Cây hoa hồng môn hiện đang được khá nhiều người yêu thích trồng làm cây cảnh trong nhà. Tuy cây hồng môn dễ trồng và dễ chăm sóc nhưng nếu bạn chăm sóc không đúng cách sẽ khiến cây có thể bị vàng lá, héo lá hay cháy lá. Do đó, khi gặp tình trạng cây hồng môn bị vàng lá, cây hồng môn bị héo lá hay cây hồng môn bị cháy lá thì các bạn nên tìm nguyên nhân và cách khắc phục ngay.
- Ý nghĩa hoa hồng môn
- Cây hồng môn trong phong thủy
- Công suất máy ấp trứng bao nhiêu
- Giá cây hồng môn bao nhiêu
- Cây lan ý đỏ là cây gì
Cây hồng môn bị vàng lá
Trường hợp cây hồng môn bị vàng lá có rất nhiều nguyên nhân, có thể do cây bị sâu bệnh, cũng có thể do cây bị thiếu nước hoặc thừa nước. Căn cứ vào tình trạng cụ thể trong quá trình chăm sóc mà các bạn xác định nguyên nhân cây bị vàng lá. Một số nguyên nhân cây hồng môn bị vàng lá có thể kể ra như:
- Cây bị thừa nước: nếu bạn tưới cây quá nhiều khiến đất luôn trong tình trạng ẩm ướt có thể khiến cây bị úng dẫn đến thối rễ. Khi cây bị thối rễ sẽ không hút được dinh dưỡng và nước nữa dẫn đến lá bị vàng và cây chết dần.
- Cây bị thiếu nước: trường hợp cây bị thiếu nước cũng dẫn đến lá bị vàng. Thường trường hợp này sẽ kèm theo cả hiện tượng cây bị héo rũ rất đặc trưng.
- Cây suy yếu chết dần: trong quá trình chăm sóc cây, do nhiều lý do mà cây có thể không phát triển được rồi suy yếu dần. Khi cây đã suy yếu tức là đang chết dần thì lá cũng sẽ bị vàng sau đó cây bị chết. Trường hợp này có nhiều nguyên nhân ví dụ như cây sống ở môi trường bí khí, không khí ít lưu thông thì cây cũng sẽ bị chết dần, đất quá cằn cỗi khiến cây không hút được nước và dinh dưỡng.
- Bón phân dính lên lá: cây hồng môn thường chỉ cần bón phân 1 tháng 1 lần. Khi bón phân nhất là các loại phân hóa học như phân NPK, các bạn nên bón đúng cách không làm phân dính lên lá vì nếu phân bón dính lên lá sẽ khiến lá bị xót làm khu vực lá bị dính phân bón bị chết diệp lục và ngả vàng.
- Lá già bị vàng tự nhiên: trường hợp lá cây ở gần gốc lâu ngày bị vàng rồi héo khô là chuyện bình thường. Trường hợp này chắc chắn các bạn sẽ gặp nên không cần phải lo lắng.
- Cây bị sâu bệnh: cây hồng môn ít bị sâu bệnh nhưng cũng có những lúc bị sâu bệnh tấn công. Thường các loại sâu bệnh sẽ hút dinh dưỡng ở lá cây khiến vùng lá đó không phát triển được gây ra các đốm vàng. Trường hợp này các bạn kiểm tra kỹ lá cây sẽ phát hiện được ngay.
Với những nguyên nhân cây hồng môn bị vàng lá, các bạn có thể căn cứ xem cây của bạn là nguyên nhân nào để có biện pháp chữa trị thích hợp. Trước tiên, các bạn cần cắt bỏ những lá bị vàng vì lá vàng sẽ không hồi phục lại được. Sau khi cắt bỏ, các bạn tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục tương ứng.
- Cây bị thừa nước: ngừng tưới nước cho cây, đặt cây nơi thoáng gió để đất nhanh khô hơn. Nếu một hai hôm mà cây vẫn không có dấu hiệu hồi phục thì nên kiểm tra xem đất có ẩm nhiều hay không. Nếu đất vẫn ẩm thì nên thay đất mới cho cây.
- Cây bị thiếu nước: trường hợp này chỉ cần tưới nước cho cây thì chỉ khoảng hơn nửa ngày cây sẽ tươi trở lại.
- Cây suy yếu chết dần: nên xem lại cách chăm sóc cây hồng môn để giúp cây có điều kiện sinh trưởng lý tưởng nhất. Tốt nhất nên cho cây ra vị trí thoáng mát ngoài trời nhưng tránh được nắng chiếu để cây hồi phục dần.
- Bón phân dính lên lá: trường hợp này chỉ cần cắt bỏ lá bị vàng và lưu ý trong những lần bón phân sau là được.
- Lá già bị vàng tự nhiên: cắt bỏ lá bị vàng ở gốc và không cần làm gì thêm.
- Cây bị sâu bệnh: dùng tay diệt trừ sâu bệnh trên cây sau đó lấy khăn mặt nhúng vào nước muối lau sạch các mầm bệnh trên lá cây. Trường hợp nặng hơn thì các bạn cần sử dụng thuốc bảo quản thực vật. Hãy tới các tiệm cây cảnh để được tư vấn cụ thể hơn về các loại thuốc diệt sâu bệnh trên cây cảnh.
Cây hồng môn bị héo lá
Trường hợp cây hồng môn bị vàng lá ở trên cũng kèm theo cả triệu chứng héo lá ví dụ cây bị thiếu nước, cây bị sâu bệnh hay cây đang suy yếu. Tuy nhiên, cây hồng môn bị héo lá còn có thể do một số nguyên nhân khác gây nên như:
- Bón phân quá nhiều: nếu bạn bón phân hữu cơ cho cây thì thường không sao nhưng nếu bón phân hóa học như phân đạm, phân kali hay phân NPK thì đều phải bón theo liều lượng nhấ định. Nếu bạn bón với lượng đậm đặc thì cây có thể bị héo do phân bón quá nhiều.
- Cây đặt cạnh nơi có nguồn nhiệt cao: cây hồng môn trồng trong nhà nhưng vị trí đặt cây cũng cần thoáng mát. Nếu bạn đặt cây gần những nơi có nguồn nhiệt cao hoặc có nắng hắt thì cây rất dễ bị héo do thiếu nước.
Để khắc phục tình trạng cây hồng môn bị héo lá cũng rất đơn giản. Nếu bạn bón phân quá nhiều với nồng độ đậm đặc thì có thể thay đất hoặc tưới thêm nước cho cây để làm loãng lượng phân bón còn sót trong đất. Nếu cây hồng môn bị héo lá do đặt gần nơi có nguồn nhiệt cao thì đơn giản là bạn chuyển cây ra vị trí thoáng mát là xong.
Cây hồng môn bị cháy lá
Khác với trường hợp cây hồng môn bị vàng lá, trường hợp cây hồng môn bị cháy lá chắc những bạn nào trồng cây cảnh đều biết tại sao rồi. Cây hồng môn bị cháy lá 90% đều có nguyên nhân từ việc cây bị nắng gắt chiếu vào trong thời gian dài. 10% cây hồng môn bị cháy lá có thể liên quan đến đất trồng. Đất trồng quá cằn cỗi hoặc bị nén quá chặt thì cây cũng không hút được nước dẫn đến đầu lá bị khô dần sau đó lan sang cả lá. Trường hợp này nhìn giống như là bị cháy lá vậy.
Để khắc phục trường hợp cây hồng môn bị cháy lá các bạn chỉ cần cắt bỏ các lá bị cháy sau đó tùy theo nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp. Nếu cây hồng môn bị cháy lá do nắng gắt chiếu vào thì nên chuyển cây sang vị trí mát mẻ không bị nắng chiếu vào buổi trưa chiếu nhưng có nắng nhẹ hắt vào buổi sáng là tốt nhất. Trường hợp cây bị cháy lá do đất trồng thì bạn nên thay đất cho cây là được.
Như vậy, với những nguyên nhân và cách xử lý trên, các bạn chắc đã có thể tự xem xét và xử lý khi cây hồng môn bị vàng lá, cháy lá, héo lá rồi phải không. Nếu bạn gặp các vấn đề phức tạp hơn thì tốt nhất nên hỏi các tiệm cây cảnh nơi bạn mua cây để biết cách khắc phục cụ thể nhé.