Cây bạch mã hoàng tử hay còn gọi là cây bạch mã ngoài được trồng trong đất thì còn được trồng thủy sinh. Khi trồng thủy sinh, cây sẽ lấy dinh dưỡng từ trong nước để phát triển và hoàn toàn không cần đất. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm của cây bạch mã hoàng tử thủy sinh và cách trồng cũng như cách chăm sóc loại cây này.
- Cây bạch mã hoàng tử có mấy loại
- Giá cây bạch mã hoàng tử
- Tổng hợp các hình ảnh cây bạch mã hoàng tử
- Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục
- Mướp bị ong châm và những biện pháp khắc phục
Đặc điểm cây bạch mã hoàng tử thủy sinh
Cây bạch mã hoàng tử thủy sinh hay còn gọi là cây bạch mã hoàng tử trồng trong nước là loại cây không trồng trong đất mà trồng dạng thủy canh hoàn toàn bằng nước. Rễ cây sẽ được thả vào trong dung dịch thủy canh nhưng phần gốc và một phần rễ vẫn ở trên mặt nước. Phần rễ cây ở trên mặt nước sẽ giúp rễ hấp thụ không khí, phần rễ cây ở dưới mặt nước sẽ hút chất dinh dưỡng để cây phát triển.
Thông thường, cây bạch mã thủy sinh được trồng trong các bình thủy tinh để có thể nhìn rõ rễ cây bên trong. Chính cách trồng độc đáo này nên loại cây thủy sinh đang được rất nhiều người yêu thích chọn mua đặc biệt là nhân viên công sở.
Cách trồng cây bạch mã thủy sinh
Cây bạch mã hoàng tử trồng trong đất hoàn toàn có thể dùng để trồng thủy sinh. Thường có 2 cách trồng cây bạch mã hoàng tử thủy sinh bằng cây đang trồng trong đất. Cách thứ nhất là lấy cây đang trồng trong đất giũ hết đất bám trên rễ rồi chuyển sang bình thủy sinh để trồng. Cách thứ hai là chuyển cây đang trồng trong đất sang trồng dạng bán thủy sinh (vừa trồng đất vừa trồng thủy sinh) để cây quen với môi trường thủy sinh sau đó mới chuyển sang trồng hoàn toàn bằng nước.
Ở cách thứ nhất, nếu bạn trồng thông thường thì cây dễ chết do sốc môi trường. Do đó, để tăng tỉ lệ sống thường cần phải dùng thêm thuốc kích thích ra rễ. Còn cách thứ 2 mất thời gian trồng bán thủy sinh vài tuần nhưng tỉ lệ sống của cây sẽ cao hơn. Một lưu ý là khi trồng trong bình thủy sinh, các bạn chỉ được đổ nước ngập 1/2 rễ cây để cây không bị ngộp.
Cách chăm sóc cây bạch mã hoàng tử thủy sinh
Để chăm sóc cây bạch mã thủy sinh các bạn cũng làm tương tự như cây trồng trong đất nhưng không cần thay đất, bón phân hay tưới nước mà chỉ cần thay dung dịch thủy canh hàng tuần là đủ. Một vài lưu ý khi chăm sóc cây bạch mã hoàng tử trồng trong nước như sau:
- Vị trí đặt cây: chọn vị trí đặt cây ở nơi mát mẻ tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, tránh các nơi có nguồn nhiệt cao. Mỗi tuần nên mang cây ra ngoài trời phơi nắng vài tiếng vào buổi sáng sớm để cây hồi phục sức sống.
- Thay nước cho cây: mỗi tuần bạn nên thay nước trong bình thủy sinh một lần. Khi thay nước hãy cắt bỏ các rễ cây bị thối hay các cặn bẩn bám ở đáy bình. Sau khi thay nước thì cần cho thêm phân bón hoặc dung dịch thủy canh để cây có dinh dưỡng phát triển.
- Xịt ẩm: nếu có thời gian bạn nên dùng bình xịt để xịt nước vào lá cây giúp cây tăng độ ẩm. Việc xịt ẩm còn giúp loại bỏ bụi bậm bám trên lá cây giúp cây quang hợp tốt hơn.
- Phòng trừ sâu bệnh: để phòng trừ sâu bệnh cho cây, các bạn chỉ cần dùng nước muối loãng lau lá cây hàng tuần là được. Việc lau như vậy sẽ giúp loại bỏ các mầm bệnh bám trên lá cây.
Giá cây bạch mã thủy sinh
Cây bạch mã hoàng tử trồng trong nước thường được bán với giá khoảng 80 – 250 ngàn đồng cho loại cây nhỏ và giá trên 250 ngàn đồng cho các bình cây thủy sinh lớn. Sở dĩ cây có giá đắt như vậy là vì loại cây này đã kèm theo bình thủy sinh. Tùy theo từng loại bình và có thêm sỏi trang trí hay có thêm các phụ kiện khác mà giá thành có thể đắt rẻ khác nhau.
Như vậy, với các thông tin trên về cây bạch mã hoàng tử thủy sinh, các bạn cũng có thể tự trồng một cây thủy sinh hoặc mua một cây thủy sinh về trồng rất đẹp. Lưu ý là khi mua cây bạn nên hỏi người bán về phân bón để khi thay nước cho cây bổ sung dinh dưỡng vào nước.