Nhiều bạn ấp trứng chim cút bằng máy thấy không hiệu quả thường sẽ tìm hiểu nguyên nhân và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ấp không hiệu quả là do nhiệt độ. Vậy nhiệt độ ấp trứng chim cút bằng máy bao nhiêu là chuẩn. Hãy cùng NNO tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Nhiệt độ ấp trứng chim cút bằng máy
Nhiệt độ ấp trứng chim cút bằng máy được các nhà sản xuất khuyến cáo để mức 37.3 độ C. Mức nhiệt này được áp dụng khá phổ biến và là mức nhiệt chung để ấp trứng chim cút hiện nay. Tuy nhiên, không phải ấp trứng cút cứ để 37.3 độ ấp là sẽ tốt mà còn phải điều chỉnh ít nhiều để trứng nở tốt. Ví dụ mức nhiệt 37.3 là mức nhiệt chuẩn, nhưng trứng nhà bạn to hơn bình thường thì cần nhiều nhiệt hơn một chút mới nở tốt, ngược lại trứng quả nhỏ thì mức 37.3 cũng nở tốt rồi. Ngoài ra, trứng vỏ dày cũng cần nhiệt cao hơn, trứng vỏ mỏng lại cần nhiệt ít hơn. Vì thế nhiệt độ ấp trứng chim cút là 37.3 chỉ là mức chuẩn để tham khảo cài đặt ban đầu, thực tế cài đặt bao nhiêu còn tùy vào trứng bạn ấp, phụ thuộc vào cả thời tiết và loại máy ấp bạn đang dùng.
Cài đặt như thế nào cho chuẩn
Để cài đặt nhiệt độ ấp trứng chim cút cho chuẩn, các bạn căn cứ vào ngày nở. Chỉ cần trứng cút nở đúng ngày thì tỉ lệ nở sẽ cao. Theo các nghiên cứu thì trứng cút nở vào ngày 17 là chuẩn nhất, thực tế trứng có thể nở vào khoảng ngày 16 đến ngày 18 là đẹp. Còn việc điều chỉnh nhiệt độ để trứng nở vào đúng ba ngày 16, 17, 18 thì cũng không khó. Bạn cứ căn cứ vào 3 nguyên tắc sau:
- Thứ nhất: cài đặt nhiệt độ ấp trứng chuẩn ban đầu là 37.3 độ C. Ấp trứng đúng theo hướng dẫn sử dụng đi kèm máy.
- Thứ hai: tăng nhiệt độ phôi trứng sẽ phát triển nhanh hơn, trứng nở sớm hơn và ngược lại. Nếu bạn giảm nhiệt độ phôi trứng sẽ phát triển chậm hơn, trứng nở muộn hơn. Mỗi lần tăng giảm nhiệt chỉ tăng giảm 0,1 – 0,2 độ C.
- Thứ ba: nhiệt độ ấp cao quá trứng có thể bị chết phôi do nóng. Nhiệt độ thấp quá phôi trứng không phát triển tiếp và có thể bị chết phôi sau khoảng 1 ngày bị như vậy.
Xem thêm: Trứng cút ấp bao nhiêu ngày thì nở
Với 3 nguyên tắc trên bạn có thể áp dụng để tăng giảm giúp trứng cút nở đúng ngày. Sau khi đã điều chỉnh nhiệt độ ấp trứng chim cút để trứng nở đúng ngày bạn giữ nguyên mức nhiệt đã điều chỉnh để ấp cho những lần sau. Ví dụ để các bạn dễ hiểu:
Ngày ấp thứ 14:
Nếu trứng đã có dấu hiệu mổ vỏ, khả năng trứng sẽ nở hoàn toàn vào ngày 15. Như vậy là nở sớm và bạn cần giảm nhiệt độ ấp xuống 0,1 – 0,2 độ C để trứng nở chậm hơn (nở vào ngày 16). Nếu trứng chưa có dấu hiệu nở vào ngày này bạn theo dõi tiếp vào ngày hôm sau.
Ngày ấp thứ 15:
Nếu ngày ấp thứ 15 trứng có dấu hiệu mổ vỏ thì khả năng trứng nở hoàn toàn vào ngày 16 và vẫn tính là nở đúng ngày. Nếu ngày 15 trứng chưa có dấu hiệu nở thì bạn cần soi trứng để xem tình trạng trứng thế nào. Nếu thấy túi khí ở đầu to của trứng mở rộng tức là trứng sắp nở (thường hôm sau sẽ mổ vỏ). Lúc này bạn không cần làm gì mà chỉ đợi ngày hôm sau theo dõi tiếp.
Nhưng nếu trứng ngày 15 chưa thấy có dấu hiệu nở, bạn có thể cân nhắc tăng nhiệt độ ấp thêm 0,1 độ C để trứng có thêm nhiệt phát triển và tránh tình trạng trứng bị nở muộn.
Ngày ấp thứ 16:
Nếu ngày ấp thứ 16 trứng có dấu hiệu mổ vỏ, trứng sẽ nở hoàn toàn vào ngày 17 rất tốt. Nếu ngày ấp thứ 16 mà trứng chưa có dấu hiệu gì bạn lại soi trứng tiếp xem có dấu hiệu nở chưa. Nếu có dấu hiệu nở rồi thì để nguyên theo dõi tiếp, nếu chưa có dấu hiệu nở bạn lại tăng nhiệt độ thêm 0,1 độ C.
Ngày ấp thứ 17:
Ngày 17 bạn theo dõi và xử lý giống ngày 16, tức là nếu trứng có dấu hiệu mổ vỏ thì để nguyên cho trứng nở tiếp. Nếu chưa có dấu hiệu gì thì lại soi trứng để xem có dấu hiệu nở chưa. Nếu có dấu hiệu nở rồi thì để nguyên theo dõi tiếp, nếu chưa có dấu hiệu nở bạn lại tăng nhiệt độ thêm 0,1 độ C.
Ngày ấp thứ 18:
Thường bạn xử lý từ những ngày trước thì đến ngày 18 chắc chắn trứng sẽ phải nở rồi hoặc ít nhất cũng phải mổ vỏ rồi. Tất nhiên, vẫn có trường hợp như trời lạnh mà bạn ấp dù đã tăng nhiệt nhưng trứng vẫn chưa nở được. Đến ngày 18 nếu trứng mổ vỏ thì bạn để nguyên cho trứng nở tiếp (nở hoàn toàn ngày 19). Nếu trứng chưa có dấu hiệu mổ vỏ thì lại soi trứng như những ngày trước, nếu trứng có dấu hiệu nở thì tăng nhiệt độ ấp thêm 0,1 độ, nếu trứng chưa có dấu hiệu nở mạnh dạn tăng nhiệt độ ấp thêm 0,2 độ.
Ngày ấp thứ 19:
Ngày 19 nếu trứng nở thì cũng hơi muộn nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu trứng chưa nở thì tới ngày này bạn cân nhắc tăng nhiệt độ ấp thêm 0,1 – 0,2 độ để kích thích trứng nở. Những ngày sau tiếp tục theo dõi nhưng không tăng nhiệt nữa vì bạn đã tăng tương đối nhiều (tăng nữa trứng nóng quá có thể chết phôi).
Sau khi điều chỉnh nhiệt độ ấp trứng chim cút và thấy trứng nở được tốt, bạn để nguyên mức nhiệt này cho những mẻ ấp trứng cút lần sau. Nhiệt độ cuối cùng mà bạn để này là nhiệt độ chuẩn để ấp trứng cút.