logo vui cười lên

Bệnh Coryza trên gà (bệnh IC, sổ mũi truyền nhiễm, sưng phù đầu ở gà)


Bệnh Coryza trên gà là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở những đàn gà nuôi nhốt tập trung. Khi môi trường chăn nuôi không đảm bảo, thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến bệnh bùng phát và lây lan nhanh ra toàn đàn chỉ trong 1 – 2 ngày. Mặc dù bệnh Coryza trên gà chỉ gây chết với tỉ lệ 5% toàn đàn nhưng nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ phát triển ghép với một số bệnh khác như bệnh Ecoli, CRD, IB hay bệnh ORT khiến tỉ lệ chết tăng lên. Trong bài viết này, NNO sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh Coryza trên gà hay còn gọi là bệnh sổ mũi truyền nhiễm, bệnh sưng phù đầu ở gà, bệnh IC.


Bệnh sưng phù đầu ở gà (Coryza, IC)
Bệnh Coryza trên gà – Bệnh sưng phù đầu ở gà

Bệnh Coryza trên gà

Bệnh Coryza trên gà hay còn gọi là bệnh sổ mũi truyền nhiễm, bệnh sưng phù đầu ở gà, bệnh IC tên đầy đủ là Infectious Coryza do vi khuẩn Avibacterium paragallinarum gây ra. Loại vi khuẩn này lây nhiễm qua đường hô hấp, qua dịch tiết ra từ gà và lây nhiễm qua tiếp xúc với các dụng cụ chăn nuôi có chứa vi khuẩn. Ở ngoài môi trường, vi khuẩn Avibacterium có thể sống được từ 2 – 3 ngày nhưng loại vi khuẩn này có thể chết chỉ sau vài phút tiếp xúc với thuốc sát trùng.

Bệnh Coryza trên gà khiến gà bị viêm đường hô hấp với nhiều triệu chứng đặc trưng là sưng phù đầu, mắt bị viêm có kén. Nếu để lâu không chữa bệnh có thể khiến gà bị mù một mắt sau mù cả hai mắt, không tìm được thức ăn, kiệt sức mà chết. Bệnh sưng phù đầu ở gà có thời gian ủ bệnh chỉ từ 1 – 3 ngày, tỉ lệ chết do bệnh không cao chỉ khoảng 5%. Dù vậy, nếu để bệnh phát triển có thể ghép với nhiều bện khác nhất là bệnh CRD và Ecoli khiến tỉ lệ chết tăng cao đến 30 – 40%.

Bệnh sưng phù đầu ở gà thường phát triển mạnh vào thời điểm ẩm thấp hay nóng bức khiến chất độn chuồng sinh ra nhiều khí độc như H2S, NH3. Mặc dù vậy, bệnh Coryza trên gà thường gặp ở gà từ 2 – 3 tuần tuổi trở lên là chủ yếu, gà càng nhiều tuổi càng dễ mắc Coryza.

Bệnh sưng phù đầu ở gà (Coryza, IC)
Bệnh Coryza trên gà – Bệnh sưng phù đầu ở gà

Triệu chứng của bệnh Coryza trên gà

Bệnh Coryza có các triệu chứng lâm sàng khá đặc trưng đó mũi có dịch nhầy, khô lại khiến gà không thở được bằng mũi, gà bị phù đầu, sưng mặt, viêm kết mạc, mắt gà có kén màu vàng khá to. Khi gà bị nặng sẽ ủ rũ, bỏ ăn, kiệt lực mà chết hoặc kế phát với một số bệnh khác gây chết rất nhanh. Đối với gà đẻ, khi bị nhiễm Coryza gà sẽ giảm đẻ khoảng 10%, khi bị nặng có thể giảm đẻ tới 40% gây thiệt hại kinh tế rất lớn.

Về bệnh tích, khi mổ khám có thể thấy bệnh tích đặc trưng là mắt, xoang, mũi có bã đậu dạng kén, bị viêm khí quản có thể có triệu chứng xuất huyết chứa nhiều dịch nhầy. Bên trong

Bệnh Coryza trên gà
Bệnh Coryza trên gà – Bệnh sưng phù đầu ở gà

Cách điều trị bệnh sưng phù đầu ở gà

Bệnh sưng phù đầu ở gà nguy hiểm ở chỗ bệnh lây lan nhanh và vi khuẩn có thể khu trú trong chất độn chuồng. Nếu gà bị mắc bệnh cần xử lý điều trị trên toàn đàn mới có thể dập dịch được một cách nhanh chóng. Nếu chỉ xử lý những đàn nhỏ thì bệnh rất dễ tái đi tái lại rất dai dẳng. Còn về cách điều trị bệnh Coryza ở gà thì không khó, phác đồ điều trị là dùng một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Avibacterium, phun sát trùng chuồng trại và bổ sung các loại thuốc tăng sức đề kháng, tăng lực cho gà nhanh khỏi. Các bạn có thể tham khảo phác đồ điều trị bệnh Coryza trên gà sau:

  • Cách ly gà bị bệnh, thay chất độn chuồng
  • Sát trùng tẩy uế chuồng nuôi 1 lần 1 ngày liên tục trong 1 – 2 tuần
  • Dùng một trong số các thuốc như Gentatylo, Tylosin, Tiamulin, Tilmycosin, Doxy 50, Doxy 75 phối hợp với Enrolox hoặc Enroxin 10 – 20% trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gà dùng 5 – 7 ngày theo liều dùng của nhà sản xuất.
  • Cho gà dùng các loại thuốc tăng lực, tăng sức đề kháng như điện giải, vitamin tổng hợp, giải độc gan thận cho gà uống liên tục 10 – 15 ngày.
  • Với những con gà bị nặng chảy nước mắt nước mũi có thể dùng thuốc Gentamycin nhỏ mắt mũi 2 lần một ngày liên tục trong 3 – 5 ngày.

Như vậy, có thể thấy rằng bệnh Coryza trên gà hay còn gọi là bệnh sưng phù đầu ở gà thực tế gây thiệt hại kinh tế lớn đối với đàn gà đẻ và tỉ lệ chết không cao. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên chủ quan vì bệnh này khi diễn biến nặng thường kế phát với nhiều bệnh khác khiến việc điều trị rất khó khăn.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang