logo vui cười lên

Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay, cách nhận biết từng loại


Cây rau đay được biết đến là một loại cây dễ trồng có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với những lợi ích đó, rau đay được ưa chuộng và trồng nhiều tại Việt Nam. Tuy là một cây dễ trồng và chăm sóc, nhưng rau đay cũng không tránh khỏi bị sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Rau đay thường gặp những loại sâu bệnh gây hại nào? NNO sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những loại sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay và cách phòng trừ nhé.


Cây rau đay đỏ
Cây rau đay

Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay

Sâu hại trên cây rau đay

Trong quá trình chăm sóc rau đay, bạn sẽ gặp kẻ thù thường thấy của nó là sâu khoang. Đây là một loại sâu ăn tạp gây hại trên tất cả các loại rau, là đối tượng gây hại nặng cho cây rau ăn lá và đậu đỗ các loại. Sâu khoang có nhiều loại, trưởng thành là loại ngài có màu xám hoặc nâu xám, cánh trước có màu nâu vàng, có các vân ngang bạc trắng óng ánh, cánh sau màu hơi trắng. Trứng hình bán cầu, mới đẻ màu vàng, sau màu tro tối xếp với nhau thành ổ, có phủ một lớp lông màu vàng rơm. Đối tượng gây hại chính là sâu non mới nở, hay còn gọi là ấu trùng. Chúng có màu xanh sáng, khi lớn hơn có màu từ xám xanh đến nâu đen với những sọc vàng hoặc trắng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng nên sâu ăn tạp còn được gọi là “sâu khoang”. Khi được 1 – 2 ngày tuổi, sâu non chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng. Từ tuổi 3 trở đi, sức cắn phá mạnh hơn, chúng bắt đầu phân tán, ăn khuyết lá hoặc ăn trụi lá. Khi mật độ sâu cao có thể làm cho lá rụng nhanh. Tuy nhiên, nhờ khả năng hồi phục nhanh chóng của cây khiến cho sức tàn phá của sâu khoang không quá nghiêm trọng.

Sâu khoang
Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay – Sâu khoang

Cũng giống như sâu khoang, sâu xanh cũng gây hại cho rau đay. Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới lá non, chúng cuốn lá hoặc kết những lá lại với nhau và nằm bên trong ăn phá. Ở mật độ cao sâu, chúng ăn phá xơ xác lá chỉ còn lại gân lá.

Sâu xanh
Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay – Sâu xanh

Bên cạnh hai loại sâu phổ biến trên, rau đay thường bị các loại sâu chích hút làm lá bị xoăn và vàng như rầy xanh (Empoasca biguttula), bọ trĩ (Thrips palmi) và nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus).

Các loại sâu gây hại trên thường phát sinh nhiều trong điều khiện thời tiết nóng và khô, đất bón ít phân hoặc tưới không đủ nước. Khi sâu phát sinh, bạn tiến hành phương pháp thủ công như bắt sâu và ngắt ổ trứng song song với việc tưới nước thường xuyên, vệ sinh ruộng vườn và ngắt bỏ lá già. Nếu mật độ sâu cao trên diện rộng thì bạn có thể sử phun trừ bằng các thuốc như Vertimex, đầu trâu Bihopper, hay Vineem. Để phòng sâu bệnh, trước khi gieo trồng, bạn cần xử lý tốt khâu làm đất như vệ sinh khu vực trồng rau, phơi ải đất, rắc vôi bột trên mặt luống. Với hạt giống, trước khi gieo bạn nên ngâm nước ấm để loại bỏ trứng sâu.

Sâu bệnh gây hại phổ biến ở cây rau đay, cách nhận biết từng loại
Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay- Bọ trĩ

Bệnh hại trên cây rau đay

Tuy là loại rau dễ trồng và ít bị sâu bệnh gây hại, nhưng rau đay cũng không tránh việc bị một số bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau. Bện thường gặp nhất ở rau đay là bệnh thán thư khi cây còn non. Đây là một loại bệnh phổ biến trên cây trồng, không chỉ riêng rau đay. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens gây ra, gây hại trên các bộ phận từ lá, cành, chồi non cho tới quả non. Đối với rau đay khi bị bệnh, bạn sẽ thấy ngay các vết đốm màu nâu xẫm, có viền nâu đỏ. Vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử. Nếu vạch lá nhìn mặt dưới có thể thấy xuất hiện lấm tấm các bào tử màu đen. Bệnh thán thư thường xuất hiện vào mùa mưa ẩm ướt, hoặc do không kiểm soát được lượng nước tưới, khiến bề mặt lá nhận quá nhiều nước, và lây lan nhờ nước hoặc gió. Để phòng trừ bệnh thán thư, bạn cần ngắt bỏ cành lá bị sâu bệnh, vệ sinh ruộng vườn đồng thời cung cấp đầy đủ phân bón để rau đay có thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức chống chịu bệnh. Trong trường hợp rau đay bị bệnh thán thư phá hoại nhiều trên diện tích rộng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc như Difenocanazole, Tebuconazole hay Azoxystrobin.

Sâu bệnh gây hại phổ biến ở cây rau đay, cách nhận biết từng loại
Rau đay trồng trong thùng xốp

Ngoài bệnh thán thư kể trên, rau đay còn dễ bị bệnh chết cây do úng nước. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần chú ý đến việc thoát nước ở ruộng vườn, chọn nơi dễ thoát nước khi có mưa lớn. Hàng ngày, tưới nước vừa đủ, nếu trong những ngày mưa to hoặc mưa kéo dài, bạn cần kiểm tra xem nơi trồng có thoát nước được không để tránh ngập úng khiến chết cây.

Sâu bệnh gây hại phổ biến ở cây rau đay, cách nhận biết từng loại
Sâu bệnh gây hại phổ biến ở rau đay

Với những thông tin kể trên, bạn có thể nắm rõ được những “kẻ thù” của rau đay và cách phòng trừ chúng. Để ngăn ngừa sâu bệnh gây hại hiệu quả, bạn cần chú ý thường xuyên quan sát cây rau xem có biểu hiện bị sâu hay bệnh gây hại hay không để phát hiện tình trạng ở giai đoạn sớm, hạn chế tối đa tác hại do sâu bệnh gây ra. Trong quá trình trồng và chăm sóc rau đay, vệ sinh ruộng vườn, rắc vôi khi làm đất, nơi trồng thoát nước tốt và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển sẽ giúp cây luôn khỏe mạnh để ngăn ngừa các bệnh hai cây và phục hồi tốt. Như vậy, bạn đã có thể yên tâm khi trồng rau đay rồi nhé.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang