Trong bài viết về cây rau muống, Nông nghiệp Online (NNO) đã phân loại rau muống gồm rau muống nước và rau muống cạn. Ngoài hai loại này ra, vẫn còn một loại rau muống nữa là cây rau muống biển. Loại rau muống biển này mọc hoang ở các bờ biển và không dùng để làm rau ăn như các loại rau muống thông thường mà chỉ dùng để làm thuốc chữa bệnh. Trong bài viết này, NNO sẽ giới thiệu với các bạn về loại rau muống biển này để các bạn không bị nhầm lẫn với các loại rau muống thông thường.
- Hạt giống rau muống
- Cách trồng rau muống mầm
- Công dụng của rau muống
- Rau muống biển có ăn được không
- Nông nghiệp 4.0 là gì
Thông tin cơ bản về cây rau muống biển
- Tên khoa học: Ipomoea pes-caprae
- Bộ: cà (Solanales)
- Họ: bìm bìm (Convolvulaceae)
- Tên gọi: muống biển, rau muống biển, cây muống biển, cây hoa muống biển
- Đặc điểm: cây muống biển mọc ở ven biển có khả năng chịu mặn tốt, cây có thân dày, bên trong đặc, phân thành nhiều nhánh, màu hơi đỏ, ngọn mọc hướng lên trên. Các bạn có thể hình dung thân cây giống như thân cây khoai lang. Lá rau muống biển mọc so le trên thân, cuống lá dài, phần lá hình móng ngựa hoặc hình tim. Hoa cây rau muống biển có màu hồng hoặc tím với hình loa kèn khá giống với rau muống ăn thông thường. Quả của cây muống biển hình nang tròn, nhỏ, bên trong có khoảng 4 hạt khi khô hạt có màu hung.
- Phân bố: muống biển phân bố ở nhiều quốc gia ven Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ở Việt Nam, cây muống biển mọc ở nhiều khu vực như Rạch Giá, Hà Tiên, Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, …
- Công dụng: cây muống biển mọc hoang trên bờ biển có tác dụng cố định cát tránh sạt lở, dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh và có một số vùng dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Cây rau muống biển có ăn được không
Rau muống biển là cây mọc dại ở các bãi biển và mặc dù không có độc nhưng loại cây này không được dùng làm thức ăn mà chỉ để dùng làm thuốc. Một số ít khu vực tận dụng cây muống biển để làm thức ăn cho gia súc gia cầm. Có thể nói rằng rau muống biển có thể ăn được nhưng cây có vị cay đắng nhẹ nên tương đối khó ăn. Đây cũng là lý do loại cây này dù không có độc nhưng cũng không được dùng làm thực phẩm để ăn hàng ngày.
Công dụng của rau muống biển
Cây rau muống biển cũng là một loài rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể, tuy cây muống biển hơi khó ăn nhưng vẫn có thể dùng làm rau sống ăn kèm trong một số món ăn. Ngoài ra, rau muống biển chủ yếu được dùng để làm thuốc chữa các bệnh phổ biến như ngứa, dị ứng toàn thân do sứa cắn, bệnh chàm (Eczema), chữa ung nhọt viêm da có mủ, nhọt độc ở vùng lưng, trĩ, mẩn ngứa, thủy đậu, say nắng, viêm xoang, … Cách dùng rau muống biển có thể sắc thành nước uống hoặc giã nát lấy bã đắp vào vùng da cần điều trị.
Một điểm lưu ý là không nên dùng rau muống biển cho phụ nữ có thai, người bị viêm đường tiết niệu, bị huyết áp cao hay bị sỏi thận. Rau muống biển cũng có dược tính ảnh hưởng đến các loại thuốc khác nên không dùng rau muống biển chung với các loại thuốc khác sẽ làm giảm hiểu quả của thuốc. Lời khuyên từ NNO là khi bạn dùng cây rau muống biển làm thuốc thì nên tới các phòng khám đông y để được các bác sĩ khám, tư vấn cụ thể về liều lượng cũng như cách dùng phù hợp.
Rau muống biển khô
Cây rau muống biển hiện nay được khá nhiều người tận dụng để làm rau muống biển khô. Rau muống biển sau khi được lấy về rửa sạch phơi khô bảo quản được khá lâu. Khi cần dùng tới rau muống biển có thể lấy muống biển khô để thay thế cho muống biển tươi rất tiện lợi. Giá muống biển khô hiện nay thường vào khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/1kg. Các bạn chú ý, cây rau muống biển khô 100 ngàn đồng/1kg là loại muống biển phơi khô, còn loại muống biển sấy khô hoặc sấy lạnh khô sẽ có giá thành cao hơn.
Với những thông tin trên, có thể thấy rằng mặc dù cây rau muống biển có nhiều đặc điểm khá giống với rau muống thông thường nhưng loại rau muống này thường không dùng để ăn mà chỉ dùng để làm thuốc. Có nhiều bài thuốc dân gian rất hữu ích với cây muống biển nhưng nếu bạn muốn chữa bệnh bằng loại cây này thì nên hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.