Cây hoa nhài ta là cây hoa trang trí được rất nhiều gia đình trồng trong sân vườn thậm chí là trồng trong nhà. Không chỉ có tác dụng trang trí, cây hoa nhài ta còn có nhiều tác dụng khác như dùng để làm thuốc trong y học cổ truyền, dùng làm trà hoa nhài và hương hoa nhài cũng có tác dụng giúp an thần, giảm căng thẳng mệt mỏi. Nhưng không phải hoa nhài không có tác hại, nếu bạn không chú ý thì hoa nhài cũng gây ra một số tác dụng phụ cho bạn và những người xung quanh. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn hiểu hơn về tác dụng phụ của hoa nhài để các bạn không gặp phải những tác dụng không mong muốn này.
- Cách làm trà hoa nhài tại nhà
- Cây hoa nhài hợp mệnh gì
- Hoa nhài có ưa nắng không
- Hoa nhài nở mùa nào
- Hoa lài và hoa nhài có giống nhau không
Tác dụng phụ của hoa nhài
1. Dùng trà hoa nhài gây co thắt tử cung
Trà hoa nhài là loại trà đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích vì nó có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên uống trà hoa nhài vì trong hoa nhài có các chất gây co thắt tử cung ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Tất nhiên, khả năng gây co thắt tử cung không lớn nhưng các mẹ bầu tốt nhất không nên uống trà hoa nhài trong giai đoạn thai kỳ.
2. Trà hoa nhài ảnh hưởng tới phụ nữ đang cho con bú
Nhiều bạn uống trà hoa nhài thấy tinh thần thoải mái thì nghĩ rằng mùi hương hoa nhài có tác dụng an thần nên có tác dụng như vậy. Thực ra trong hoa nhài có chứa một lượng nhỏ hàm lượng cafein. Khi uống nhiều trà hoa nhài bạn sẽ có cảm giác tỉnh táo không chỉ vì mùi hương của hoa nhài mà còn vì có cả cafein nữa. Lượng cafein này không cao nhưng đối với phụ nữ đang cho con bú thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến trẻ sơ sinh. Vì thế, không chỉ trong giai đoạn thai kỳ mà trong giai đoạn đang cho con bú các mẹ cũng không nên uống trà hoa nhài.
3. Hoa nhài gây ra các triệu chứng khó thở
Hoa nhài có mùi thơm khá nồng nàn và rất đặc trưng. Nhiều người cho rằng hương hoa nhài có tác dụng an thần nên đặt một chậu hoa nhài trong phòng ngủ sẽ rất tốt. Thực ra không hẳn như vậy vì phòng ngủ khi đóng kín cửa sẽ khiến mùi hương hoa nhài giữ lại trong phòng lâu hơn. Đến một mức độ nào đó, mùi hương này quá nồng có thể khiến bạn có các triệu chứng khó thở. Các triệu chứng khó thở xuất hiện trong khi ngủ đôi khi rất nguy hiểm và bạn không nên trồng hoa nhài trong nhà nhất là trong phòng ngủ.
4. Hoa nhài gây dị ứng
Hoa nhài cũng là một loại hoa thông dụng và rất ít người dị ứng với hoa nhài. Thế nhưng vẫn có một số ít người bị dị ứng với loại hoa này nên cũng cần chú ý. Nếu thấy có biểu hiện dị ứng với hoa nhài thì bạn nên kiểm tra xem có phải do hoa nhài hay không và uống thuốc chống dị ứng để tránh tình trạng dị ứng thêm nặng.
5. Trà hoa nhài làm giảm hiệu quả của thuốc
Cây hoa nhài cũng là một cây thuốc trong y học cổ truyền. Hoa của cây hoa nhài cũng có tác dụng dược lý nhất định giúp chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn dùng trà hoa nhài với các loại thuốc khác thì dược tính của hoa nhài có thể khiến các loại thuốc khác bị giảm hiệu quả. Do đó, khi uống thuốc hoặc điều trị với thuốc thì nên chú ý hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trà hoa nhài.
6. Hoa nhài khô tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Như các bạn cũng biết, cây hoa nhài được trồng khá nhiều để lấy hoa và việc bón phân để giúp cây phát triển tốt hơn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu thời điểm bón phân mà lại là các loại phân hóa học gần khi cây ra hoa thì hoa đó sẽ vẫn có dư lượng phân hóa học bên trong. Khi sử dụng hoa nhài đó để làm trà thì không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn sử dụng những loại hoa nhài khô bán trên thị trường để làm trà nhưng loại hoa đó không ghi rõ là trà hoa nhài thì rất có thể trà đó tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Với những thông tin trên, có thể thấy rằng các tác dụng phụ của hoa nhài thực ra không nhiều nhưng cũng rất đáng lưu tâm. Nếu bạn là người yêu thích trà hoa nhài thì bạn nên mua hoa nhài tại các cơ sở bán trà hoa uy tín. Hoặc bạn có thể trồng vài cây nhài tại nhà sau đó tự làm trà để uống cũng rất tốt mà lại an toàn.