Gà bị ké chậu hay còn gọi là bệnh sưng củ bàn, bệnh lậu đế là một bệnh khá phổ biến ở gia cầm. Bệnh này khiến lòng bàn chân của gà bị sưng tấy dẫn đến việc đi lại khó khăn. Mặc dù bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của gà nhưng đối với gà thương phẩm thì đều coi những con gà này là loại gà bị tật, đối với gà chọi thì những con gà bị ké chậu gần như không đá đấm được gì nữa. Do đó,bệnh ké chậu là một bệnh cần xử lý sớm khi mới bị nhẹ, nếu để nặng thì việc xử lý khá phức tạp và tốn nhiều công sức.
- Gà ăn không tiêu là bệnh gì
- Gà bị hen khẹc khò khè
- Gà bị đậu là bệnh gì
- Bệnh APV trên gà
- Bệnh viêm mắt ở gà
Bệnh ké chậu là bệnh gì
Gà bị ké chậu là một bệnh do gà bị nhiễm trùng ở chân gây ra. Vết nhiễm trùng thường ở phần thịt giữa lòng bàn chân và nguyên nhân gây nhiễm trùng là do vi khuẩn staphylococus. Khi gà vô tình bị xước ở lòng bàn chân, vi khuẩn staphylococus có thể xâm nhập gây ra tình trạng viêm nhiễm. Vết thương sẽ không lành cùng với việc gà đi lại nhiều tạo thành vết áp xe. Vết áp xe này nhìn bề ngoài thì không có vấn đề gì nhưng bên trong có nhân tạo thành ổ hoại tử khiến gà đi lại có cảm giác đau đớn, ban đầu gà chỉ đi hơi cà nhắc nhưng sau gần như chỉ đi được bằng một chân.
Bệnh ké chậu ở gà không phải hiếm gặp đặc biệt là đối với những người nuôi gà chọi. Khi gà bị ké chậu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của gà. Nếu các bạn nuôi gà thịt thì những con gà bị ké chậu được xếp vào loại gà bị tật ở chân và người kỹ tính thường sẽ không mua những con gà này. Còn đối với gà chọi thì khi bị sưng củ bàn gần như là bị phế không đá đấm được gì nữa, thậm chí đạp mái cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cách trị gà bị ké chậu
Theo kinh nghiệm của những người nuôi gà thịt và những người nuôi gà chọi thì có một số cách chữa gà bị ké chậu đó là dùng vôi + mật ong, rượu + muối và cách cuối cùng là cắt bỏ phần bị viêm. Mỗi cách lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.
1. Cách trị gà bị ké chậu bằng vôi + mật ong
Theo kinh nghiệm dân gian thì dùng vôi và mật ong có thể chữa được tình trạng ké chậu ở gà. Cách làm là trộn vôi với mật ong (tỉ lệ 1:1) hoặc có thể không cần dùng mật ong nhưng nhất định phải có vôi. Loại vôi mà chúng ta dùng là loại vôi dùng để ăn trầu. Các bạn cạy lớp áp xe bên ngoài ở vùng bị ké chậu ra sau đó bôi vôi và mật ong vào, vôi sẽ ăn mòn phần bị viêm đồng thời diệt sạch vi khuẩn. Ban đầu chỗ bị viêm sẽ sưng lên nhưng duy trì làm 7 – 10 ngày khi chân hết sưng gà sẽ khỏi hẳn.
2. Cách trị gà ké chậu bằng rượu + muối
Tương tự như cách chữa trên nhưng các bạn không dùng vôi + mật ong mà dùng rượu + muối. Rượu các bạn nên chọn loại rượu trắng có nồng độ cao và phải là loại rượu đảm bảo chất lượng nếu không sẽ không có tác dụng sát trùng mà còn làm vết ké chậu bị nặng hơn. Đầu tiên bạn hòa muối với rượu sau đó cho vào bát nhỏ, nhúng chân gà vào trong ngâm một lúc khoảng 30 phút. Duy trì như vậy trong khoảng 10 – 15 ngày là gà sẽ khỏi.
3. Cách trị gà bị ké chậu bằng cách cắt bỏ phần bị viêm
Cách cắt bỏ phần bị viêm này hiệu quả nhanh hơn và trị được triệt để nhưng phải cẩn thận nếu không gà bị nhiễm trùng lại thì gần như là chân đó không đi lại được nữa. Cách làm đó là vệ sinh sát khuẩn phần chân bị ké chậu, dùng dao lam cắt hết phần bị áp xe và khoét hết ổ viêm bên trong. Dùng nước muối vệ sinh sạch khu vực vừa cắt sau đó bôi thuốc mỡ tra mắt vào để tránh bị nhiễm trùng. Dùng băng gạc quấn kín vùng chân gà vừa cắt ké chậu để tránh gà đi lại ảnh hưởng tới vết mổ. Thay băng gạc cho gà mỗi ngày 1 lần cho đến khi vết thương lành là được.
Để tránh việc gà bị nhiễm trùng các bạn có thể cho gà uống thuốc chống viêm dành cho người như thuốc anpha choay cũng rất tốt. Để tránh việc gà bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua vết mổ thì bạn cũng nên cho gà uống một số loại kháng sinh phổ rộng để đề phòng như Enrofloxacin hoặc Doxycyclin trong 3 – 5 ngày.
Như vậy, với các giải thích ở trên và cách trị gà bị ké chậu chắc các bạn cũng đã biết hướng xử lý khi gặp phải tình trạng này. Đối với các đàn gà nuôi thương phẩm thường người chăn nuôi sẽ không cần xử lý vì khá mất công. Còn đối với những người nuôi gà chọi thì nên xử lý càng sớm càng tốt nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chiến lực của các chiến kê.