Trồng ớt trong thùng xốp chắc không còn xa lạ gì với mọi người vì có rất nhiều chị em trồng ớt trong thùng xốp rồi. Nếu bạn cũng đang muốn trồng ớt trong thùng xốp thì ok thôi, cách trồng rất đơn giản và không hề khó. Tất nhiên, các bạn cũng nên xem qua cách trồng ớt trong thùng xốp vì có một số vấn đề liên quan đến phân bón cũng như sâu bệnh bạn nên biết để giúp cây cho nhiều trái và thu hoạch được lâu.
- Cây ớt bị vàng lá do đâu
- Máy sấy ớt khô
- Tác hại của ớt
- Các loại ớt phổ biến hiện nay
- Khổ qua bị vàng lá
Cách trồng ớt trong thùng xốp
Cũng như trồng giống như trồng rau trong thùng xốp, cách trồng ớt trong thùng xốp không hề khó nhưng cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến cây ớt trước khi trồng:
- Không nên trồng ớt trong 1 thùng xốp từ vụ này sang vụ khác. Nếu trồng như vậy cây dễ bị nhiễm bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Lời khuyên từ các chuyên gia là không nên trồng chuyên canh các cây họ cà (ớt, cà chua, cà tím) trên cùng một ô đất.
- Trồng ớt có thể trồng quanh năm nhưng thời tiết lạnh cây sẽ không phát triển được. Do đó bạn nên tránh trồng ớt vào thời điểm rét đậm rét hại trong năm. Các bạn có thể tham khảo bài viết Trồng ớt vào tháng mấy để thời gian trồng cụ thể.
- Khi làm đất có thể dùng vôi bột hoặc không nhưng hãy cố gắng sử dụng vôi bột để khử trùng đất và tăng canxi cho đất. Ớt nếu thiếu canxi có thể sẽ bị rụng hoa và bệnh thối đít trái nên cần bổ sung canxi ngay từ khi mới làm đất cho cây.
Sau khi xem một vài lưu ý ở trên và không thấy có vấn đề gì thì bạn có thể bắt tay vào trồng ớt được rồi. Cách trồng ớt trong thùng xốp các bạn làm như sau:
1. Chuẩn bị nguyên vật liệu
Trước khi đi vào cách trồng ớt trong thùng xốp các bạn cần chuẩn bị một số nguyên vật liệu sau:
- Hạt ớt: nên mua hạt ớt giống từ các đơn vị bán hạt giống F1 uy tín hoặc bạn cũng có thể mua cây con để có thể trồng ngay mà không cần ươm hạt.
- Đất trồng: đất tơi xốp không bị bạc màu
- Thùng xốp: chọn loại thùng to để cây có không gian phát triển. Đục các lỗ xung quanh thùng xốp để làm vị trí thoát nước cho thùng xốp.
- Một vài thanh tre nứa dài 80 – 100 cm dùng để chống đỡ cho cây không bị đổ
- Phân bón: nên có phân hữu cơ ủ hoai mục, phân trùn quế và cả phân vô cơ như phân đạm, phân lân, phân kali hoặc phân NPK.
- Vôi bột: dùng để bón vào đất giúp diệt các mầm bệnh, tăng độ PH và tăng hàm lượng canxi trong đất.
2. Làm đất
Đất trồng các bạn trộn với một hai nắm vôi bột sau đó dàn mỏng và phơi cho thật khô. Việc phơi đất dưới nắng sẽ giúp diệt sạch các mầm bệnh có trong đất vì trong ánh nắng có tia UV giúp tiêu diệt nấm mốc. Khi đất đã khô nếu đất tạo thành các cục cứng thì bạn đập tơi đất ra để chuẩn bị bón lót.
Trộn đất với phân hữu cơ ủ hoai mục (hoặc phân trùn quế) với tỉ lệ 4 phần đất 1 phần phân hữu cơ. Khi trộn đất các bạn có thể dùng vỏ trứng giã nhỏ để trộn cùng đất. Việc dùng vỏ trứng giã nhỏ cũng giúp tăng canxi cho đất và bạn sẽ không phải bón bổ sung canxi cho đất khi bón phân nữa. Sau khi trộn đất xong các bạn đổ đất vào trong thùng xốp đã chuẩn bị từ trước để chuẩn bị trồng ớt.
3. Ươm hạt ớt
Hạt ớt các bạn ngâm trong nước ấm 30 phút (pha nước tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh). Dùng giấy ăn gói hạt ớt vừa ngâm vào sau đó nhúng xuống nước. Dùng tay bóp nhẹ giấy ăn để giấy ăn ráo bớt nước sau đó đặt giấy ăn có hạt ớt bên trong vào một bát nhỏ. Khi thấy giấy ăn tương đối khô thì cho thêm một chút nước để duy trì độ ẩm, 3 – 4 ngày sau hạt ớt sẽ nảy mầm.
Xem thêm: Cách ươm hạt ớt
Khi hạt ớt đã nảy mầm, các bạn có thể ươm vào trong bầu ươm. Nhiều bạn trồng cây tại nhà sẽ không có bầu ươm nên có thể trồng luôn vào trong thùng xốp. Bạn chỉ cần đặt hạt ở vị trí cần trồng sau đó phủ một lớp đất mỏng khoảng 1cm lên trên. Tưới nước 2 lần vào sáng và chiều để giữ ẩm cho hạt phát triển tốt hơn.
4. Trồng ớt, cắt ngọn, tỉa nhánh
Tưới nước: duy trì tưới nước cho cây ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu trời mưa thì không nên tưới cho cây nữa. Chú ý việc thoát nước cho thùng xốp, nếu thấy thùng khó thoát nước thì cần phải đục thêm lỗ thoát nước để đảm bảo đất không bị úng nước sẽ khiến các mầm bệnh trong đất phát triển.
Ngắt ngọn: Sau khi trồng ớt vào trong thùng xốp cây sẽ phát triển lớn dần. Khi cây lên cao khoảng 30cm thì bạn cần phải ngắt ngọn chính của cây để cây ra nhánh. Nếu bạn không ngắt ngọn cây sẽ cao mãi và không ra nhánh, khi có hoa thì chỉ có hoa ở trên ngọn chính và có rất ít quả. Ngắt ngọn sẽ giúp ra nhánh và có nhiều quả hơn. Các bạn có thể tham khảo bài viết Cách ngắt ngọn ớt để biết cách ngắt cụ thể hơn.
Tỉa nhánh: Sau khi ngắt ngọn ớt, các nhánh sẽ phát triển khá nhanh. Bạn chọn khoảng 2 – 3 nhánh to mập để làm nhánh chính, các nhánh khác ở nách lá các bạn ngắt hết đi để các nhánh chính này phát triển. Sau này nếu thấy các nhánh ở gốc mọc thêm thì các bạn cũng phải ngắt hết để cây thoáng gốc và tập trung dinh dưỡng phát triển nhánh bên trên.
Làm giàn: cây ớt thân cũng khá mềm nên các bạn có thể dùng que chống để chống đỡ cây giúp cây không bị đổ khi có gió to. Thường trồng trong thùng xốp thì bạn không phải căng giàn nhưng nêu muốn bạn vẫn có thể làm giàn cho ớt như cách làm giàn cà chua giúp cây đứng vững hơn.
5. Bón phân cho cây
Khi trồng ớt các bạn cần phải bón phân định kỳ cho cây khi cây được khoảng 20 ngày tuổi, khi cây bắt đầu ra hoa và sau khi thu hoạch. Các bạn nên lưu ý nên bón phân hữu cơ ủ hoai mục, phân vi sinh và phân trùn quế cho cây là tốt nhất. Bón bổ sung phân lân và kali để giúp cây tăng sức đề kháng, không nên bón nhiều phân đạm cho cây.
6. Thu hoạch ớt và cắt tỉa cành
Sau khi ớt bắt đầu đậu quả thì khoảng 30 ngày sau có thể thu hoạch ớt. Ớt trên cây sẽ chín dần nên các bạn có thể đợi một hai ngày thu hoạch một lần. Sau khi thu hoạch hết ớt trên cây các bạn cần cắt tỉa cành. Nếu bạn không cắt tỉa cành thì các cành này vẫn cho quả nhưng chất lượng và số lượng quả sẽ ít.
Để tỉa cành, các bạn hãy tìm tới điểm phân cành ở các nhánh chính sau đó cắt cao hơn khoảng 5cm từ điểm phân cành này. Tỉa hết các lá còn sót trên cành để cây ra mầm mới. Có thể nói là các ban cắt tỉa trụi hết các cành nhánh nhỏ, chỉ giữ lại các cành nhánh to gần gốc để cây ra nhánh mới, làm vậy lứa quả tiếp theo sẽ lại sai trĩu như lứa quả đầu tiên.
Xem thêm: Thời gian sinh trưởng của cây ớt
7. Phòng trừ sâu bệnh hại cây
Cây ớt khi trồng có thể gặp sâu bệnh phá hoại. Do trồng trong thùng xốp nên nếu có sâu ăn lá hay sâu đục trái thì cố gắng tự bắt sâu là được. Nếu cây có rệp thì pha nước rửa bát loãng loãng rồi phun lá làm nhiều lần cây sẽ hết rệp. Ớt bị thối quả hoặc ớt bị đốm lá có thể do bệnh thán thư – một bệnh do nấm gây ra. Nếu dùng thuốc thì bạn có thể mua thuốc về phun hoặc nếu không muốn dùng thuốc thì hãy cắ trụi hết các cành lá trên cây và dọn sạch cành lá đó đi tiêu hủy, cây ra nhánh mới sẽ hết bệnh.
Xem thêm: Các loại bệnh thường gặp ở cây ớt
Ngoài ra, có một vài trường hợp bị nhiễm nấm khá nặng làm cây bị thối rễ thối gốc. Nấm này bắt nguồn từ đất nên việc diệt nấm mà không dùng đến thuốc là rất khó khăn. Kể cả dùng thuốc thì việc diệt nấm và phục hồi lại cây cũng sẽ mất thời gian. Cách tốt nhất là bạn nên nhổ bỏ cây để trồng cây khác. Chú ý là đất trồng cây đó đã có mầm bệnh nên bạn phải thay đất mới, rắc vôi bột vào trong thùng xốp để khử trùng trước khi trồng lại cây mới.
Với cách trồng ớt trong thùng xốp vừa nêu trên, chúc các bạn thành công và có ớt ăn quanh năm.