Trong số các loại cây cảnh có lá màu thì cây vạn lộc là cây cảnh được rất nhiều người yêu thích. Cây vạn lộc là cây thuộc họ ráy có hai loại phổ biến ở Việt Nam là vạn lộc đỏ – cây có đốm đỏ (hồng) rất đẹp và cây vạn lộc trắng (vạn lộc xanh) – cây có các đốm trắng trên lá. Cây vạn lộc có khả năng sống tốt ở điều kiện môi trường trong nhà và cũng rất dễ trồng. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn cách trồng cây vạn lộc bằng các phương pháp khác nhau từ trong trong đất cho đến trồng thủy sinh.
- Ý nghĩa cây vạn lộc trong phong thủy
- Cây vạn lộc hợp tuổi nào
- Cây vạn lộc hợp mệnh gì
- Cách chăm sóc cây vạn lộc
- Trồng rau mồng tơi trong thùng xốp
Cách nhân giống cây vạn lộc
Cây vạn lộc có khả năng đâm rễ được ở thân và nhánh nên loại cây này được nhân giống chủ yếu bằng cách tách bụi. Cây vạn lộc khi mọc nhánh mới thì chúng ta tách nhánh (tách bụi) ra để trồng rất đơn giản. Ngoài ra, cây vạn lộc cũng có hoa nhưng thường không trồng bằng hạt.
Cách trồng cây vạn lộc trong đất
Cách trồng cây vạn lộc trong đất rất cũng rất đơn giản. Khi trồng cây các bạn chỉ cần chuẩn bị chậu trồng cây, đất trồng cây, phân bón và không thể thiếu là nhánh cây vạn lộc. Khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật liệu, các bạn chỉ cần thực hiện trồng cây như các loại cây thông thường là được:
Bước 1: Chậu cây cần có chỗ thoát nước, nếu chậu cây của bạn không có lỗ thoát nước thì bạn cần tạo lỗ thoát nước cho chậu cây để tránh cây bị úng.
Bước 2: Đất trồng cây cần tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu bạn tìm được đất trồng cây phù hợp rồi thì không sao nhưng nếu bạn không tìm được loại đất phù hợp thì có thể trộn thêm phân hữu cơ và trấu vào trong đất sẽ giúp đất thoát nước tốt hơn.
Bước 3: Đổ đất vào trong chậu trồng cây sao cho đất đầy 1/4 chậu. Đặt cây vạn lộc vào trong chậu sau đó đổ dần đất vào để lấp đầy các khoảng trống trong chậu cây. Chú ý là gốc của cây vạn lộc không được để cao hơn miệng chậu mà nên để bằng hoặc thấp hơn miệng chậu một chút.
Bước 4: Nén đất vào gốc cho chặt sau đó tưới nước cho đẫm gốc. Duy trì tưới nước đều đặn để cây vạn lộc thích ứng với điều kiện sống mới. Ban đầu cây vạn lộc có thể sẽ hơi héo nhưng chỉ một vài ngày là cây sẽ tươi lên ngay.
Một lưu ý nhỏ trong cách trồng cây vạn lộc trong đất đó là bạn có thể dùng thêm thuốc kích thích mọc rễ để cây ra rễ mới nhanh hơn. Nếu ban đầu bạn trộn phân bón với đất rồi thì sau khoảng một tháng bạn bón phân một lần là được chứ không nên bón nhiều phân cho cây. Có thể nói cây vạn lộc trồng trong đất rất đơn giản đúng không nào.
Cách trồng cây vạn lộc thủy sinh
Để trồng cây vạn lộc thủy sinh, các bạn cần chuẩn bị bình đựng nước để trồng thủy sinh, một nhánh cây vạn lộc và không thể thiếu dung dịch thủy sinh. Cách trồng cây vạn lộc thủy sinh như sau:
- Bước 1: Chọn cây vạn lộc đang để trồng thủy sinh, ưu tiên chọn những cây hoặc nhánh đang phát triển tốt, đã có bộ rễ phát triển đầy đủ.
- Bước 2: Giũ hết đất bám vào rễ cây. Bạn có thể dùng vòi nước để xịt sạch phần đất bám trên rễ nhưng cần chú ý xịt nhẹ nếu không sẽ làm hỏng luôn cả bộ rễ của cây.
- Bước 3: Tỉa hết các rễ nhỏ, rễ bị gãy, rễ bị hư thối chỉ để lại các rễ lớn khỏe mạnh.
- Bước 4: Cho cây vạn lộc vào bình thủy sinh để trồng, chú ý mực đổ vào bình chỉ được ngập tối đa 1/2 rễ cây, còn 1/2 rễ cây phải để hở lên trên không khí để tránh cây bị ngộp, úng rễ. Khi cho cây vạn lộc vào bình thủy sinh các bạn có thể dùng nắp bình để cố định cây giúp cây không bị chìm hết rễ xuống bên dưới hoặc có thể dùng đá, sỏi trang trí để chèn giúp cây giữ được vị trí trong bình, không bị ngả nghiêng.
- Bước 5: Nhỏ khoảng 2 – 3 giọt dung dịch thủy sinh vào trong nước để cây có chất dinh dưỡng phát triển. Lưu ý là thông thường chỉ nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch thủy sinh chứ không được nhỏ nhiều. Nếu nhỏ nhiều quá cây có thể gặp tình trạng lá bị mềm do hàm lượng dinh dưỡng trong nước quá cao.
Điểm lưu ý nhất khi trồng vạn lộc thủy sinh chính là việc các bạn đổ nước vào bình thủy sinh và cố định cây sao cho đẹp mắt nhất. Nếu bình thủy sinh có miệng bình nhỏ thì khi cho cây vào thường sẽ không cần phải cố định cây. Tuy nhiên, bình có miệng lớn thì bạn cần phải có biện pháp cố định để cây đứng vững không bị đổ. Thường có hai cách để cố định cây đó là dùng nắp bình chuyên dụng cho cây thủy sinh và hai là dùng sỏi để cố định phần rễ và gốc cây.
Như vậy, với cách trồng cây vạn lộc trong đất và trồng trong nước, chắc các bạn đã biết cách trồng cây vạn lộc rồi đúng không. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy để lại comment để NNO giúp bạn giải đáp sớm nhất nhé.