Khi sử dụng máy ấp trứng gà các bạn chắc cũng sẽ đọc qua hướng dẫn sử dụng máy ấp trứng do nhà sản xuất giới thiệu trong sách hướng dẫn sử dụng. Trong hướng dẫn, các bạn sẽ thấy nhà sản xuất nào cũng nói chung chung là khi ấp trứng gà thì cài đặt độ ẩm từ 55% – 65% là được. Rất nhiều người ấp đã áp dụng và thành công nhưng lại có rất nhiều người ấp thấy trứng gà bị sát vỏ do thiếu ẩm. Chính vì thế, vấn đề độ ẩm thích hợp cho máy ấp trứng gà luôn là vấn đề mà những người chăn nuôi thắc mắc. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ giúp các bạn hiểu hơn về độ ẩm khi ấp trứng gà theo từng giai đoạn là bao nhiêu và nên cài đặt độ ẩm bao nhiêu thì hợp lý nhất.
- Nhiệt độ ấp trứng gà bao nhiêu
- Top 10 thương hiệu máy ấp trứng bồ câu uy tín
- Tổng hợp địa chỉ bán máy ấp trứng gà
- Phân biệt sấy nóng và sấy lạnh
- Cấu tạo máy sấy lạnh và nguyên lý hoạt động
Độ ẩm khi ấp trứng gà từng giai đoạn
Khi các bạn dùng máy ấp trứng để ấp trứng gà, trứng gà có điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm thích hợp phôi trứng sẽ phát triển. Theo nhiều nghiên cứu, mức nhiệt độ và độ ẩm để trứng gà phát triển theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (từ ngày ấp thứ 1 – 7): nhiệt độ ấp thích hợp 37,5 – 37,8 độ C, độ ẩm 65%
- Giai đoạn 2 (từ ngày ấp thứ 8 – 18): nhiệt độ ấp thích hợp 37,4 – 37,6 độ C, độ ẩm cần 55%
- Giai đoạn 3 (từ ngày ấp thứ 18 đến khi trứng nở): nhiệt độ ấp thích hợp 37,2 độ C, độ ẩm cần 60%
Với độ ẩm như trên, có thể thấy rằng các nhà sản xuất máy ấp trứng nói rằng độ ẩm thích hợp để ấp trứng gà là 55% – 65% là hoàn toàn hợp lý. Nếu độ ẩm này thấp hoặc cao hơn mức vừa đưa ra thì có thể khiến phôi phát triển không tốt hoặc tệ nhất là phôi tạm ngừng quá trình phát triển.
Độ ẩm cao khi ấp trứng gà
Độ ẩm khi ấp trứng gà khi lên trên 65% thì chúng ta có thể gọi đó là độ ẩm cao. Việc độ ẩm cao khi ấp trứng gà không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của trứng. Thực tế, độ ẩm trong không khí thường không quá cao và nếu độ ẩm có cao thì các hãng sản xuất máy ấp đều tư vấn cho người sử dụng rằng độ ẩm cao sẽ càng tốt cho trứng chứ không ảnh hưởng gì. Nếu bạn tham khảo nhiều dòng máy ấp trứng sẽ thấy có một số hãng giới thiệu tính năng hút ẩm giúp giảm độ ẩm bên trong máy ấp. Thực chất, tính năng này chỉ là dùng một quạt hút để hút bớt không khí ẩm bên trong máy ra ngoài. Trường hợp độ ẩm không khí tăng cao đến 70 – 80% thì chắc chắn máy không thể giảm được độ ẩm xuống thấp hơn độ ẩm môi trường.
Nói đến ảnh hưởng của độ ẩm cao khi ấp trứng gà thì độ ẩm cao quá cũng không tốt khi ấp trứng gà. Đặc biệt khi trứng mổ vỏ nếu độ ẩm cao trên 75% sẽ khiến gà con nở ra thường bị bết lông.
Độ ẩm thấp khi ấp trứng gà
Khi độ ẩm không khí xuống thấp hơn 55% chúng ta cũng có thể coi như đó là trường hợp độ ẩm bị thấp. Khi độ ẩm thấp quá, phôi trứng sẽ bị mất nước nhiều và có thể tạm ngừng quá trình phát triển. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể độ ẩm thấp đến mức nào thì phôi trứng ngừng phát triển do thiếu ẩm nhưng nhiều người ấp đã thử nghiệm và thấy rằng độ ẩm 40% trong suốt quá trình ấp nhưng nếu trứng phôi khỏe thì gà con vẫn nở bình thường với tỉ lệ nở cao. Đây là lý do các dòng máy ấp trứng mini đôi khi không cần phải đo độ ẩm mà chỉ cần đặt một khay nước bên trong thôi là sẽ không phải lo lắng vấn đề trứng bị thiếu ẩm khi ấp.
Độ ẩm thích hợp cho máy ấp trứng gà
Với những phân tích trên, có thể thấy rằng độ ẩm khi ấp trứng gà quá thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phôi, độ ẩm quá cao cũng có thể ảnh hưởng khi trứng nở. Độ ẩm phù hợp cho trứng gà phát triển là từ 55 – 65%, lời khuyên cho các bạn khi sử dụng máy ấp trứng tốt nhất là nên để độ ẩm ở mức 55%. Về vấn đề tại sao lại để độ ẩm như vậy thì có một số nguyên nhân như sau:
- Nhiều người ấp trứng đã thử nghiệm và đánh giá rằng độ ẩm khi ấp trứng gà không cần quá cao. Quan trọng nhất khi ấp trứng gà là nhiệt độ ấp ổn định.
- Độ ẩm thích hợp khi ấp trứng gà là 55 – 65%. Tuy nhiên, máy ấp trứng thường tạo ẩm bằng việc đốt nhiệt hoặc phun sương, cả hai phương pháp này đều có ưu nhược điểm riêng. Dùng phương pháp phun sương sẽ tạo ẩm tốt nhưng khi phun sương sẽ làm nhiệt độ ấp bị giảm đi và không được ổn định. Dùng phương pháp đốt nhiệt tức là làm nóng nước để tăng khả năng bay hơi của nước thì có nhược điểm là nước bay hơi mang theo nhiệt độ sẽ làm các trứng ở gần bị nóng. Dù là phương pháp nào thì cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhiệt độ ấp, mà nhiệt độ ấp lại quan trọng hơn độ ẩm. Do đó, độ ẩm khi ấp trứng gà chỉ nên đặt ở mức tối thiểu là được chứ không cần cao.
- Độ ẩm khi cài đặt trên máy ấp trứng không cần quá cao nhưng khi trứng sắp nở các bạn có thể tăng độ ẩm lên 65 – 70% trong 1 hoặc 2 ngày sẽ giúp giảm tỉ lệ bị sát vỏ khi trứng nở. Do chỉ cần tăng độ ẩm khi trứng gần nở nên độ ẩm trong qua trình ấp không cần phải cao mà chỉ cần trên dưới 55% là được.
Với những thông tin trên, có thể thấy rằng độ ẩm thích hợp cho máy ấp trứng gà là 55%. Khi trứng sắp nở (cách 1 – 2 ngày) các bạn có thể tăng độ ẩm lên 65 – 70% sẽ giúp trứng nở tốt hơn, không bị sát vỏ. Còn trong quá trình ấp, nếu độ ẩm không khí cao hơn mức 55% thì càng tốt và không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi.