Cây mướp đắng là loại cây dễ trồng cho nhiều trái. Rất nhiều bạn trồng mướp đắng trong thùng xốp tại nhà cho hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trồng mướp đắng gần như chẳng được ăn vì cứ ra quả thì tỉ lệ đậu thấp, quả đang lớn thì lại bị vàng sau đó thối hỏng. Thực ra vấn đề này cũng có nguyên nhân và cách khắc phục cũng cực kỳ đơn giản. Nếu bạn cũng đang gặp trường hợp mướp đắng bị vàng quả thì hãy cùng NNO tìm hiểu ngay sau đây để biết nguyên nhân và cách khắc phục trường hợp này.
- Bà bầu ăn mướp đắng được không
- Uống nước mướp đắng có tác dụng gì
- 5 Cách làm giàn khổ qua tại nhà đơn giản
- Cách trồng mướp đắng tại nhà
- Cách nhân giống cây kim ngân
Nguyên nhân mướp đắng đậu quả ít
Khi trồng mướp đắng rất nhiều bạn gặp trường hợp đậu quả kém, sau khi đậu quả lại bị vàng quả dẫn đến cả vụ cũng không được bao nhiêu trái lành lặn để ăn. Nguyên nhân của việc mướp đắng đậu quả kém thường do vấn đề thụ phấn. Mướp đắng có hoa đực và hoa cái nên khi hoa cái được thụ phấn thì mới đậu quả được. Việc thụ phấn này thường do côn trùng như ong, bướm giúp cây thụ phấn. Nếu số lượng côn trùng như ong bướm ít thì tỉ lệ thụ phấn kém. Đặc biệt là khi trời mưa dầm cả ngày, côn trùng không thể thụ phấn được vì mưa nên khoảng thời gian đó gần như các hoa cái sẽ không đậu quả được.
Để khắc phục tình trạng mướp đắng đậu quả ít thì các bạn hãy thụ phấn cho cây sẽ giúp tăng tỉ lệ đậu trái. Cách thụ phấn cũng rất đơn giản, bạn hãy ngắt hoa đực, bỏ hết cánh hoa rồi dí phần nhụy hoa vào nhụy của hoa cái vài lần cho phấn hoa dính vào hoa cái là được. Trường hợp bạn thấy có ít hoa đực thì có thể ngắt hoa khi còn tươi sau đó cho vào túi nilon, buộc kín cho vào tủ lạnh, khi cần thụ phấn cho cây thì mang ra.
Nguyên nhân mướp đắng bị vàng quả
1. Do côn trùng chích hút: Khi trồng mướp đắng, tình trạng trái mướp đắng đang lớn thì một phần quả chuyển sang màu vàng rồi thối. Bạn bẻ quả mướp đắng ra sẽ thấy bên trong có nhộng và quả đã hư thối. Tình trạng này không phải hiếm gặp và nguyên nhân chính là do ruồi vàng đục trái gây ra. Khi quả mướp đắng mới đậu quả hoặc thậm chí chưa đậu quả có thể bị ruồi vàng đục trái đẻ trứng bên trong. Khi quả lớn cũng là lúc trứng nở và bắt đầu ăn rỗng bên trong quả khiến quả bị vàng, thối.
2. Do nấm: Ngoài trường hợp cây bị vàng lá do ruồi đục trái thì vẫn có trường hợp cây bị vàng đầu trái, thối đầu trái non. Trường hợp này có thể do bị nấm gây ra.
3. Do dinh dưỡng không cân đối: một trường hợp khác khiến cây bị vàng quả thối quả ở khổ qua còn có thể do việc bón phân khiến thành phần dinh dưỡng không cân đối làm mướp đắng bị vàng quả.
Một trường hợp vàng quả khác các bạn cũng nên phân biệt với trường hợp bị ruồi vàng đục trái đó là do quả mướp đắng đã già và bắt đầu chín. Khi quả sắp chín sẽ đổi màu dần sang màu vàng và khi chín hẳn thường sẽ có màu đỏ tươi.
Cách khắc phục mướp đắng bị vàng quả
Để khắc phục mướp đắng bị vàng quả các bạn cần căn cứ theo nguyên nhân gây bệnh. Đối với côn trùng chích hút có 2 cách chính, một là dùng túi bọc quả, hai là dùng bẫy ruồi vàng. Để trị nấm cần phải dùng các loại thuốc đặc trị nấm phun cho cây. Về vấn đề dinh dưỡng mất cân đối, các bạn nên xem lại các loại phân đã bón cho cây để cân đối dinh dưỡng.
1. Khắc phục côn trùng chích hút
Cách 1: Dùng túi bọc mướp đắng
Để tránh mướp đắng bị vàng quả do bị ruồi đục trái thì các bạn có thể dùng túi bọc quả lại khiến cho ruồi không bám được vào quả và không đục được trái. Đơn giản nhất là bạn dùng túi nilon, sau khi thụ phấn cho hoa thì bạn hãy bọc ngay quả vào, làm như vậy sẽ giúp ruồi vàng không có cơ hội đục trái. Bạn cũng có thể dùng các loại túi lưới chuyên dụng để bọc trái thay cho túi nilon sẽ tốt hơn nhưng chi phí sẽ tốn kém hơn.
Ưu điểm của cách này là dễ làm, tốn ít chi phí. Nhược điểm là nếu bạn trồng mướp đắng để bán thì không nên áp dụng vì số lượng quả nhiều dẫn đến việc bọc quả sẽ bị sót và tốn nhiều chi phí cho nilon.
Cách 2: Dùng bẫy ruồi vàng
Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại bẫy ruồi vàng. Loại bẫy này có một chất dẫn dụ ruồi vàng, khi ruồi vàng chui vào trong bẫy thì sẽ không thể ra được nữa. Mỗi chiếc bẫy có thể đặt cho một khu vực rộng khoảng 100 m2, tức là bạn có thể treo bẫy ruồi vàng lên trên giàn, mỗi bẫy cách nhau khoảng 10 mét. Sau khoảng 30 ngày các bạn lại thay chất dẫn dụ ruồi một lần.
Ưu điểm của cách này là có thể áp dụng được cho khu vực rộng mà không tốn nhiều công sức. Nếu bạn trồng mướp đắng ở khu vực rộng 1000 m2 thì cũng chỉ cần khoảng 10 chiếc bẫy như vậy là ok. Nhược điểm của cách này là bạn sẽ mất chi phí ban đầu để mua bẫy cũng như mua chất dẫn dụ ruồi. Khi sử dụng bẫy vẫn không thể đảm bảo 100% quả không bị ruồi đục thân mà chỉ hạn chế được đáng kể tình trạng này.
2. Khắc phục nấm bệnh làm vàng quả
Nếu xác định được trái khổ qua bị vàng do nấm thì các bạn có thể dùng một trong các thuốc như Mancozeb, Metalaxyl, Fosetyl Aluminum, Cymoxanil phun cho cây theo đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Sau khoảng 5 – 7 ngày thấy bênh không có dấu hiệu lây lan làm vàng trái thì ngừng sử dụng thuốc.
Chú ý: những quả bị nấm nên thu gom và tiêu hủy để tránh mầm bệnh lây lan.
3. Khắc phục mướp đắng bị vàng quả do dinh dưỡng không cân đối
Trường hợp này các bạn nên kiểm tra lại quá trình làm đất, bón phân để tìm ra cụ thể tại sao cây bị mất cân đối dinh dưỡng. Thường trường hợp này do đất cằn cỗi và quá trình bón phân không hợp lý dẫn đến cây không đủ dinh dưỡng để phát triển. Vậy nên, bạn chỉ cần chú ý bón phân đầy đủ kết hợp cả phân hữu cơ và vô cơ sẽ giúp cây không bị vàng trái.
Với những nguyên nhân và cách khắc phục mướp đắng bị vàng quả ở trên, chúc các bạn khắc phục được tình trạng mướp đắng bị vàng quả. Nếu bạn còn thắc mắc về tình trạng này, hãy để lại comment để được NNO giải đáp cụ thể hơn.