Gừng trồng tại nhà trong chậu hay thùng xốp thường ít khi gặp bệnh hoặc khi gặp bệnh hại các bạn sẽ bỏ luôn cây đi để trồng cây mới. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bạn tiếc công trồng mà có thể tìm cách khắc phục khi cây bị bệnh hại. Trong bài viết này, NNO sẽ giúp các bạn hiểu hơn về một kiểu bệnh hại trên cây gừng đó là tình trạng cây gừng bị héo lá, những nguyên nhân và cách xử lý nếu gặp tình trạng này.
Nguyên nhân cây gừng bị héo lá
Cây gừng bạn trồng thông thường vẫn đang xanh tốt nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời bạn phát hiện cây bị héo lá mà không biết lý do tại sao. Lúc này bạn nên kiểm tra lá cây và xem lại cách chăm sóc để tìm ra nguyên nhân cây gừng bị héo lá. Khi đã biết nguyên nhân thì sẽ có cách khắc phục tương đối dễ dàng. Các nguyên nhân cây gừng bị héo lá có thể kể ra như sau:
1. Cây gừng bị héo lá tự nhiên
Cây gừng khi phát triển đủ thời gian đến thời kỳ thu hoạch sẽ có dấu hiệu héo vàng lá, cây lụi dần. Trường hợp này là do cây phát triển đến giai đoạn đó tự héo lá để bắt đầu chu kỳ phát triển mới chứ không phải do cây bị bệnh hay gặp vấn đề gì.
2. Cây gừng bị héo lá do thiếu nước, thời tiết khắc nghiệt
Cây gừng khi bị thiếu nước và gặp điều kiện khắc nghiệt như trời quá lạnh hoặc quá nóng cũng khiến cây bị héo. Trường hợp này bạn có thể dễ dàng xác định được từ cách chăm sóc cây và từ thời tiết những ngày gần đây. Thông thường cây gừng dù bạn có quên tưới nước nhưng thời tiết không nắng nóng quá thì cây cũng vẫn xanh chứ không héo. Trường hợp cây thiếu nước lâu ngày kết hợp với nắng nóng thì cây mới bị héo.
3. Cây gừng bị héo lá do bệnh héo xanh, héo vàng
Một nguyên nhân khiến cây gừng bị héo là do bệnh héo xanh, héo vàng gây ra. Bệnh này do vi khuẩn tấn công làm cây bị bệnh và có thể chết chỉ sau vài ngày phát bệnh. Nếu cây bị héo xanh sẽ có triệu chứng là lá vẫn xanh nhưng bị héo vào buổi trưa nắng, buổi chiều và sáng cây lại tươi trở lại. Sau vài ngày cây sẽ héo hẳn và chết. Nhận biết bệnh này các bạn cần căn cứ vào thân và củ, khi cây chết thân và củ sẽ bị mềm nhũn ra, ấn vào có dịch sữa trắng chảy ra.
Bệnh héo vàng có triệu chứng cũng rất đặc trưng là lá sẽ héo từ dưới gốc lên, ban đầu lá bị vàng ở phần chóp và mép lá, tuy phần mép lá không khô nhưng bị xoắn ngược ra mặt sau của lá làm chúng ta nhìn giống như lá bị héo. Nếu bệnh phát triển nhanh thì chỉ cần 3 – 5 ngày cây sẽ vàng úa toàn bộ, thân mềm nhũn đứt khỏi phần rễ và chết. Để nhận biết bệnh này ngoài tình trạng của lá và thân thì khi cây chết các bạn có thể xem phần củ, nếu củ bị thối mềm có màu nâu bên trong củ và thân có dịch nhầy chứng tỏ cây đã bị bệnh héo vàng.
4. Cây gừng bị héo lá do nấm Fusarium
Gừng cũng là cây có thể bị nấm tấn công, khi cây bị nấm cũng xuất hiện tình trạng vàng lá kèm theo thối củ. Nguyên nhân gây bệnh là nấm Fusarium gây ra. Ban đầu những lá dưới gốc chóp lá chuyển sang màu vàng và duy trì khá lâu nên dễ bị hiểu nhầm là cây vàng lá tự nhiên. Sau bệnh phát triển dần lên các lá ở trên và khiến toàn bộ cây chuyển thành màu vàng, khô rụi. Để xác định đúng bệnh này do nấm thì các bạn có thể kiểm tra phần củ, nếu củ cắt ra có màu nâu kem với tơ màu trắng thì chính xác là cây đang bị nấm tấn công.
Hướng khắc phục
Sau khi xác định được nguyên nhân thì hướng khắc phục tình trạng cây gừng bị héo lá cũng khá đơn giản. Cụ thể như sau:
- Gừng bị héo lá tự nhiên: trường hợp này các bạn nên thu hoạch gừng để trồng đợt mới. Nếu bạn không thu hoạch thì gừng sẽ lại lên đợt tiếp theo nhưng bạn nên dọn sạch các cây bị héo vàng để đất thoáng không phát sinh mầm bệnh.
- Gừng bị héo lá do thiếu nước, thời tiết khắc nghiệt: trường hợp này bạn chỉ cần tưới nước đều đặn cho cây thì sau một thời gian ngắn cây sẽ hồi phục lại, bạn cũng nên cắt bỏ những lá bị vàng vì những lá này sau khi héo sẽ dần bị hỏng.
- Gừng bị héo lá do bệnh héo xanh, héo vàng: khi phát hiện cây bị héo xanh hoặc héo vàng thì tức là tình trạng này đã phát triển và cây rất nhanh bị chết khô. Để khắc phục thì bạn có thể dùng một số thuốc chế phẩm đặc trị như Senly, Xích Thố Mã, Agofast để phun. Tuy nhiên, nếu bạn gặp trường hợp này khi trồng gừng ở nhà thì bạn nên phá bỏ hết các cây bị bệnh sau đó làm lại đất để trồng đợt mới là tốt nhất.
- Gừng bị héo lá do nấm: khi đã xác định được cây bị vàng lá do nấm, các bạn có thể dùng thuốc Sparta hoặc Libero để phun cho cây theo liều lượng trên bao bì. Lưu ý là mầm bệnh có thể vẫn còn trong đất nên sau khi thu hoạch các bạn làm lại đất và nên trộn thêm nấm đối kháng trichoderma vào đất để hạn chế tối đa tình trạng này diễn ra ở các vụ sau.
Với các thông tin trên, chúc các bạn có thể tự xử lý được tình trạng cây gừng bị héo lá tại nhà.