logo vui cười lên

Nhiệt độ úm gà con theo từng giai đoạn, lưu ý mùa hè, mùa đông


Trong kỹ thuật úm gà con, các bạn cần chú ý tới các vấn đề chính như làm chuồng úm, nhiệt độ úm, mật độ úm, thời gian chiếu sáng, thức ăn, nước uống và phòng bệnh cho gà con. Trong các bài viết trước, Nông nghiệp Online (NNO) đã nêu khá chi tiết về cách úm gà con. Trong bài viết này, NNO sẽ nêu cụ thể hơn về nhiệt độ úm gà con mới nở theo từng giai đoạn để các bạn rõ hơn và một số lưu ý về nhiệt độ úm vào mùa đông, mùa hè.


Nhiệt độ úm gà con bao nhiêu
Úm gà con

Nhiệt độ úm gà con theo từng giai đoạn

Một trong những mục đích để úm gà con chính là để gà con không bị lạnh và quen dần với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Để làm được điều này, trong quá trình úm cần điều chỉnh nhiệt độ úm giảm dần. Đến tuần úm cuối cùng, nhiệt độ úm đã gần bằng hoặc chỉ cao hơn nhiệt độ môi trường một chút. Nhiệt độ úm các bạn điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của gà và theo biểu hiện của gà trong chuồng úm. Căn cứ theo từng giai đoạn phát triển của gà các bạn cần điều chỉnh nhiệt độ úm như sau:

  • Giai đoạn 1 – 7 ngày tuổi: nhiệt độ úm 32 – 34 độ C
  • Giai đoạn 8 – 14 ngày tuổi: nhiệt độ úm 31 – 32 độ C
  • Giai đoạn 15 – 21 ngày tuổi: nhiệt độ úm 30 – 31 độ C
  • Giai đoạn 22 – 28 ngày tuổi: nhiệt độ úm 28 – 30 độ C
Nhiệt độ úm gà con
Úm gà con mới nở

Còn căn cứ theo biểu hiện của gà con các bạn tùy xem biểu hiện cụ thể của gà trong chuồng úm để điều chỉnh chuồng úm và điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp:

  • Nếu các bạn thấy gà con bên trong chuồng úm tản đều trong chuồng và đi lại bình thường thì nhiệt độ úm gà con đang phù hợp.
  • Nếu các bạn thấy gà con đứng tập trung vào khu vực dưới bóng đèn thì là do gà con bị lạnh nên đứng tập trung vào đó để sưởi ấm. Trường hợp này bạn nên hạ thấp bóng đèn sưởi nếu bóng đèn quá cao hoặc dùng bạt che phía trên quây úm cho kín hơn một chút để giữ nhiệt giúp gà con không bị lạnh.
  • Nếu các bạn thấy gà con đứng co cụm vào một phía trong chuồng úm thì thường là do có gió lùa, bạn hãy kiểm tra lại chuồng úm và làm kín lại vị trí bị gió lùa là được. Khi không còn gió lùa gà con sẽ lại tản ra như bình thường.
  • Nếu các bạn thấy gà con không quá co cụm vào một góc nhưng lại tránh xa khu vực bóng đèn úm thì trường hợp này do nhiệt độ úm gà con bị nóng gây ra. Bạn hãy treo bóng đèn úm cao hơn hoặc điều chỉnh bạt che quây úm bên trên để chuồng úm thoát bớt nhiệt. Khi thấy gà con tản đều trong chuồng úm như trường hợp đầu tiên là nhiệt độ úm gà con đã phù hợp.
Nhiệt độ úm gà con
Nhiệt độ úm gà con

Lưu ý nhiệt độ úm vào mùa hè, mùa đông

Vào mùa hè: khi úm gà con vào mùa hè, có những lúc thời tiết nắng nóng cao điểm lên đến 40 độ C. Những lúc này bạn nên chú ý không bật đèn úm tránh việc gà con bị nóng quá đồng thời có biện pháp làm mát khu vực để chuồng úm giúp gà con không bị nóng. Vào ban đêm khi trời mát mẻ hơn thì bạn có thể bật bóng đèn úm nhưng vẫn cần chú ý để tránh gà con bị nóng.

Nhiệt độ úm gà con
Nhiệt độ úm gà con

Vào mùa đông: vào mùa đông ở miền bắc hay khu vực miền núi nhiệt độ khá lạnh, đặc biệt nhiệt độ ban đêm và ban ngày nhiệt độ có thể chênh lệch lên đến 10 độ C nên bạn cần điều chỉnh bóng đèn úm để phù hợp với nhiệt độ ban ngày và ban đêm. Nhiều bạn mới úm gà không chú ý tới vấn đề này nên gà con vào ban đêm thường bị lạnh dẫn đến các bệnh như thương hàn.

Nhiệt độ úm gà con
Úm gà con mới nở

Qua các thông tin trên, nói về nhiệt độ úm gà con các bạn sẽ cần phải chú ý khá nhiều vấn đề. Mỗi giai đoạn phát triển của gà sẽ có nhiệt độ úm khác nhau. Tình trạng của gà trong chuồng úm khác nhau cũng cần điều chỉnh nhiệt độ úm khác nhau. Mùa hè, mùa đông, ban ngày, ban đêm cũng cần điều chỉnh nhiệt độ úm khác nhau để đảm bảo gà không bị lạnh (nóng) trong giai đoạn úm.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang