logo vui cười lên

Cách trồng cây hồng môn và cách nhân giống cây hồng môn tại nhà


Hồng môn hay còn gọi là cây buồm đỏ, cây hồng hạc, cây vỹ hoa tròn, cây môn hồng. Nhiều bạn thắc mắc cây hồng môn có dễ trồng không, câu trả lời là có, loại cây này rất dễ trồng, dễ sống và dễ nhân giống. Cây môn hồng được bán hiện nay có nhiều loại nhưng đều có cách trồng và cách nhân giống tương tự nhau.Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn các bạn về cách nhân giống cây hồng môncách trồng cây hồng môn để các bạn có thể tự làm tại nhà rất dễ dàng.


Cách trồng cây hồng môn và cách nhân giống cây hồng môn
Cách trồng cây hồng môn và cách nhân giống cây hồng môn

Cách nhân giống cây hồng môn

Để nhân giống cây hồng môn có thể trồng bằng hạt hoặc trồng bằng cách tách bụi. Ở các nhà vườn hoặc tiệm cây cảnh thì cây hồng môn được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp tách bụi. Cách tách bụi cây hồng môn không có gì khó, các bạn chỉ cần đào cả cây hồng môn lên, giũ bớt đất ở rễ cây đi, dùng dao sắc tách cây thành từng bụi nhỏ rồi mang đi trồng lại là được. Các bạn có thể tham khảo video dưới đây.

[Video] Cách nhân giống cây hồng môn

Cách trồng cây hồng môn

1. Cách trồng hoa hồng môn trong đất

Để trồng cây hồng môn trong đất không khó. Các bạn hãy chuẩn bị một cây hồng môn, đất trồng cây, chậu trồng cây, bình xịt nước và phân bón cho cây là được. Cụ thể về cách trồng hoa hồng môn trong đất như sau:

  • Đất trồng: các bạn tốt nhất nên mua đất trồng cây kiểng ngoài cửa hàng. Nếu bạn muốn lấy đất trồng cây thì nên chọn đất đảm bảo được tiêu chí là tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng. Nói luôn là loại đất này trong tự nhiên gần như không có nên bạn phải trộn đất để đảm bảo được các tiêu chí trên. Bạn có thể trộn thêm xơ xừa, trấu, tro trấu hoặc rễ bèo lục bình phơi khô để tăng khả năng thoát nước. Trộn thêm phân hữu cơ ủ hoai mục để tăng độ mùn cho đất và trộn thêm phân hữu cơ hoặc phân hóa học để tăng dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt hơn. Trong cách trồng cây hồng môn trong đất thì đất trồng rất quan trọng quyết định khá nhiều đến sự phát triển của cây.
  • Chậu trồng cây: chậu trồng cây không yêu cầu quá đặc biệt, các bạn chỉ cần chọn chậu có lỗ thoát nước dưới đáy để tránh bị úng nước trong chậu và chậu không quá nhỏ để cây có thể phát triển tốt. Thường chậu trồng cây nên chọn chậu có độ rộng bằng 1/2 tán cây và cao bằng 2/3 cây là đẹp nhất vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa đảm bảo cây có đủ không gian phát triển.
  • Trồng cây vào trong chậu: sau khi đã có chậu trồng cây và đất thì bạn trồng cây vào trong chậu. Khi trồng để gốc cây cao gần bằng miệng chậu và vun đất cũng cao gần bằng miệng chậu là được. Dùng tay ấn nhẹ cho chặt phần đất ở gốc cây.
  • Vị trí đặt cây: sau khi trồng cây xong các bạn đặt cây ở vị trí râm mát. Tốt nhất là đặt cây ở ngoài trời chứ không nên cho vào trong nhà vì cây mới trồng nên để cây hồi phục rồi mới chuyển vào nhà. Lưu ý đặt cây ở nơi có bóng nắng là được, không nên để cây ở nơi có nắng gắt chiếu trực tiếp sẽ làm cây bị héo, cháy lá. Sau khoảng 1 – 2 tuần bạn có thể cho cây vào nhà trồng.
  • Tưới nước: sau khi trồng xong cây hồng môn, các bạn tưới nước vào chậu cây. Hồng môn không chịu được úng nên sau khoảng 3 ngày bạn tưới 1 lần. Nếu thấy đất vẫn ẩm thì không nên tưới vội mà đợi đất khô mới tưới. Cùng với tưới nước, mỗi ngày bạn dùng bình xịt xịt nước vào lá cây để tăng độ ẩm cho cây. Nếu có thời gian thì mỗi ngày bạn xịt ẩm cho cây 2 lần là tốt nhất.
  • Phân bón: cây hồng môn sau khi trồng các bạn không cần phải bón phân ngay vì đất trồng đã có sẵn phân bón khi mới trồng. Sau khi trồng khoảng 1 tháng bạn mới cần bón phân cho cây, có thể bón phân hữu cơ hoặc phân NPK, phân vi sinh đều được. Tốt nhất bạn nên bón đa dạng các loại phân bón để cây có đầy đủ các loại vi lượng.

Có thể nói rằng cách trồng cây hồng môn trong đất không khó. Các bạn chỉ cần đảm bảo có đất trồng phù hợp, đặt cây ở vị trí râm mát, xịt nước hàng ngày và tưới nước đúng cách thì cây sẽ phát triển tốt cho hoa đều đăn.

Cây hồng môn
Cách trồng cây hồng môn và cách nhân giống cây hồng môn

2. Cách trồng cây hồng môn trong nước (thủy sinh)

Cách trồng cây hồng môn thủy sinh không khó nhưng các bạn phải … kiên nhẫn. Để trồng cây hồng môn thủy sinh các bạn cần chuẩn bị một cây hồng môn đang trồng trong đất, một chậu cây trồng bán thủy sinh và một bình trồng cây thủy sinh. Trước tiên, các bạn chuyển cây đang trồng trong đất sang trồng bán thủy sinh để cây quen dần với môi trường sống trong nước. Lưu ý là nên để cho nhiều rễ cây thả xuống nước sẽ tốt hơn. Sau khoảng 1 tháng trồng bán thủy sinh các bạn giũ hết đất ở cây rồi, rửa sạch rễ rồi đem trồng vào bình thủy sinh.

Khi trồng vào bình thủy sinh chỉ nên đổ nước cho ngập 1/3 đến 1/2 rễ cây là được. Nếu đổ nhiều nước quá cây sẽ bị ngộp, úng rễ mà chết. Bổ sung thêm các loại phân bón cho cây thủy sinh vào nước để cây có dinh dưỡng phát triển. Mỗi tuần thay nước cho cây và cho thêm phân bón vào là được. Nếu so sánh thì cách trồng cây hồng môn thủy sinh cần kiên nhẫn cho cây quen với môi trường nước nhưng khi trồng rồi thì chăm sóc lại nhàn hơn trồng trong đất.

Cây hồng môn trồng trong nước
Cách trồng cây hồng môn và cách nhân giống cây hồng môn

Với cách trồng cây hồng môncách nhân giống cây hồng môn như vừa kể trên, có thể thấy cây hồng môn là cây dễ trồng, dễ sống. Chỉ lưu ý với các bạn về cách trồng hồng môn thủy sinh đó là bạn nên trồng bán thủy sinh trước sau đó mới chuyển sang trồng thủy sinh. Nếu trồng thủy sinh ngay cây sẽ bị sốc môi trường và tỉ lệ sống rất thấp.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang