logo vui cười lên

Bệnh khô chân ở gà, nguyên nhân và cách chữa cụ thể


Bệnh khô chân ở gà chắc không còn xa lạ gì với nhiều người chăn nuôi. Có nhiều trường hợp gà bị khô chân nhưng thường chia ra làm 2 dạng là gà con bị khô chân và gà đã lớn bị khô chân. Theo kinh nghiệm của người chăn nuôi, thường gà con bị khô chân sau này nuôi sẽ phát triển kém, chậm lớn. Gà trưởng thành bị khô chân cũng sẽ sụt cân, giảm sản lượng trứng ảnh hưởng khá nhiều đến kinh tế. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh khô chân ở gà cũng như cách chữa cụ thể.


Gà bị khô chân
Bệnh khô chân ở gà, nguyên nhân và cách chữa cụ thể

Gà bị khô chân là bệnh gì

Gà bị khô chân không phải là một bệnh mà chỉ là một dấu hiệu của bệnh nào đó mà thôi. Có rất nhiều bệnh có thể dẫn đến gà bị khô chân như dịch tả gà (Newcastle), thương hàn (bạch lị), Ecoli, ORT, bệnh CRD, … Do đó, khi phát hiện gà bị khô chân thì các bạn cần phải căn cứ vào các dấu hiệu khác của con gà mới biết được cụ thể đó là bệnh gì. Ngoài tên gọi là gà bị khô chân thì nhiều người còn gọi là gà bị khô chân teo lườn hay khô chân xệ cánh tùy theo từng triệu chứng của con gà.

Xem thêm: Bệnh thương hàn ở gà

Gà đạp mái bao lâu thì đẻ? Một lần đạp mái mấy trứng có trống
Bệnh khô chân ở gà, nguyên nhân và cách chữa cụ thể

Nguyên nhân gà bị khô chân

Với giải thích ở trên, có thể thấy gà bị khô chân không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng bệnh. Có rất nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh hô hấp mãn tính CRD, bệnh ORT hoặc cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như bệnh thương hàn (bạch lị), Ecoli hay Newcacstle, tụ huyết trùng, Gumboro, …

Theo các chuyên gia nông nghiệp, gà bị khô chân ở giai đoạn đang úm thường do bệnh thương hàn, do gà thiếu nước, không được uống đủ nước hoặc do mật độ úm quá đông. Nguyên nhân bệnh do quá trình úm gà con không đảm bảo nhiệt độ khiến gà bị lạnh dẫn đến thương hàn. Trường hợp thiếu nước thường do thiết kế máng nước không hợp lý làm nhiều con không thể uống được, cơ thể thiếu nước dẫn đến khô chân. Còn trường hợp mật độ úm quá đông cũng khiến nhiều con gà không thể chen lên để ăn uống được dẫn đến thiếu nước.

Ở những con gà đã lớn hơn thì phải căn cứ vào dấu hiệu bệnh mới có thể xác định rõ nguyên nhân. Ví dụ gà bị khô chân teo lườn hay gà bị khô chân xệ cánh, thâm bụng khô chân đi ngoài phân đen, khô chân rồi chết, … Tùy từng dấu hiệu khác nhau mới có thể kết luận gà đang bị bệnh gì dẫn đến gà bị khô chân.

Bệnh khô chân ở gà
Bệnh khô chân ở gà

Cách chữa bệnh khô chân ở gà

Có rất nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa đều có thể khiến gà bị khô chân. Do đó phải xác định được bệnh thì mới có phác đồ điều trị phù hợp. Đây là lý do không có cách chữa gà bị khô chân một cách chung chung mà phải xác định đúng bệnh, biết được tình trạng của gà thì mới có cách chữa cụ thể.

Đối với gà con, bệnh khô chân ở gà thường do úm với mật độ quá dày, gà không uống đủ nước các bạn có thể dễ dàng xử lý bằng cách làm giảm mật độ úm theo đúng kỹ thuật tùy theo từng tuần tuổi, xử lý lại máng uống để gà có thể uống nước được dễ dàng hơn. Còn nếu gà bị thương hàn thì trước tiên cần điều chỉnh nhiệt độ úm phù hợp không để gà bị lạnh. Gà con bị lạnh sẽ đứng tập trung dưới bóng đèn và co cụm vào nhau. Bạn nên hạ thấp bóng đèn, khi thấy gà di chuyển đều trong chuồng úm tức là nhiệt độ úm đã thích hợp. Sau khi xử lý xong về nhiệt độ úm bạn có thể áp dụng phác đồ do PGS. TS Phạm Ngọc Thạch đưa ra như sau:

  • Dùng chất điện giải Gluco-KC, super ADE và Multivit pha vào nước cho gà uống liên tục 10 – 15 ngày.
  • Dùng thuốc Ampicoli hoặc Neocolis hoặc Flox 30 trộn vào khẩu phần ăn cho gà ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.
  • Dùng thêm men tiêu hóa trộn cùng thức ăn cho gà ăn từ 5 – 7 ngày liên tục.

Lưu ý: do hiện nay thuốc thú y được sử dụng khá nhiều nên có thể gà bị nhờn thuốc, kháng thuốc. Do đó, bạn nên hỏi các tiệm thuốc thú y địa phương hoặc các bác sĩ thú y địa phương để chọn được loại thuốc phù hợp với khu vực mà mình đang chăn nuôi.

Đối với trường hợp bệnh khô chân ở gà có nguyên nhân do một số bệnh khác, các bạn cần căn cứ vào các dấu hiệu, triệu chứng khác nhau trên con gà để xác định đúng bệnh và có phác đồ điều trị. Ví dụ như phác đồ điều trị gà bị khô chân do viêm đường hô hấp mãn tính CRD như sau:

  • Dùng thuốc Gentamycin dạng nước nhỏ cho gà 2 lần sáng chiều
  • Dùng thuốc Timicosin hoặc Erythromycin hoặc cefortaxin trộn cùng thuốc Prednisolon (1 vỉ cho 2 tạ gà) pha vào nước hoặc trộn vào thức ăn cho gà. Dùng liên tục 5 – 7 ngày.
  • Dùng Bromhexin pha vào nước cho gà uống
  • Dùng Gluco-KC, Super Vitamin cho gà uống 10 – 15 ngày
Bệnh khô chân ở gà
Bệnh khô chân ở gà

Như vậy, bệnh khô chân ở gà thực tế không phải là một bệnh mà nó chỉ là dấu hiệu của một bệnh nào đó ở gà mà thôi. Tuy theo từng triệu chứng khác ở gà kết hợp với việc gà bị khô chân mới có thể phán đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn không dám chắc thì nên mời các bác sĩ thú y tới thăm khám để biết tình trạng cụ thể và có hướng xử lý kịp thời.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang