Cây rau muống nước hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như rau muống đỏ, rau muống tía, rau muống lá to, rau muống thả là loại rau muống rất quen thuộc được trồng ở nhiều khu vực nhất là các khu vực có nguồn nước dồi dào. Cây rau muống nước có thể trồng trên ruộng cao, ruộng trũng, ruộng ngập nước hay thậm chí thả bè trên ao hồ, sông đều được. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ trình bày về đặc điểm và cách trồng của loại rau muống này.
- Công dụng của rau muống
- Cách trồng rau muống mầm tại nhà
- Cách gieo hạt rau muống cho tỉ lệ nảy mầm cao
- Cây rau muống biển
- Nông nghiệp 4.0 là gì
Đặc điểm cây rau muống nước
Rau muống nước có thân thường to, mập với màu đỏ tía hoặc màu xanh lá. Thân cây có nhiều đốt rỗng bên trong, vị trí giữa các đốt là một lá và có thể đâm mầm, hoa hoặc rễ. Lá rau muống nước có hình mũi tên bản rộng, những lá to nhìn như hình trái tim dài. Rễ của rau muống mọc ra từ vị trí nối của các đốt trên thân nên cây rau muống có thể trồng bằng phương pháp giâm cành rất tốt. Cây rau muống nước có lá màu xanh nhưng thân thì có thể có màu đỏ, màu tía hay màu xanh lá nên nhiều người còn gọi loại rau muống này là rau muống đỏ hay rau muống tía. Do màu sắc của rau muống tía không được đẹp nên nhiều người mua rau muống thường thích chọn các loại rau muống xanh (rau muống trắng) hơn. Nếu bạn trồng cây rau muống nước thì nên chọn giống rau trắng thay vì rau đỏ sẽ tốt hơn vì khi bán sẽ được giá hơn giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Xem thêm: Cách phân biệt rau muống nước và rau muống cạn
Rau muống nước mặc dù có tên gọi như vậy nhưng cây thuộc loại bán thủy sinh nên vẫn có thể trồng trên các ruộng cao được chứ không nhất thiết phải trồng ở các ruộng ngập nước. Tất nhiên, khi trồng trên ruộng cao cần phải tưới nước đầy đủ để cây có điều kiện phát triển tốt nhất. Cây rau muống nước sở dĩ được gọi kèm với từ “nước” vì giống rau muống này nó có thể canh tác rất tốt trên mặt nước. Rất nhiều khu vực ở nước ta đều trồng rau muống nước trên mặt ao, mặt hồ hay trên mặt sông.
Cách trồng rau muống nước
Để trồng cây rau muống nước các bạn có thể áp dụng cách gieo hạt hay giâm cành đều được. Trong các bài viết trước, NNO đã giới hiệu với các bạn cách trồng rau muống bằng hạt và cách trồng rau muống bằng phương pháp giâm cành. Cả hai cách này đều khá đơn giản, các bạn có thể tham khảo thêm về cách trồng trong link sau:
Còn nếu bạn muốn trồng rau muống thả trên mặt ao, mặt sông thì có thể tham khảo phương pháp sau. Đây là phương pháp của các hộ trồng rau muống tại một khu vực chuyên canh rau muống nằm ở ngoại thành Hà Nội. Cách trồng cây rau muống nước trên mặt nước gồm những bước sau:
Bước 1: Cắt cành rau muống để trồng
Trồng rau muống trên mặt nước không dùng phương pháp gieo hạt mà phải dùng cành rau muống để trồng. Nên chọn những cành rau muống dài khoảng 50 – 60 cm là tốt nhất. Để có được cành rau muống dài như vậy thường người trồng sẽ tận dụng những ruộng trồng rau muống nước đã thu hoạch được vài lần, khi đó cây rau muống nước đã già cần trồng lại để năng suất được tốt hơn. Trước khi trồng lại người trồng sẽ để cho rau muống mọc dài để cắt cành làm rau thả (rau sơ).
Bước 2: Ủ rau muống
Sau khi cắt được cành rau muống có thể dùng lạt hoặc thân cỏ bó lại, cũng có thể không cần bó và mang đi ủ. Cách ủ là đắp đống rau muống nh đống rơm nhưng rỗng ở giữa. Các bạn có thể hiểu là xếp rau muống thành một vòng tròn ở giữa không có rau. Mỗi đống rau chỉ xếp vừa phải cao khoảng 1 – 1,5m trở xuống. Sau khi xếp đống xong dùng bạt hay chiếu cũ phủ lên trên để ủ rau muống. Thời gian ủ rau muống khoảng 2 – 3 ngày khi thấy lá rau đã chuyển sang màu vàng thì mang đi trồng.
Bước 3: Thả rau muống
Khu vực thả rau muống thường là ao, mương nước hay mặt sông. Dùng các thân cây tre buộc lại thành một khung hình vuông hoặc chữ nhật thả xuống mặt nước tạo thành các bè rau. Dùng dây hoặc đóng cọc để cố định bè rau tránh bè rau bị trôi đi khu vực khác.
Lấy cây rau muống nước đã ủ thả vào các khu vực bè rau đã chuẩn bị, không nên thả với mật độ quá dày để sau khi rau đâm mầm có không gian phát triển. Sau khi thả rau muống khoảng 5 – 7 ngày rau sẽ bắt đầu có rễ mới và nảy mầm. Sau khoảng 1 tháng kể từ khi thả là có thể thu hoạch rau.
Bước 4: Thu hoạch
Thu hoạch rau muống thả cũng giống như thu hoạch rau muống ruộng. Các bạn có thể cắt hoặc hái ngọn rau với độ dài khoảng 30cm. Độ dài này sẽ phù hợp để bó được thành một bó rau. Nếu bạn hái để ăn ngay thì có thể hái ngọn ngắn hơn để về nhà không phải nhặt lại.
Cây rau muống nước được trồng trong nước thu hoạch lần đầu thường gọi rau sơ mới hay rau sơ 1. Loại rau này thường cho chất lượng tốt nhất nên bán cũng được giá nhất. Rau muống thả sau khi thu hoạch sẽ lại đâm mầm tiếp. Lần thu hoạch thứ hai này rau muống thả được gọi là rau sơ 2. Rau sơ 2 thường không tốt bằng rau sơ mới nên giá bán rẻ hơn. Đến lứa tiếp theo thì chất lượng rau lại giảm đi và cũng có thể gọi là rau sơ 3. Rau lứa thứ 3 này chỉ có thể bán với giá tương đương rau muống ruộng. Sau lứa thứ 3 thường người trồng sẽ vớt rau lên để thả lượt rau mới chứ không trồng tiếp.
Cây rau muống nước là loại rau muống rất phổ biến được bán nhiều trên thị trường. Trước đây có nhiều thông tin về việc rau muống nước trồng ở các khu vực nhiễm bẩn nên khi ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần như vậy thường giá rau muống sẽ lên xuống rất bấp bênh ảnh hưởng không nhỏ đến những hộ chuyên canh rau muống. Vấn đề này cho tới nay thi thoảng vẫn được báo chí phản ánh nhưng không còn thường xuyên như trước. Với thực trạng đó, các bạn khi mua rau muống cũng nên chú ý mua rau ở những điểm bán hàng tin cậy hoặc có thể tự trồng rau tại nhà cũng là một phương pháp để có rau sạch ăn rất tốt.