logo vui cười lên

Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục


Cây mướp rất dễ trồng và sai quả nhưng đôi khi bạn trồng mướp sẽ gặp phải tình trạng cây không ra trái, ra ít trái hoặc đã ra trái nhưng bị thối. Nếu bạn gặp trường hợp mướp bị thối quả thì hãy xem ngay các nguyên nhân sau đây để biết cách khắc phục cụ thể nhé.


Hoa mướp
Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục

1. Mướp bị thối trái, rụng trái do bệnh thối trái non

Đây là bệnh rất phổ biến trên cây mướp, dẫn đến hiện tượng mướp bị vàng và thối, khiến cho năng suất cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bệnh thối trái non thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc khi thời tiết ẩm và nhiệt độ cao. Bệnh không chỉ khiến cho mướp bị thối quả, mà nó còn gây hại trên lá, hoa và chồi hoa.

Bệnh thối trái non do nấm Choanephora cucurbitarum. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cây mướp ra hoa và thụ phấn, bệnh tấn công ở lá, hoa và trái non, trong thời điểm 5 – 7 ngày hoa cho ra trái. Mô cây mướp ở chỗ bị nhiễm bệnh có màu nâu đen đến đen, các bào tử nấm bệnh lan nhanh xuống phần dưới, làm mô bị chết và thối mềm ra, dẫn đến việc trái mướp bị thối đen, trái non bị rụng hoặc bị teo lại. Nếu cây mướp bị bệnh thối trái non gây hại nặng, có thể khiến cho cả bộ rễ cây bị thối, dẫn đến chết cây. Nấm lưu tồn trong xác bã thực vật và được lan truyền đến hoa khác bởi côn trùng, nước tưới, hoặc gió do đó, khả năng lây bệnh rất nhanh.

Để phòng ngừa mướp bị thối quả do bệnh thối trái non, bạn cần phải trồng cây với mật độ thích hợp, tưới tiêu hợp lý và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng. Trong quá trình bón phân, cần tăng cường bón phân chuồng ủ mục và chế phẩm sinh học Trichoderma để tạo nguồn vi sinh vật đối kháng cho đất. Nếu mướp bị bệnh thối trái non, cần hạn chế tưới nước vào buổi chiều để ngăn chặn bệnh lây lan nhanh. Bạn có thể sử dụng thuốc hóa học như các loại thuốc có hoạt chất Azoxystrobin hoặc hỗn hợp Mandipropamid và Chlorothalonil để phun ngừa, tuy nhiên, bạn cần đảm bảo đủ thời gian cách ly thuốc trước khi thu hái quả.

Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục
Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục

2. Mướp bị thối quả do ruồi đục quả

Một nguyên nhân nữa khiến cho mướp bị thối quả, rụng quả đó là do ruồi đục quả gây ra. Loại ruồi này có tên khoa học là Bactrocera curcurbitae. Rất nhiều người thấy chúng bay trên các giàn mướp, lầm tưởng chúng là những con ong vàng châm quả.

Ruồi trưởng thành có cơ thể dài từ 6 – 9 mm, đầu có dạng hình bán cầu, mặt trước màu nâu đỏ với 6 chấm màu đen. Thân ruồi đục quả trưởng thành có màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong suốt. Chúng nhìn giống như con ruồi nhà nhưng có kích thước nhỏ hơn và thường hoạt động vào ban ngày.

Trứng của ruồi đục quả có hình hạt gạo, màu trắng sữa. Khi sắp nở, trứng chuyển sang màu vàng nhạt. Khi trứng nở thành dòi, ban đầu dòi đục quả chỉ dài khoảng 1,5 mm, khi phát triển đầy đủ, nó dài khoảng 6 – 8 mm. Dòi có màu vàng nhạt và miệng có móc. Đến thời điểm dòi phát triển đầy đủ, nó búng mình rơi xuống đất để hóa nhộng và làm nhộng trong lòng đất. Thời gian làm nhộng khoảng 7 – 12 ngày, nếu gặp trời lạnh thì thời gian dài hơn. Nhộng có chiều dài 5 – 7 mm, hình trứng dài, ban đầu nó có màu vàng nâu, khi sắp vũ hóa (khi nhộng biến thành ruồi trưởng thành) có màu nâu đỏ.

Vòng đời của ruồi vàng
Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục

Đến thời kì sinh sản, ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả mướp rồi đẻ vào đó một chùm khoảng 5 – 10 trứng. Chỗ vỏ quả bị ruồi đục có màu đen, mềm và ứ nhựa quả, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công làm mướp bị thối quả, khiến quả bị teo rụng hoặc vẫn bám trên cây.

Không chỉ có vậy, khi trứng nở thành dòi, chúng đục ăn ruột bên trong quả, khiến quả bị bội nhiễm nên mướp bị thối quả rất nhanh, khiến quả bị hỏng, rồi rụng xuống, hoặc kém phát triển, hình dạng méo mó và làm quả ăn rất đắng.

Ruồi đục quả khiến mướp bị thối quả, rụng quả nhiều, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Để ngăn chặn tác hại do ruồi đục quả gây ra, bạn cần thường xuyên vệ sinh nơi trồng thông thoáng, sử dụng túi bọc trái cây để bọc quả mướp. Bên cạnh đó, trên thị trường có bán một số loại bẫy bả ruồi đục trái, bạn có thể áp dụng cho giàn mướp của mình. Để biết thêm về ruồi đục quả gây hại trên mướp và các biện pháp phòng ngừa, mời các bạn đón đọc bài viết Mướp bị ong châm nhé.

Ruồi đục quả
Mướp bị thối quả, nguyên nhân & hướng khắc phục

Với những thông tin về nguyên nhân cũng như cách khắc phục mướp bị thối quả vừa nêu trên, các bạn nếu gặp tình trạng này thì hãy bình tĩnh tìm nguyên nhân và có cách xử lý kịp thời nhé. Chúc các bạn có những giàn mướp sai quả và không bị sâu bệnh tấn công.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang