiều rau mồng tơi sẽ gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Hấp thu kém: việc hấp thu kém do mồng tơi chứa hàm lượng cao axít oxalic (một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi) khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
  • Sỏi thận: trong cây mồng tơi có nhiều purin, hợp chất hữu cơ này khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric. Nếu hàm lượng axit uric tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Thêm vào đó, các axít oxalic trong loại rau này làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển. Chính vì thế, người bị sỏi thận cần tránh loại thực phẩm này.
  • Tiêu chảy: mặc dù mồng tơi có thể giúp nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón nhưng nếu ăn quá nhiều mồng tơi có thể dẫn tới tiêu chảy.
Cây mồng tơi leo giàn
Cây mồng tơi leo giàn

Giá mồng tơi trên thị trường

Nếu bạn muốn mua mồng tơi về trồng thì có thể mua hạt hoặc mua cây giống đều được. Nếu mua cây giống bạn sẽ không mất thời gian gieo, còn mua hạt thì mất thêm thời gian để gieo. Giá của một gói hạt giống cây mồng tơi 10 – 20g vào khoảng 10 ngàn (được khoảng 300 hạt). Còn mua cây con về trồng thì tùy nơi sẽ bán đắt rẻ khác nhau, thông thường giá cây con khoảng 5 ngàn đồng/10 cây.

Về giá mồng tơi mua về để làm rau ăn, nếu mua ở các chợ dân sinh thì giá khá rẻ. Tùy vào mùa và thời tiết mà giá rau có lúc chỉ khoảng 3 ngàn đồng một mớ, lúc đắt thì 5 ngàn đồng một mớ. Còn nếu bạn mua mồng tơi trong siêu thị thì sẽ tính theo kg, giá hiện nay vào khoảng 40 ngàn đồng/kg.

Hạt giống rau mồng tơi
Hạt giống rau mồng tơi

Với những lợi ích từ rau mồng tơi mang lại hay những tác dụng phụ kể trên, bạn nên thêm mồng tơi vào bữa ăn một cách khoa học để tận dụng tối đa lợi ích từ rau mồng tơi và tránh các tác hại không đáng có. Nếu bạn còn thắc mắc về loại cây này, hãy để lại comment bên dưới để được NNO giải đáp sớm nhất.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang