Ấp trứng bằng máy hiện nay không còn xa lạ gì với nhiều hộ chăn nuôi. Tuy nhiên làm sao để ấp cho hiệu quả tốt với tỉ lệ nở cao thì cần phải có kinh nghiệm ấp và cũng cần một chiếc máy ấp tốt. Bài viết này NNO sẽ chia sẻ với các bạn về cách ấp trứng chim cút bằng máy cho tỉ lệ nở cao.
Cách ấp trứng chim cút bằng máy cho tỉ lệ nở cao
Để ấp trứng chim cút cho tỉ lệ nở cao đầu tiên các bạn cần phải mua được một máy ấp trứng. Sau khi đã có máy ấp, các bạn tiến hành ấp theo đúng hướng dẫn và rút kinh nghiệm sau mỗi lần ấp để tăng tỉ lệ nở của trứng. Trứng cút là loại trứng ấp khá dễ cho tỉ lệ nở trên 90% nếu bạn ấp đúng cách. Sau đây là cách ấp trứng chim cút bằng máy giúp bạn tăng tỉ lệ nở một cách dễ dàng.
1. Chọn máy ấp trứng và kiểm tra trước khi ấp
Khi ấp trứng bằng máy các bạn cần phải chọn mua một máy ấp trứng chim cút có chất lượng tốt một chút. Lời khuyên là bạn nên chọn các dòng máy ấp đã được lắp đặt sẵn, bạn về chỉ cần cắm điện là dùng được ngay. Sở dĩ NNO khuyên các bạn như vậy là vì các máy ấp trứng tự chế mua về tự lắp ráp thường không ổn định. Chỉ cần các bạn lắp hơi lệch vị trí hay lắp vị trí cảm biến không đúng sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi ấp. Vậy nên để hạn chế tối đa tình trạng này bạn nên mua máy đã lắp đặt sẵn là tốt nhất.
Sau khi đã có máy ấp trứng, bạn cũng cần kiểm tra lại hoạt động của máy đảm bảo máy hoạt động tốt các chức năng và nhiệt độ ấp ổn định. Về chức năng của máy, bạn có thể kiểm tra khá dễ dàng thông qua các nút bấm trên bảng điều khiển. Còn về nhiệt độ trong máy, bạn có thể dùng nhiệt kế thủy ngân để đo xem nhiệt độ ở các vị trí trên khay có bị chênh lệch nhiều không. Nếu nhiệt độ ở các vị trí trên khay ấp chênh lệch không quá 0,5 độ C thì không vấn đề gì. Nếu chênh lệch nhiều quá bạn cần hỏi lại phía nhà sản xuất để đảm bảo máy ấp không bị lỗi lầm gì.
2. Làm theo sách hướng dẫn sử dụng đi kèm máy
Sách hướng dẫn sử dụng đi kèm máy ấp là cách ấp chuẩn cho dòng máy đó. Bạn hãy nghiêm túc đọc hết mọi thứ trong sách hướng dẫn sử dụng và làm theo các bước đừng bỏ sót bất kỳ bước nào. Lời khuyên này có vẻ hơi thừa nhưng thực tế là những ai nghiên cứu kỹ hướng dẫn sử dụng máy thường sẽ có kết quả ấp rất tốt. Trong sách hướng dẫn sử dụng thường sẽ hướng dẫn rất chi tiết về cách chọn trứng cho vào ấp. Cách cài đặt nhiệt độ ấp, cách soi trứng, cách xử lý khi trứng nở sớm nở muộn, …
3. Soi trứng định kỳ
Khi ấp trứng bằng máy, nếu bạn ấp đạt tỉ lệ nở cao thì chúc mừng bạn đã ấp thành công. Nhưng nếu bạn ấp mà tỉ lệ nở chưa cao thì bạn cần hỏi lại nhà sản xuất máy ấp để được tư vấn cụ thể hơn về cách điều chỉnh máy sao cho tỉ lệ nở tốt hơn. Lúc này, nhà sản xuất cần biết bạn đã ấp thế nào và trong quá trình ấp tình trạng trứng ra sao. Đây là lý do bạn cần phải soi trứng định kỳ để biết tình trạng trứng giúp nhà sản xuất tư vấn cho bạn được chính xác hơn. Với trứng chim cút, các bạn soi trứng theo 3 đợt. Đợt đầu tiên soi lúc ấp được 5 – 7 ngày để kiểm tra trứng có phôi hay không (quả nào không có phôi hay bị nứt vỏ loại ra). Soi trứng đợt thứ hai vào ngày ấp thứ 12 – 13 để xem tình trạng trứng có phát triển bình thường hay không, có dấu hiệu gì bất thường không. Cuối cùng soi trứng đợt thứ 3 vào ngày 16 để kiểm tra trứng đã có dấu hiệu nở hay chưa, trứng nở sớm hay sẽ nở muộn để có thể điều chỉnh máy ấp giúp trứng nở tốt hơn.
Việc soi trứng vào sát ngày nở rất quan trọng không thể bỏ qua, khi soi trứng vào ngày này bạn sẽ biết trứng có dấu hiệu nở hay chưa. Nếu chưa có dấu hiệu nở, bạn cần điều chỉnh máy ấp để trứng nở nhanh hơn. Nếu trứng đã có dấu hiệu nở thì để nguyên đợi trứng nở. Nhiều bạn ấp trứng cút không soi trứng vào sát ngày nở nên không biết tình trạng trứng cuối cùng để quá ngày nở vẫn chưa thấy trứng nở mới gọi điện cho nhà sản xuất hỏi. Lúc này đã qua thời điểm mấu chốt để điều chỉnh máy nên gần như không cứu được mẻ trứng đó nữa.
4. Điều chỉnh máy ấp
Như vừa nói trên, các bạn soi trứng để biết tình trạng trứng và căn cứ vào tình trạng trứng đó có thể sẽ phải điều chỉnh máy ấp để trứng nở tốt hơn. Cách điều chỉnh các bạn có thể căn cứ theo ngày nở chuẩn của trứng cút. Trứng cút có ngày nở chuẩn là ngày 17, trứng nở vào khoảng ngày 16 – 18 là bình thường. Trứng nở trước ngày 16 là nở sớm, trứng nở sau ngày 18 là nở muộn. Để tránh tình trạng nở sớm nở muộn các bạn điều chỉnh máy như sau:
- Nếu trứng nở trước ngày 16 tức là trứng đang bị thừa nhiệt, hãy giảm bớt nhiệt độ ấp của máy xuống 0,1 – 0,2 độ C để trứng nở đúng ngày. Trứng nở sớm phôi phát triển chưa đủ ngày con nở ra có thể bị chết ngay hoặc bị tỉ lệ dị tật cao.
- Nếu trứng nở trong ngày 16 – 18 là bình thường không cần điều chỉnh thêm. Tất nhiên, tốt nhất vẫn là để trứng mổ vỏ ngày 16 nở ngày 17 là đẹp nhất.
- Nếu trứng ngày 16 chưa có dấu hiệu nở, bạn soi trứng thấy túi khí ở đầu to của trứng chưa mở rộng thì cần tăng nhiệt lên thêm 0,1 – 0,2 độ C để trứng nở nhanh hơn nếu không sẽ bị nở muộn. Trứng nở muộn phôi trứng thường yếu, con nở ra còi và khó nuôi.
5. Rút kinh nghiệm sau mỗi lần ấp
Sua khi đã ấp xong mẻ trứng đầu tiên, bạn cũng đã biết cách ấp và cách điều chỉnh nhiệt cho máy ấp. Lần ấp sau bạn hãy để nhiệt độ đã điều chỉnh để ấp tiếp và cũng phải theo dõi sát trong những ngày trứng gần nở để có thể điều chỉnh kịp thời. Chỉ cần bạn lưu ý một chút và rút kinh nghiệm của lần ấp trước thì sau 2 3 lần ấp chắc chắn tỉ lệ ấp nở sẽ cao lên đáng kể.
Với các thông tin trên, có thể thấy ngay cách ấp trứng chim cút bằng máy cho tỉ lệ nở cao cũng không có gì khó khăn. Cái chính là bạn cần phải hiểu cách ấp, theo dõi trứng để điều chỉnh máy ấp và rút kinh nghiệm sau mỗi lần ấp. Thực hiện đúng các bước trên các bạn sẽ tăng dần được tỉ lệ ấp nở lên cao 80 – 90% chỉ sau 2 – 3 lần ấp.