Cây mướp là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc nhưng loại cây này cũng có nhiều sâu bệnh. Khi phát hiện cây bị sâu bệnh các bạn nên có hướng xử lý kịp thời để cây phát triển tốt cho năng suất cao. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ điểm qua các loại sâu bệnh gây hại ở cây mướp để các bạn có thể nhận biết và phòng tránh nếu gặp phải.
- Cách làm giàn mướp đơn giản
- Cách gieo hạt mướp
- Tác dụng của quả mướp
- Thời vụ trồng mướp
- Cách trồng rau muống hạt
Một số loại sâu hại mướp hương phổ biến
1. Bọ xít
Cũng giống như chuột, bọ xít cũng gây hại nhiều cho cây mướp. Bọ xít trưởng thành và con non chích hút nhựa trên cuống lá, cuống nụ, quả non, và thân non làm cho lá mướp bị vàng, rụng sớm hoặc teo nhỏ, nhăn nheo, khiến cho cây mướp sinh trưởng phát triển chậm. Qủa non khi bị bọ xít chích sẽ bị teo, biến dạng, có thể bị hỏng hoặc kém phát triển, ăn không ngon. Nếu bọ xít phát triển với mật độ cao sẽ khiến cho năng suất và chất lượng quả giảm nghiêm trọng.
Bọ xít trưởng thành có màu nâu đậm, nhìn gần giống hình lục giác. Phần bụng có màu đỏ cam, mỗi mép rìa mặt lưng có 7 chấm đen xen với 7 chấm vàng da cam. Bọ xít hại mướp hương có vòi miệng dài như cái vòi hút. Bọ non hình dạng giống như con trưởng thành nhưng không có cánh và có màu nâu đỏ.
Vì cây mướp rất dễ bị bọ xít gây hại nên bạn cần quan sát cây thường xuyên để phát hiện bọ xít kịp thời. Khi thấy bọ xít, nếu có ít, bạn dùng tay bắt bọ xít rồi diệt trừ. Nếu bọ xít xuất hiện với mật độ lớn, bạn có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ bọ xít.
2. Ruồi đục quả
Ruồi đục quả cũng là một tác nhân phổ biến dẫn đến năng suất trồng mướp và chất lượng quả giảm rõ rệt. Ruồi trưởng thành có cơ thể dài từ 6 – 9 mm, đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với 6 chấm màu đen. Thân ruồi đục quả trưởng thành có màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong suốt. Chúng nhìn giống như con ruồi nhà nhưng có kích thước nhỏ hơn và hoạt động vào ban ngày.
Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ vào đó một chùm khoảng 5 – 10 trứng. Chỗ vỏ quả bị ruồi đục có màu đen, mềm và ứ nhựa quả, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công làm thối trái, khiến quả bị teo rụng hoặc vẫn bám trên cây. Khi trứng nở thành dòi, chúng đục ăn ruột bên trong quả, khiến quả bị bội nhiễm nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại quả mướp từ khi quả mới đậu sau thụ phấn đến lúc quả được thu hoạch, khiến cho quả bị hỏng, hoặc kém phát triển, hình dạng méo mó, và chỗ bị châm ăn rất đắng.
Khi bị ruồi đục quả gây hại, bạn cần ngắt bỏ những quả đã bị ruồi châm vì nơi đó vẫn lưu tồn trứng và dòi của chúng. Khi quả mướp đã thụ phấn thành công, bạn nên dùng các túi bao trái cây để bọc quả, ngăn chặn ruồi gây hại. Bạn có thể sử dụng bẫy dính ruồi hoặc một số loại thuốc trừ ruồi trong trường hợp bị ruồi phá hại nhiều.
3. Rệp
Trong quá trình trồng mướp, rệp gây hại nghiêm trọng tới cây mướp nếu bạn không kịp thời phát hiện và xử lý. Rệp trưởng thành và ấu trùng đều rất nhỏ, có màu xanh đen hoặc màu vàng nhạt. Chúng sống tập trung ở chồi non và ở mặt dưới của lá cây từ khi cây có 2 lá mầm đến lúc thu hoạch, phá hại nặng nhất khi cây đậu quả. Rệp chích hút nhựa cây làm cho ngọn mướp bị chùn lại, cây sinh trưởng phát triển kém, ảnh hưởng đến việc ra hoa và đậu quả.
Khi phát hiện rệp, bạn dùng tay ngắt bỏ lá bị rệp gây hại, đem đi tiêu hủy, dùng tay giết rệp nếu phát hiện với số lượng ít. Nếu rệp phát triển với mật độ lớn, bạn có thể sử dụng thuốc hóa học để phun trừ.
4. Sâu xanh ăn lá
Sâu xanh ăn lá là một loại sâu phá hại phổ biến trên mướp cũng như nhiều loại cây trồng khác. Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới của lá non. Chúng thường cuộn lá hoặc kết các lá lại với nhau thành tổ và nằm bên trong cắn phá. Nếu phát triển với mật độ cao, sâu xanh ăn xơ xác lá, chỉ còn để lại gân lá khiến cho cây phát triển chậm. Loại sâu này gây hại từ khi cây còn nhỏ đến lúc cây ra trái, phá hại nhiều nhất là khi cây bắt đầu ra hoa và có trái non. Chúng ăn vỏ quả, làm quả hỏng hoặc bị xấu xí, mất giá trị thương phẩm.
Để tránh bị sâu xanh phá hại, bạn cần thường xuyên vệ sinh nơi trồng dể diệt trừ mầm sâu hại. Khi phát hiện sâu, bạn bắt giết sâu non và nhộng. Nếu sâu xanh phá hại nặng nề trên diện rộng, bạn có thể sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Emamectin hoặc hỗn hợp hoạt chất Chlorantraniliprole và Abamectin phun vào lúc sáng mát hoặc chiều tối. Khi sử dụng thuốc hóa học, bạn cần đảm bảo thời gian cách ly thuốc thực vật cho mướp.
5. Bọ trĩ
Bọ trĩ trưởng thành và con non có kích thước rất nhỏ, chúng di chuyển nhanh và sống tập trung ở đọt non và mặt dưới của lá non. Bọ trĩ chích hút nhựa làm cho đọt lá bị xoăn chùn lại, sượng ngẩng đầu lên cao, khiến cho cây không vươn mạnh phát triển được, quả không lớn được. Bọ trĩ cái đẻ trứng trong mô mặt dưới lá mướp. Loài này phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khô nóng, gây hại từ lúc cây còn nhỏ đến khi cây ra hoa kết trái. Chúng còn là vật trung gian truyền bệnh virus cho cây mướp.
Trong quá trình chăm sóc, bạn cần ngắt tỉa lá già để cho giàn thông thoáng, thường xuyên quan sát giàn mướp để phát hiện sự xuất hiện của bọ trĩ. Nếu phát hiện bọ trĩ phá hại, bạn tỉa lá bị hại và đem tiêu hủy, dùng tay bắt giết nếu thấy có số lượng ít, hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ nếu chúng phá hại nặng nề.
Một số bệnh hại mướp hương thường gặp
1. Bệnh sương mai
Bệnh sương mai là một loại bệnh phổ biến trên các cây thuộc họ nhà Bầu bí. Bệnh này do nấm gây ra, gây hại các bộ phận lá, thân, quả, nhưng chủ yếu là hại lá. Bệnh thường gây hại từ mặt dưới của lá sau đó phát triển dần. Phía trên lá có những chấm nhỏ màu vàng, rồi dần dần lan rộng, chuyển sang màu nâu. Chỗ vết bệnh dưới mặt lá có lớp phấn mịn màu trắng xám. Nếu bệnh nặng, lá mướp bị biến dạng, lá bị khô, rách, dễ gãy, thường rụng sớm khiến cho cây mướp phát triển kém.
Để phòng tránh bệnh sương mai, bạn cần xử lý đất và hạt giống tốt trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, chăm bón đủ phân và tưới tiêu hợp lý. Nếu bệnh nặng, bạn có thể sử dụng thuốc hóa học để phun trừ, chú ý cần đảm bảo thời gian cách lý an toàn trước khi thu hoạch.
2. Bệnh khảm
Bệnh khảm là một loại bệnh khá thường gặp trên mướp và phổ biến trên nhiều loại cây trồng khác. Bệnh do một loại virus gây ra. Bệnh được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe bởi vật trung gian là nhóm côn trùng chích hút như bù lạch hay rệp. Bệnh được lan truyền nhanh trong điều kiện khô và nóng.
Khi bị bệnh khảm, đọt mướp non bị xoăn lại, lá mất màu, và lốm đốm vàng. Nếu bị nặng, đọt cây sẽ bị sượng, cây bị chùn lài, chậm phát triển, dẫn đến cây ít quả, quả bị dị dạng và có vị đắng.
Để phòng trừ bệnh khảm trên mướp hương, bạn cần vệ sinh nơi trồng cẩn thận trước khi trồng, nhổ bỏ cây bị bệnh để tránh lan sang cây khác. Vì bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc đặc trị, hiện chỉ có một số loại thuốc để diệt trừ vật trung gian truyền bệnh như bọ trĩ, rệp.
3. Bệnh đốm phấn
Bệnh đốm phấn do một loại nấm gây ra, phát sinh và lây lan nhanh trong điều kiện độ ẩm không khí cao. Bệnh này xuất hiện quanh năm, chủ yếu gây bệnh trên lá, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa và gây hại nặng nhất trong giai đoạn cây ra hoa kết trái.
Khi cây mướp mới bị bệnh, đốm bệnh trên lá vẫn nhỏ, có màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu vàng. Đốm bệnh có hình góc cạnh. Khi gặp độ ẩm cao, ngay vết bệnh ở mặt dưới lá có xuất hiện một lớp phấn màu tím đỏ, đó chính là bào tử của nấm bệnh. Các vết bệnh liên kết lại với nhau thành những vùng màu nâu nhạt. Cây mướp bị bệnh cho năng suất và chất lượng trái kém, nếu bị nặng có thể dẫn đến chết cây.
Bệnh đốm phấn là bệnh phổ biến trong họ nhà bầu bí, nên bạn cần áp dụng các biện pháp phòng tránh như sử dụng hạt mướp khỏe mạnh, vệ sinh nơi trồng thường xuyên, bón phân đầy đủ để cây tăng cường sức đề kháng kết hợp với tưới tiêu hợp ly. Nếu bệnh đốm phấn gây hại nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng Revus Opti 440SC hoặc các sản phẩm có hoạt chất Azoxystrobin.
Chuột – loài gặp nhấm gây hại nghiêm trọng
Đối với các cây họ nhà Bầu bí, ngoài các sâu bệnh gây hại kể trên, chúng ta không thể loại bỏ một đối tượng gây hại vô cùng nghiêm trọng, đó chính là chuột. Chúng thường cắn phá hạt mướp lúc mới gieo, hoặc cắn gãy cây con. Để phòng tránh việc chuột phá hại, bạn có thể dùng lưới quây chỗ gieo hạt giống hoặc trồng cây để chuột không vào bên trong được, dùng bẫy chuột hoặc sử dụng thuốc chuột. Nếu dùng thuốc chuột, bạn phải thật cẩn thận, đảm bảo an toàn trong khi sử dụng thuốc chuột. Ngoài ra, bạn cũng có thể nuôi mèo để đuổi chuột nếu bạn trồng mướp hương trên sân thượng hoặc xung quanh sân nhà.
Mướp hương tuy dễ trồng, nhưng chúng cũng dễ bị các loại sâu bệnh và chuột gây hại. Qua bài viết trên, các bạn đã nắm được chi tiết thông tin về các đối tượng gây hại trên cây mướp hương và cách phòng trừ chúng. Do đó, các bạn không cần quá lo lắng về các sâu bệnh gây hại trên mướp hương, và hãy bắt tay vào trồng mướp hương thôi nào!