Trong các bài viết trước, NNO cũng đã giới thiệu với các bạn cách làm giàn cho một số loại cây dây leo như đậu đũa, đậu cove hay mồng tơi. Tuy nhiên, nếu bạn trồng bầu bí, lặc lè hay mướp đắng thì bạn lại cần làm giàn khác một chút so với giàn đậu đũa.Trong bài viết này, NNO sẽ gợi ý 5 cách làm giàn khổ qua tại nhà đơn giản để các bạn có thể tự làm giàn trồng khổ qua tại nhà.
- Cách trồng mướp đắng
- Trái khổ qua tiếng anh là gì
- Mướp đắng sấy khô có tác dụng gì
- Mướp đắng rừng là gì
- Cách trồng cây dương xỉ
5 Cách làm giàn khổ qua tại nhà đơn giản
1. Dùng lưới dây để làm giàn khổ qua
Để làm giàn khổ qua có một cách đơn giản là bạn dùng lưới chăng lên để làm giàn. Lưới này có thể là bất kỳ loại lưới nào từ lưới lành cho đến lưới rách đều được. Chỉ cần khổ qua bám được vào lưới thì sẽ phát triển được mà không cần phải quá quan trọng lưới đó làm bằng gì.
Ưu điểm của cách làm giàn mướp đắng bằng lưới là tận dụng được vật liệu lưới sẵn có, không tốn tiền mua vật liệu. Nhược điểm là chất lượng giàn không được tốt, giàn kiểu này thường chỉ trụ được một mùa là hỏng phải làm lại.
2. Dùng lưới thép để làm giàn mướp đắng
Thay vì tận dụng các loại lưới ở nhà thì bạn cũng có thể dùng lưới thép có mắt rộng để làm giàn cho mướp đắng. Lưới thép này bạn cần phải có vị trí buộc chắc chắn để có thể giữ được lưới thép cố định. Ưu điểm của việc dùng lưới thép này là chắc chắn, độ bền cao hơn lưới dây rất nhiều, nếu gia cố chắc chắn có thể dùng được vài năm thậm chí chục năm cũng không hỏng. Nhược điểm đương nhiên là tốn kém chi phí và việc cố định lưới đó lên trên cao cũng không phải dễ dàng.
3. Dùng dây thép để làm giàn khổ qua
Cách làm giàn khổ qua bằng dây thép là cách được sử dụng rất phổ biến để làm giàn. Cách này chắc không phải nói nhiều vì ai cũng biết rồi. Bạn dùng các cuộn dây thép dài sau đó buộc vào các vị trí chắc chắn như cột, cây hay tường tạo thành một khung. Dùng tiếp dây thép căng ngang và căng dọc đan với nhau để tạo thành giàn. Cách làm này cũng gần như bạn đan một lưới thép để làm giàn cho mướp đắng.
Ưu điểm của cách làm này là việc cố định giàn và kích thước giàn có thể điều chỉnh dễ dàng. Cách làm giàn dạng này cũng đơn giản và ai nhìn qua là cũng làm được ngay. Độ bền của giàn loại này cũng rất tốt và dễ dàng gia cố, cơi nơi khi cần thiết. Nhược điểm của kiểu giàn này là vẫn cần có các vị trí chắc chắn để căng dây và khi thực hiện căng dây làm giàn cũng cần tính toán nếu không giàn rất dễ bị trùng.
4. Dùng sào tre để làm giàn mướp đắng
Một cách truyền thống hơn cả cách dùng dây thép làm giàn đó chính là dùng sào tre để làm giàn. Bạn chẻ sào tre ra làm các thanh dài sau đó làm các trụ để tạo thành một khung. Dùng dây thép nhỏ buộc các thanh sào tre đan lại với nhau để tạo thành một giàn mướp đắng hoàn chỉnh.
Ưu điểm của cách làm này là giàn cũng khá chắc chắn và không bị trùng (bị võng) khi giàn nặng. Nhược điểm là độ bền của giàn cũng không cao, nếu sào tre không tốt thì chỉ vài vụ trồng là bạn lại phải làm lại giàn mới.
5. Tận dụng địa thế có sẵn để … không cần làm giàn
Mướp đắng chỉ cần có chỗ leo thì cây có thể phát triển tốt, thậm chí nếu có đủ diện tích thì bạn có thể cho mướp đắng bò trên mặt đất cũng được. Do vậy, nếu bạn có địa thế phù hợp thì có thể tận dụng để cho mướp đắng leo mà không cần giàn. Nếu khu đồng rộng bạn có thể trồng mướp đắng bò trên đất mà không cần giàn, nếu có cây ăn quả lâu năm bạn cũng có thể cho mướp đắng leo lên cây hoặc cho mướp đắng leo lên hàng rào cũng là một cách để không phải làm giàn.
Với 5 gợi ý về cách làm giàn khổ qua tại nhà, chúc các bạn có thể tự chọn được một cách làm phù hợp. Nếu bạn sống ở thành phố muốn làm giàn trên sân thượng thì nên dùng dây thép để làm giàn. Nếu bạn ở khu vực nông thôn có đất rộng thì có thể tận dụng sào tre để làm giàn cũng rất tốt và tiết kiệm chi phí.