Hiện nay, lặc lè ngày càng được trồng và sử dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam. Nó còn được gọi với nhiều tên dân dã khác nhau như mướp nhật, lặc lày, mướp rừng hay bầu rắn. Không chỉ được sử dụng để chế biến một số món ăn ngon, lặc lè còn được dùng để chữa một số bệnh như tiểu đường, vàng da. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa rõ cách trồng và chăm sóc lặc lè đúng cách. Mời các bạn cùng NNO tìm hiểu về cách trồng cây lặc lè tại nhà đúng cách để cây luôn sai quả nhé.
- Tác hại của quả lặc lè
- Thành phần dinh dưỡng của quả lặc lè
- Cây lặc láy là cây gì
- Cây hồng môn bị vàng lá, héo lá, cháy lá
- Rau mồng tơi trị bệnh gì
Cây lặc lè trồng mùa nào thì đúng vụ
Trong cách trồng cây lặc lè thì mùa vụ gieo trồng rất quan trọng. Lặc lè là cây có thể trồng quanh năm tùy vào điều kiện thời tiết của từng vùng. Thông thường, lặc lè được gieo vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hoặc muộn hơn một chút. Sau 2 tháng gieo trồng, cây lặc lè sẽ cho quả và có thể thu hoạch liên tục trong vòng vài tháng nếu chăm bón tốt. Nếu thời tiết nơi bạn sống mát mẻ thì có thể gieo lặc lè quanh năm, nếu thời tiết nơi bạn sống thường xuyên nóng nực thì nên tránh gieo lặc lè vào những thời điểm nắng nóng cao điểm trong năm là được. Tất nhiên, thời điểm nắng nóng cây lặc lè vẫn phát triển được nhưng do không đúng vụ nên chất lượng quả cũng như sản lượng sẽ không được tốt cho lắm.
Chuẩn bị trước khi trồng lặc lè
1. Vị trí nơi trồng
Do mướp Nhật thuộc vào họ nhà bầu bí nên nó cũng không chịu được đất bị ngập úng, hoặc đất quá ẩm ướt vì điều kiện này sẽ khiến cây dễ bị thối rữa, chết cây. Chính vì thế, bạn cần chọn nơi cao ráo, tưới tiêu thuận lợi để gieo trồng mướp Nhật, tránh chọn nơi đất trũng, thoát nước kém, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
2. Đất trồng và phân bón
Mướp Nhật cũng thuộc loại cây dễ trồng, có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng cây sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất khi được trồng ở các loại đất pha cát hoặc đất có khả năng thoát nước tốt.
Trước khi gieo trồng bạn nên tiến hành xử lý đất bằng bón lót vôi rồi phơi ải khoảng 7 – 10 ngày để diệt trừ cỏ dại và các mầm bệnh có trong đất. Sau đó, bạn chuẩn bị thêm các phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà, phân bò hoai mục, và các chất tạo xốp như vỏ trấu, xơ dừa, xỉ than để trộn đều cùng đất trồng nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây và giúp đất tơi xốp, thoáng khí khi gieo trồng.
3. Hạt giống
Để hạt giống nảy mầm tốt và cây con khỏe mạnh thì bạn cần chọn hạt chắc mẩy, không bị nấm mốc, và mua hạt giống tại các công ty và cửa hàng bán hạt giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc các giống địa phương, giống cây bản địa đã được sản xuất và tiêu dùng. Bạn nên chọn những hạt giống có thời hạn sử dụng còn dài. Việc chọn được hạt giống tốt rất quan trọng trong cách trồng cây lặc lè.
Cách trồng cây lặc lè tại nhà
1. Gieo hạt
Do hạt mướp Nhật có vỏ ngoài cứng nên bạn cần tiến hành ngâm ủ trước khi gieo để giúp hạt nhanh nảy mầm hơn. Hạt mướp Nhật cho ngâm vào nước ấm khoảng 400C trong vòng 4 – 5 tiếng để cây nở ra, sau đó đem ủ trong khăn ẩm khoảng 10 – 12 tiếng để hạt nứt nanh rồi đem gieo. Bạn có thể bỏ qua bước ngâm ủ hạt mà đem gieo luôn vào đất, tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến hạt nảy mầm chậm hơn.
Khi gieo hạt, bạn có thể ươm ở các bầu đất nhỏ rồi đem trồng, hoặc gieo hạt trực tiếp lên phần đất muốn trồng. Gieo hạt xong, bạn nhớ phủ lên một lớp đất mỏng rồi tưới nhẹ ẩm cho đất.
Trộn đều đất với phân chuồng ủ mục vào hố. Cho hạt mướp Nhật vào và phủ lên hạt lớp đất mỏng. Sau đó tưới ít nước cho ẩm đất.
2. Chăm sóc
Sau khi gieo hạt xong, bạn tiến hành ngày tưới ẩm hai lần vào sáng sớm và chiều mát để đảm bảo độ ẩm cho hạt nảy mầm, nhưng bạn cần tưới ẩm vừa phải, tránh tưới nhiều nước quá khiến hạt dễ bị thối. Khi cây con mọc được 4 đến 5 lá thật, bạn nên tưới nước nhiều hơn và bón thúc lần 1 với các loại phân hữu cơ như phân bò, phân gà hoai mục, phân trùn quế, và thêm một ít đạm để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây phát triển.
Vì cây lặc lè còn nhỏ thân thường nhỏ và yếu, nên khi cây cao khoảng 20 cm, bạn nên làm giàn luôn để cây có chỗ bám vững chắc, sẽ giúp cây phát triển nhanh hơn. Bạn có thể làm giàn leo tương tự như làm cho bầu, bí xanh, mướp. Nếu như chỗ trồng không rộng, bạn cũng có thể làm giàn chữ I, chữ A, hay chữ X như giàn cho đậu leo.
Khi cây bắt đầu mọc nhánh mới, bạn nên ngắt bỏ các nhánh phụ gần gốc cây để cho thân cây phát triển nhanh hơn. Sau đó, tiến hành ngắt ngọn chính của cây khi cây leo được tầm 2m để cây phát triển thêm các nhánh. Tiếp tục ngắt ngọn các nhánh khi mọc dài khoảng 1,5 – 2 m để cây có nhiều nhánh hơn, sẽ giúp cây ra hoa kết trái nhiều hơn.
Tới thời điểm cây ra hoa, bạn tiến hành bón thúc lần 2 với các loại phân hữu cơ và thêm một lượng kali vừa phải để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây ra nhiều hoa, khả năng đậu trái cao hơn, và thời gian thu hoạch kéo dài. Do loại mướp này ra quả nhiều, và cho quả liên tục nên bạn chú ý bổ sung đầy đủ phân bón, đặc biệt là phân chuồng hoai mục.
3. Thu hoạch
Thông thường, cây bắt đầu cho thu hoạch quả lần đầu tiên sau 2 tháng gieo trồng. Nếu bạn chăm sóc tốt, cây có thể cho quả ăn đều đặn trong vòng vài tháng.
Như vậy, với cách trồng cây lặc lè tại nhà vừa kể trên, các bạn có thể tự trồng lặc lè rất dễ dàng. Chỉ lưu ý với các bạn là lặc lè khi mới lên thân cây khá nhỏ và mảnh. Đây là đặc tính của cây như vậy chứ không phải do đất thiếu dinh dưỡng nên các bạn không cần phải lo. Sau khi cây lên giàn được thân sẽ phát triển to dần lên. Nếu bạn không có đất trồng thì có thể trồng trong thùng xốp cũng được nhưng nhớ chọn thùng xốp to chút và làm lỗ thoát nước để cây không bị úng.