Trứng gà là loại trứng khá dễ ấp, nếu để gà mái ấp mà thời tiết thuận lợi tỉ lệ ấp nở có thể đạt 80% trở lên. Nếu các bạn dùng máy ấp trứng để ấp trứng gà, ấp đúng cách và có kinh nghiệm ấp thì tỉ lệ nở có thể đạt được trên 90%. Cách ấp trứng gà bằng máy các bạn có thể xem chi tiết trong sách hướng dẫn sử dụng đi kèm máy. Còn về kinh nghiệm ấp máy như thế nào bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết này.
Cách ấp trứng gà bằng máy cho tỉ lệ nở cao
1. Tổng quan
Khi sử dụng máy ấp trứng để ấp trứng gà, các bạn đừng bao giờ nghĩ là cứ mua máy về, làm đúng các bước hướng dẫn, cho trứng vào ấp rồi đợi đến ngày lấy gà ra. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm vì ấp trứng gà bằng máy các bạn phải theo dõi trứng thường xuyên và có điều chỉnh nếu cần thì trứng mới nở tốt. Quy trình cách ấp trứng gà bằng máy đầu tiên bạn cần xem kỹ sách hướng dẫn sử dụng, có gì không hiểu hỏi lại người bán để hiểu rõ hơn. Ấp theo dúng sách hướng dẫn sử dụng đi kèm máy hướng dẫn. Theo dõi trứng để điều chỉnh máy sao cho trứng nở đúng ngày. Sau vài mẻ ấp bạn đã có kinh nghiệm thì những lần ấp sau khá nhàn, chủ yếu bạn chỉ cần theo dõi trứng định kỳ chứ không phải chỉnh nhiệt độ của máy.
Xem thêm: Máy ấp trứng gà
2. Đọc kỹ và làm theo sách hướng dẫn sử dụng
Mỗi loại máy ấp trứng lại có cách sử dụng khác nhau không máy nào giống máy nào. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã nghiên cứu để máy ấp khi ấp đúng cách sẽ cho hiệu quả ấp tối ưu. Vì thế bạn cần phải đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng và làm theo đúng hướng dẫn đó để ấp được đúng cách cho tỉ lệ nở cao. Trên cơ bản sách hướng dẫn sử dụng sẽ hướng dẫn cách điều khiển máy ấp, cách chọn trứng để ấp, cách cho trứng vào ấp, cách theo dõi trứng và điều chỉnh máy nếu trứng nở không đạt.
Xem thêm: Máy ấp trứng gà 5000 trứng
3. Theo dõi trứng để điều chỉnh máy kịp thời
Trong quá trình ấp trứng gà, theo dõi trứng cũng rất quan trọng. Thường thì các bạn theo dõi máy hàng ngày để xem máy có gặp sự cố gì hay không. Còn trứng các bạn chỉ cần kiểm tra soi trứng định kỳ 3 lần trong suốt quá trình ấp. Lần thứ nhất soi trứng vào ngày thứ 5 – 7 để loại các trứng không có phôi ra. Lần thứ 2 soi trứng vào ngày 14 để xem phôi trứng có phát triển bình thường không, những quá có phôi mà không phát triển được có thể phôi bị chết bên trong. Lần thứ 3 soi trứng vào sát ngày nở để kiểm tra xem trứng có dấu hiệu nở hay chưa, trứng có dấu hiệu nở là túi khí ở đầu to của quả trứng bắt đầu mở rộng chiếm gần 1/3 thể tích trong quả trứng. Tùy vào lần thứ 3 soi trứng mà các bạn sẽ điều chỉnh máy ấp tăng hoặc giảm nhiệt để trứng nở đúng ngày.
Trứng gà ấp chuẩn nở ngày 20 là tốt nhất. Trứng nở đúng ngày sẽ tránh được tình trạng gà bị yếu hay bị dị tật. Nếu trứng nở sớm hoặc muộn hơn ngày nở chuẩn 1 ngày thì không sao, nhưng nếu nở sớm/muộn hơn nữa thì không tốt. Do đó, các bạn cần làm sao điều chỉnh để trứng nở chuẩn ngày 20 là tốt nhất, cụ thể là trứng mổ vỏ ngày 19, nở ngày 20. Để làm được như vậy các bạn cần soi trứng vào ngày ấp thứ 18 rồi điều chỉnh nhiệt độ ấp
Soi trứng ngày 18
- Nếu soi trứng ngày 18 chưa có dấu hiệu nở, khả năng trứng đang bị thiếu nhiệt, hãy tăng nhiệt lên 0,1 – 0,2 độ C. Ví dụ bạn đang cài nhiệt độ ấp trứng gà là 37.5 độ, lúc này hãy tăng nhiệt độ lên 37.6 nếu là mùa hè, hoặc tăng lên 37.7 độ nếu là mùa đông.
- Nếu ngày 18 trứng đã có dấu hiệu mổ vỏ tức là trứng nở sớm, hãy giảm nhiệt độ ấp xuống 0,1 – 0,2 độ để làm chậm quá trình nở giúp trứng nở sát ngày 20 hơn.
Soi trứng ngày 19
- Nếu ngày 18 đã thấy dấu hiệu trứng sắp nở thì ngày 19 chỉ kiểm tra xem trứng có mổ vỏ hay không. Nếu hết ngày 19 trứng chưa mổ vỏ thì tăng nhiệt lên thêm 0,1 độ C.
- Nếu ngày 18 chưa có dấu hiệu trứng sắp nở, đã tăng nhiệt độ lên thì ngày 19 soi trứng xem đã có dấu hiệu nở hay chưa. Nếu chưa có dấu hiệu nở lại tăng tiếp nhiệt độ lên 0,1 độ C
Soi trứng ngày 20
- Thường việc soi trứng và tăng/giảm nhiệt từ ngày 18 sẽ giúp trứng mổ vỏ vào ngày 19 hoặc ngày 20 sẽ mổ vỏ. Khi trứng mổ vỏ ngày 19 hoặc 20, các bạn để nguyên nhiệt độ để trứng nở tiếp.
- Nếu ngày 20 trứng chưa mổ vỏ, tiếp tục tăng nhiệt độ để giúp trứng có đủ nhiệt phát triển. Nếu những lần trước (ngày 18, 19) các bạn đã tăng nhiệt rồi, đến ngày 20 cân nhắc tăng thêm 0,1 độ C. Nếu những lần trước chưa tăng nhiệt, các bạn hãy cân nhắc tăng 0,2 – 0,3 độ C.
4. Rút kinh nghiệm cho những lần ấp sau
Với cách tăng/giảm nhiệt độ như trên, có thể thấy ngay trứng thiếu nhiệt thì phôi sẽ phát triển chậm và nở muộn. Xử lý tình trạng này các bạn cần tăng nhiệt để trứng nở đúng ngày. Ngược lại, trứng thừa nhiệt sẽ phát triển nhanh quá và nở sớm, tình trạng này các bạn cần giảm bớt nhiệt độ để trứng nở sát ngày hơn.
Mức tăng giảm nhiệt độ tùy theo mức độ nở sớm/muộn của trứng, các bạn có thể cân nhắc tăng giảm trong khoảng 0,1 – 0,4 độ C tùy tình trạng trứng và cũng tùy thời tiết. Trời nóng thì nên tăng ít, trời lạnh có thể tăng nhiều hơn. Khi đã điều chỉnh xong, lần sau các bạn để nguyên nhiệt độ như vậy để ấp hoặc để nhiệt độ thấp xuống 0,1 độ để ấp. Ví dụ ban đầu bạn cài đặt nhiệt độ ấp trứng gà 37.5 độ C. Nhưng do trứng nở muộn nên bạn phải tăng lên 37,8 độ C trứng mới nở được sát ngày chuẩn. Các lần sau ấp các bạn có thể để nguyên mức nhiệt 37.8 độ C để ấp từ đầu hoặc để mức nhiệt 37.7 độ C chứ không để mức nhiệt 37.5 nữa. Khi ấp lần sau cũng cần theo dõi kiểm tra như lần đầu. Nếu không phải chỉnh thêm gì thì cứ để nhiệt độ như vậy ấp là tỉ lệ nở sẽ cao.
Kết luận
Cách ấp trứng gà bằng máy cho tỉ lệ nở cao thực ra cũng không có gì khó. Các bạn chỉ cần hiểu cách tăng giảm nhiệt độ để trứng nở đúng ngày là được. Bạn ấp thử hai ba lần để rút kinh nghiệm rồi sau đó cứ để nhiệt độ đã điều chỉnh chuẩn rồi để ấp là ok.