logo vui cười lên

Các loại phân bón cho rau phổ biến bạn nên biết khi trồng rau


Trong nông nghiệp, chúng ta thường nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Câu nói này đã cho thấy vai trò quan trọng của phân bón đối với cây trồng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại phân bón cho rau. Mỗi loại phân bón có những công dụng khác nhau nên chúng ta cần biết đặc điểm từng loại phân để lựa chọn loại phân bón phù hợp nhất cho cây cảnh của mình. Chúng ta cùng tìm hiểu về các loại phân bón cho rau để sử dụng chúng đúng cách để có vườn rau xanh tươi mà an toàn nhé.


Cách bón phân cho rau
Các loại phân bón cho rau

Tổng hợp các loại phân bón cho rau

1. Phân hữu cơ

Phân bón hữu cơ là loại phân bón vô cùng quen thuộc trong nông nghiệp, được sử dụng phổ biến từ xa xưa cho tới bây giờ. Đây là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa – trung – vi lượng dưới dạng các hợp chất hữu cơ. Khi sử dụng phân hữu cơ để bón cho rau, bạn sẽ vẫn thấy hiệu quả mà tiết kiệm được chi phí, do bạn có thể tận dụng phân xanh, phân chuồng, một số phụ phế phẩm trong chăn nuôi, hoặc tự làm phân hữu cơ từ chất thải sinh hoạt nhà bếp (như các loại rau thừa, vỏ củ quả, cơm). Trong số các loại phân bón cho rau thì phân hữu cơ được ưa chuộng hơn với những người trồng rau tại nhà để đảm bảo nguồn rau sạch cho gia đình sử dụng.

Dựa theo nguồn gốc, phân hữu cơ được chia ra làm hai loại sau:

  • Phân hữu cơ truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác
  • Phân hữu cơ công nghiệp như phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh và phân hữu cơ khoáng

Không chỉ là một lựa chọn kinh tế, phân hữu cơ còn mang lại nhiều lợi ích cho cây rau như sau:

  • Do có chứa cả ba loại nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng nên phân hữu cơ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho rau. Hơn nữa, nguồn dinh dưỡng này không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng, an toàn hơn loại phân vô cơ.
  • Ngoài đầy đủ các dưỡng chất, phân bón hữu cơ còn chứa một số chất có tác dụng điều hòa sự sinh trưởng phát triển cho cây rất hiệu quả.
  • Phân hữu cơ còn có tác dụng cân bằng hệ sinh vật và cung cấp chất mùn cho đất, giúp đất luôn được tơi xốp, thoáng khí.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phân hữu cơ cho rau, bạn cần lưu ý rằng, tuy giàu dinh dưỡng nhưng hàm lượng dưỡng chất lại thấp nên bạn cần phải bón nhiều phân, chia bón nhiều lần để cây được cung cấp đủ dinh dưỡng. Thêm vào đó, bạn cần bón phân hữu cơ đúng kỹ thuật để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Các loại phân bón cho rau phổ biến bạn nên biết khi trồng rau
Các loại phân bón cho rau – Phân chuồng ủ hoai mục

2. Phân vô cơ

Bên cạnh phân hữu cơ, phân vô cơ cũng là loại phân rất phổ biến trong nông nghiệp, được người dân sử dụng nhiều để bón cho rau. Phân vô cơ, hay còn gọi là phân hóa học, là loại phân có chứa các yếu tố dinh dưỡng dưới dạng muối khoáng và được sản xuất theo quy trình công nghiệp. Đây là loại phân có đặc tính dễ tan, tác dụng nhanh đối với cây trồng, hiệu lực cao nên góp phần tăng nhanh năng suất và sản lượng rau.

Tuy nhiên, khi sử dụng phân vô cơ để bón cho rau, bạn phải bón với liều lượng, tỉ lệ thích hợp và cân đối, bón phân đúng cách, bởi vì nếu lạm dụng nó, bón không hợp lý, đúng cách sẽ tác động xấu đến đất, khiến đất trở nên chai cứng, hóa chua, giảm độ phì nhiêu, ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất của rau. Hơn nữa, cần đảm bảo thời gian cách ly phân hóa học để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Trong số các loại phân bón cho rau, phân vô cơ được chia thành các loại: phân đơn và phân hỗn hợp. Chúng ta cùng tìm hiểu qua về hai loại phân vô cơ bón cho rau này nhé.

Phân đơn

Đây là loại phân chỉ chứa một trong ba chất dinh dưỡng khoáng N, K hoặc P trong thành phần của nó. Do đó mà phân đơn được chia làm ba loại: phân lân (p), phân đạm (N), và phân kali (K).

  • Phân đạm: Đạm là một dưỡng chất thiết yếu và vô cùng quan trọng đối với rau nói riêng, cũng như các loại cây trồng nói chung. Nó giúp thúc đẩy cây rau sinh trưởng phát triển, ra lá và nhánh nhiều, lá to, xanh, quang hợp mạnh, từ đó giúp tăng năng suất. Rau cần đạm trong suốt quá trình sinh trưởng, tuy nhiên, bạn cần phải bón đạm hợp lý, đúng liều, đúng lượng, và đảm bảo thời gian cách ly đạm để rau vẫn ngon mà an toàn.
  • Phân lân: Giống như phân đạm, phân lân cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây rau, nó cần thiết cho sự hình thành các bộ phận mới của cây. Người ta thường dùng phân lân để bón lót nhằm kích thích sự phát triển của rễ cây, giúp cho cây rau tăng khả năng chịu hạn, hút được nhiều dinh dưỡng và cây bám chắc hơn, ít bị đổ ngã.
  • Phân kali: Kali cũng là chất dinh dưỡng quan trọng, nó giúp tăng năng suất và chất lượng của cây rau. Phân kali thường được dùng để bón thúc, giúp cây tăng sức đề kháng trước các loại sâu bệnh gây hại, đồng thời nâng cao chất lượng các loại rau, củ, quả.
Phân đạm Canxi
Các loại phân bón cho rau – Phân đạm Canxi

Phân hỗn hợp

Phân vô cơ hỗn hợp là loại phân có chưa từ 2 chất khoáng trở lên, được chia ra làm hai loại: phân trộn và phân phức hợp.

  • Phân trộn: Phân trộn là loại phân bón vô cơ có chứa từ hai nguyên tố dinh dưỡng khoáng trở lên. Người ta sản xuất phân hỗn hợp bằng cách phối trộn nhiều loại nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ thích hợp và không xảy ra các phản ứng hóa học giữa các nguyên liệu, ví dụ như phân NPK hay NPK+TE.
  • Phân phức hợp: Phân phức hợp bao gồm các loại phân bón chứa từ 2 nguyên tố dinh dưỡng trở lên được sản xuất bằng việc phối hợp các thành phần lại với nhau để xảy ra các phản ứng hóa học giữa các thành phần, sản phẩm cuối cùng là một hợp chất ổn định, có hàm lượng dưỡng chất cao, như Diamôn photphat (phân DAP), kali nitrat (KNO3) hay phân phức hợp kali photphat.

Khi sử dụng phân bón vô cơ để bón cho rau, dù dùng loại nào bạn cũng cần phải lưu ý rằng, tuy phân bón vô cơ có tỉ lệ dinh dưỡng cao, hiệu quả nhanh do dễ hòa tan nên cây rau dễ hấp thu, nhưng nó cũng mang lại một số ảnh hưởng không tốt đến cây trồng, đất, môi trường và sức khỏe con người nên cần thực hiện đúng các nguyên tắc bón phân khi bón cho rau. Bạn có thể tìm hiểu rõ các nguyên tắc này qua bài viết Cách bón phân cho rau.

Các loại phân bón cho rau phổ biến bạn nên biết khi trồng rau
Các loại phân bón cho rau – Phân NPK 20-20-15

3. Phân vi sinh

Đây là loại phân bón được sử dụng rộng phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp 4.0. Phân vi sinh bản chất là chế phẩm có chứa các chủng vi sinh vật đã được lựa chọn phù hợp với những tiêu chuẩn kỹ thuật mà các vi sinh vật được sử dụng làm chế phẩm sinh học. Phân vi sinh hỗ trợ thúc đẩy quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ, vô cơ khó tiêu thành nguồn dinh dưỡng dễ tiêu để cây rau hấp thụ.

Dựa vào chức năng của từng loại vi sinh vật trong phân vi sinh mà người ta chia ra làm các loại phân vi sinh khác nhau gồm:

  • Phân bón vi sinh vật (PBVSV) cố định đạm
  • Phân bón sinh vật phân giải lân
  • Phân bón vi sinh phân giải chất hữu cơ
  • Phân bón vi sinh kích thích tăng trưởng thực vật
  • Phân bón vi sinh phân giải silicat

Trong số các loại phân bón cho rau thì phân vi sinh là loại phân bón được khá nhiều người trồng rau sạch sử dụng vì nó an toàn và tốt cho cả đất lẫn cây trồng.

Các loại phân bón cho rau phổ biến bạn nên biết khi trồng rau
Các loại phân bón cho rau – Phân vi sinh

4. Phân bón lá

Phân bón lá hiện đã trở thành cái tên vô cùng quen thuộc với những người trồng rau. Đây là loại phân bón mà các chất dinh dưỡng được hòa tan với nước rồi phun lên lá để cây hấp thụ. Thêm vào đó, trong thành phần của phân bón lá có chứa nhiều nguyên tố vi lượng hoặc chất kích thích để giúp cây phát triển khỏe, ra lá nhanh, mau ra hoa kết trái. Khi sử dụng phân bón lá để bón cho cây rau, cây có thể hấp thụ được khoảng 95% lượng phân bón, tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp bổ sung phân bón, không thể thay thế hoàn toàn việc bón phân qua đất cho cây nên bạn cần chú ý bón phân đúng thời điểm, và kết hợp với bón đất để cây phát triển tốt nhất.

Phân bón lá
Các loại phân bón cho rau – Phân bón lá

Như vậy, với các loại phân bón cho rau vừa kể trên thì loại rau nào cũng cần bón ít nhất 1 trong các loại phân để rau có thể phát triển tốt hơn. Về cách bón phân cho rau cũng như giá thành của các loại phân các bạn hãy tham khảo trong các bài viết khác của NNO nhé.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang