logo vui cười lên

Gà bị cầu trùng, triệu chứng và thuốc đặc trị bệnh cầu trùng ở gà


Trong số các bệnh có thể bùng phát thành dịch khi thay đổi thời tiết, giao mùa hay có sự thay đổi đột ngột trong chế độ ăn uống thì bệnh cầu trùng không thể bỏ qua. Bệnh cầu trùng ở gà lây lan khá nhanh khiến gà giảm sản lượng trứng, giảm cân nhanh và tỉ lệ chết có thể lên đến 30%. Khi gà bị cầu trùng các bạn cần phải nhanh chóng xác định bệnh và có hướng xử lý kịp thời để giảm thiệt hại kinh tế. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giới thiệu với các bạn về bệnh cầu trùng ở gà và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà.


Gà bị cầu trùng - những thông tin cần biết
Gà bị cầu trùng và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà

Gà bị cầu trùng

Bệnh cầu trùng ở gà là bệnh do ký sinh trùng Eimeria gây ra. Loại ký sinh trùng này có nhiều loại nhưng có 2 loại chính là Eimeria tenella và Eimeria necatrix. Trong đó, Eimeria tenella thường ký sinh ở ruột già gây bệnh khiến ruột già (manh tràng) trương to và xuất huyết, Eimeria necatrix ký sinh gây bệnh ở ruột non khiến ruột non trương to từng đoạn rất khác thường. Chính vì vị trí ký sinh nên nhiều người còn gọi là cầu trùng manh tràng và cầu trùng ruột non.

Bệnh cầu trùng ở gà là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa do gà ăn phải nang của cầu trùng. Khi gà nhiễm bệnh, cầu trùng sẽ tấn công hệ tiêu hóa làm cho gà không hấp thu được dinh dưỡng. Tình trạng này nếu kéo dài gà sẽ bị giảm cân, giảm sản lượng trứng, chậm lớn. Bệnh nặng có thể gây chết hàng loạt với tỉ lệ 20 – 30%.

Gà bị cầu trùng có thể mắc ở tất cả các lứa tuổi kể cả khi gà còn nhỏ cho đến khi gà trưởng thành. Gà con từ 2 – 8 tuần tuổi hay mắc nhất và thường mắc cầu trùng manh tràng, gà trưởng thành lại mắc cầu trùng ruột non nhiều hơn. Chính vì thế, công tác vệ sinh chuồng trại cũng như phòng bệnh là hết sức cần thiết không chỉ giúp tránh được bệnh cầu trùng mà còn tránh được rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác cho đàn gà.

Gà bị cầu trùng - những thông tin cần biết
Gà bị cầu trùng và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà

Triệu chứng bệnh cầu trùng ở gà

Gà bị cầu trùng có nhiều triệu chứng tùy theo thể cấp tính hay mãn tính. Ở thể cấp tính bệnh sẽ nặng hơn thể mãn tính nhưng không có nghĩa là thể mãn tính không nguy hiểm vì thể mãn tính khiến bệnh lây lan thì người chăn nuôi mới phát hiện ra.

  • Gà bị cầu trùng thể mãn tính: gà giảm cân có dấu hiệu tiêu chảy, xù lông, kém ăn chứ không bỏ ăn, gà đi lại khó khăn chân như bị liệt, … nếu là gà mái sẽ giảm đẻ ảnh hưởng rõ rệt đến sản lượng trứng.
  • Gà bị cầu trùng thể cấp tính: gà ủ rũ, kém ăn, xã cánh, xù lông, niêm mạc mắt miệng nhợt nhạt nhìn mặt gà như bị tái đi, gà uống nhiều nước sau đó đi ngoài phân loãng rồi phân sệt hơn nhưng có bọt đôi khi lẫn máu tươi. Gà đi lại khó khăn và khi chết có biểu hiện co giật.
Gà bị cầu trùng - những thông tin cần biết
Gà bị cầu trùng và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà

Gà bị cầu trùng có triệu chứng bên ngoài khá giống với bệnh viêm ruột hoại tử ở gà. Chính vì thế để xác định bệnh tốt nhất nên mổ khám để thấy bệnh tích. Bệnh tích trên gà bị cầu trùng manh tràng sẽ thấy manh tràng sưng to kèm theo xuất huyết, trong mạnh trành cũng có máu và có nhiều dấu hiệu xuất huyết. Trường hợp gà bị cầu trùng manh tràng nặng có thể khiến manh tràng bị hoại tử cả mảng chuyển sang màu đen. Bệnh tích khi gà bị cầu trùng ruột non cũng rất rõ ràng, ruột non bị phình to thành từng khúc, vách ruột trương to dễ vỡ. Bên trong ruột non có mùi thối với chất lỏng lợn cợn, niêm mạc ruột có nhiều điểm trắng đỏ.

Gà bị cầu trùng - những thông tin cần biết
Gà bị cầu trùng và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà

Phòng bệnh cầu trùng trên gà

Bệnh cầu trùng ở gà tuy ảnh hưởng khá lớn đến đàn gà nhưng nếu bạn phòng bệnh tốt thì khả năng nhiễm cầu trùng sẽ tương đối thấp. Hiện nay cách phòng bệnh cầu trùng được cho là hiệu quả nhất có lẽ là dùng vắc xin. Từ 3 – 7 ngày tuổi các bạn có thể cho gà dùng vắc xin cầu trùng để hạn chế tối đa khả năng gà bị cầu trùng trong quá trình chăn nuôi. Vắc xin này chỉ cần dùng một lần cho đến khi gà xuất chuồng không cần đến liều thứ hai.

Ngoài vắc xin, cách phòng bệnh gà bị cầu trùng tốt nhất vẫn là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nuôi gà đúng kỹ thuật với mật độ chăn nuôi hợp lý. Phun khử trùng chuồng trại định kỳ để hạn chế tối đa các mầm bệnh phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Vào những thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt hay môi trường ẩm thấp bạn cũng thể dùng một trong số các loại thuốc đặc trị bệnh cầu trùng như ESB3 hay Diclazuzin cho gà uống theo liều lượng trên bao bì trong 3 ngày liên tục để phòng bệnh.

Gà bị cầu trùng - những thông tin cần biết
Gà bị cầu trùng và thuốc đặc trị cầu trùng trên gà

Thuốc đặc trị bệnh cầu trùng ở gà

Bệnh cầu trùng do ký sinh trùng gây ra nên vẫn có nhiều loại thuốc đặc trị có thể trị được bệnh này. Các bạn có thể dùng một trong số 3 loại thuốc phòng bệnh vừa kể trên để điều trị cho gà đang nhiễm bệnh đó là ESB3, Diclacoc hay Diclazuzin. Liều lượng cũng như cách dùng các bạn làm theo hướng dẫn trên bao bì của thuốc. Thông thường một lần điều trị sẽ kéo dài trong khoảng 7 ngày. Cũng với việc dùng thuốc, các bạn cũng nên bổ sung các chất điện giải, vitamin tổng hợp, giải độc gan thận và Gluco-KC để trợ lực cho gà trong quá trình điều trị giúp gà nhanh chóng hồi phục hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng bệnh cầu trùng ở gà là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Eimeria gây ra. Loại ký sinh trùng này chủ yếu gây bệnh ở ruột non và ruột già khiến gà bị rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng có thể đi ngoài lẫn máu tươi. Để chữa bệnh cũng có thuốc đặc trị cầu trùng trên gà nên mặc dù là bệnh truyền nhiễm nhưng nếu phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời thì sẽ giảm được đáng kể thiệt hại kinh tế.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang