Chào các bạn, nếu các bạn từng thử trồng rau tại nhà thì sẽ biết ngay việc trồng rau trong chậu hay thùng xốp là khả thi và cũng rất hiệu quả. Tất nhiên, công chăm sóc và số tiền đầu tư vào đó cũng tương đối chứ không phải cứ trồng rồi đợi cây lớn là có rau ăn. Sau khi so sánh thì nhiều chị em thấy rằng chi phí để trồng rau tại nhà đắt ngang với chi phí mua rau ngoài chợ, thậm chí đắt ngang chi phí mua rau ở siêu thị mà còn chưa tính công chăm sóc. Chính vì thế mà nhiều chị em do quá bận với công việc cũng đành bỏ dở “sự nghiệp” trồng rau tại nhà của mình. Thế nhưng, một số chị em lại chuyển qua trồng một loại cây khác tốn ít công chăm sóc hơn mà năng suất vẫn cao, khi nao rảnh vẫn có thể thỏa mãn thú vui trồng rau tại nhà. Loại cây này chính là cây gừng và hôm nay NNO sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng gừng tại nhà trong chậu hoặc trong thùng xốp cực kỳ đơn giản, không phải chăm bón nhiều mà cây vẫn xanh tốt quanh năm.
Chuẩn bị trước khi trồng gừng tại nhà
Cách trồng gừng tại nhà trong chậu hay trong thùng xốp cũng không có gì phức tạp. Chị em cũng chỉ cần phải chuẩn bị mọi thứ để trồng giống như trồng rau tại nhà thôi. Trên cơ bản cần phải chuẩn bị chậu hoặc thùng xốp, đất trồng, phân bón và một ít gừng để làm cây giống. Cụ thể như sau:
- Chậu trồng hoặc thùng xốp: khi trồng gừng bạn hãy chuẩn bị chậu trồng cây cảnh hoặc thùng xốp đều được. Thậm chí bạn có thể dùng các loại túi nilon trồng cây để trồng gừng cũng được (túi trồng màu đen có đục lỗ thoát nước). Mặc dù các loại túi trồng cây này không bền nhưng giá rẻ nên sau mỗi vụ gừng bạn bỏ đi lấy túi mới để trồng cũng không sao. Còn nếu dùng thùng xốp thì bạn phải đục một vài lỗ ở thành của thùng xốp cách đáy khoảng 10cm để làm lỗ thoát nước. Chú ý là không đục lỗ thoát nước ở đáy sẽ khiến nước thoát hết khi tưới và khá tốn nước tưới cho cây.
- Phân bón: bạn chuẩn bị các loại phân bón hữu cơ là tốt nhất, cây gừng cần đất tơi xốp để phát triển củ được to mập nên việc bón phân hữu cơ là rất cần thiết. Ngoài ra bạn cũng có thể mua các loại phân tan chậm hoặc phân NPK để bón định kỳ cho cây.
- Đất trồng: đất trồng gừng tốt nhất là loại đất phù sa thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng. Đất trồng gừng bạn có thể trộn thêm với trấu ủ hoai mục hoặc xơ dừa ủ hoai mục để tăng độ xốp của đất. Lưu ý, gừng là cây trồng lấy củ và nếu đất quá cứng hoặc bị nén quá chặt sẽ khiến củ gừng không được mập.
- Gừng giống: gừng bạn có thể chọn giống gừng nào cũng được. Gừng chỉ cần có mầm là bạn có thể mang đi trồng, không cần trồng cả củ mà chỉ cần tách lấy một nhánh nhỏ có mầm là bạn cũng có thể trồng được ngay. Mách nhỏ các bạn là hãy ra chợ và hỏi những người bán gừng nhờ họ để cho một ít gừng có mầm. Một hai hôm sau bạn ra lấy sẽ được cả túi tha hồ về mà trồng, còn nếu bạn muốn tự ươm thì mua gừng về rồi vùi vào cát ẩm, tưới nước vài hôm là gừng cũng sẽ nảy mầm.
Một lưu ý nhỏ trước khi trồng gừng đó là thời vụ trồng, gừng là cây không chịu được lạnh nên tùy theo điều kiện thời tiết ở từng địa phương mà nên chọn thời điểm trồng cho phù hợp. Với khu vực miền nam thì nên trồng gừng vào đầu mùa mưa, với khu vực miền bắc thì nên trồng gừng vào mùa xuân, các khu vực mát mẻ quanh năm thì có thể trồng gừng vào thời điểm nào cũng được.
Xem thêm: Thời vụ trồng gừng
Cách trồng gừng tại nhà trong chậu, trong thùng xốp
Sau khi đã chuẩn bị xong một số thứ cần thiết để trồng gừng thì công việc tiếp theo là trồng gừng thôi. Cách trồng gừng khá là đơn giản với các bước sau:
Bước 1: Trộn đất trồng gừng
Việc trộn đất trồng gừng khá quan trọng, bạn phải xử lý đất để tránh các mầm bệnh trong đất có thể ảnh hưởng tới cây cũng như cung cấp dinh dưỡng cho đất để cây có thể phát triển tốt ngay từ ban đầu. Để diệt các mầm bệnh trong đất thì bạn có thể trộn đất với một ít vôi bột sau đó phơi nắng cho đất khô cứng sẽ giúp hạn chế khá nhiều mầm bệnh. Ngoài ra, nấm bệnh cũng là một vấn đề mà nhiều người gặp phải khi trồng cây trong thùng xốp, bạn có thể xử lý bằng cách trộn thêm nấm đối kháng trichoderma vào đất để hạn chế nấm bệnh trong đất.
Sau khi xử lý xong phần mầm bệnh, bạn hãy trộn đất với tro trấu, trấu ủ hoai mục hoặc xơ dừa ủ hoai mục để tăng độ mùn độ tơi xốp cho đất. Bạn nên trộn nhiều một chút vì như giải thích ở trên đó là gừng trồng lấy củ thì đất phải tơi xốp củ gừng mới to, mập được. Nếu đất trồng bị dí hoặc đất không tơi xốp thì củ thường xe bị còi.
Đất sau khi đã trộn thêm tro trấu và xơ dừa cho tơi xốp hơn bạn hãy trộn đất với phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân trùn quế để giúp đất có thêm dinh dưỡng cho cây phát triển. Tỉ lệ trộn phân các bạn cứ áp dụng tỉ lệ 4 phần đất 1 phần phân bón là được. Sau khi trộn xong đất bạn cho đất vào trong chậu hoặc thùng xốp để bắt đầu trồng cây.
Bước 2: Trồng gừng vào chậu
Bạn lấy gừng đã có mầm chuẩn bị lúc trước để mang đi trồng. Hãy đào một hố nhỏ sâu khoảng 5 – 7 cm, thả củ gừng có mầm vào bên trong sau đó lấp đất lại. Củ gừng nên đặt nằm ngang sao cho mầm của củ hướng lên trên là được chứ không cần yêu cầu gì cầu kỳ cả. Sau khi lấp đất xong bạn hãy lấy tay ấn nhẹ đất để đất xung quanh ép sát vào củ gừng trong đất. Tưới nước từ từ vào chậu sao cho lượng nước đủ để ngấm xuống hết đáy chậu là được.
Bước 3: Chọn vị trí trồng gừng và tưới nước
Sau khi trồng gừng vào trong chậu xong bạn hãy tìm vị trí đặt chậu trồng gừng ở nơi thoáng mát ví dụ như ở dưới bóng cây hay ví trí có nắng vào buổi sáng và râm mát vào buổi chiều. Nguyên nhân chọn vị trí như vậy là vì gừng là cây chịu bóng nên trồng ở nơi có nhiều nắng quá cũng không tốt mà nên chọn nơi có bóng nắng.
Sau khi chọn được vị trí trồng, bạn hãy tưới nước đều đặn cho chậu cây ngày 2 lần để mầm gừng có độ ẩm phát triển. Nếu trời mưa hoặc đất còn khá ẩm thì bạn không nên tưới hoặc cân nhắc tưới 1 lần 1 ngày thôi. Khi cây gừng đã lớn thì tùy vào độ chăm chỉ mà bạn có thể tưới ngày 1 lần cũng được vì cây gừng rất dễ chăm.
Bước 4: Phòng trừ sâu bệnh
Cây gừng ít khi gặp các bệnh phức tạp mà chủ yếu là những bệnh “dễ chữa”, dù vậy bạn cũng nên phòng bệnh cho cây vì trồng gừng tại nhà nên phòng bệnh khá dễ. Thứ nhất là khi gừng còn non có thể bị ốc sên ăn ngọn, khi phát hiện đất có ốc sên bạn nên dùng tay để bắt hết chúng đi là được, không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai là gừng có thể bị thối rễ, thối củ do nấm. Để phòng trường hợp này bạn hãy làm đất theo đúng quy trình ở trên (phơi nắng, trộn vôi bột, trộn với nấm đối kháng) và đặc biệt là tưới nước hợp lý. Nếu đất ẩm quá sẽ là môi trường tốt cho nấm phát triển, vậy nên bạn tưới vừa đủ nước và khi đất còn khá ẩm thì không nên tưới thêm.
Bước 5: Bón phân định kỳ
Gừng là cây trồng không cần chăm bón nhiều nhưng bạn vẫn nên bón phân định kỳ hàng tháng để cây có dinh dưỡng phát triển củ được to mập hơn. Hàng tháng bạn có thể bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân NPK đều được, nếu có thể thì bón tổng hợp tức là bón cả phân hữu cơ và vô cơ.
Mách nhỏ cho các bạn đó là thị trường có các loại phân tan chậm, loại phân này bón cho rau thì gần như rau lúc nào cũng có hàm lượng phân bón trong cây không an toàn cho lắm. Tuy nhiên, gừng là cây trồng với thời gian trồng khá dài từ 5 – 8 tháng nên bạn có thể vô tư dùng phân tan chậm bón cho cây cũng không việc gì. Nếu bón phân tan chậm thì bạn có thể kéo dài thời gian phải bón phân lên từ 1 tháng thành 1,5 hoặc 2 tháng mới cần bón phân và công việc chăm sóc cây sẽ rất nhàn nhã.
Bước 6: Thu hoạch
Gừng trồng khoảng 5 tháng là bạn có thể thu hoạch củ, lúc này củ thường khá nhỏ nhưng vẫn ăn được và khá thơm. Nếu bạn để gừng đến tầm 7 – 8 tháng mới thu hoạch thì củ sẽ già hơn và mập hơn so với củ lúc 5 tháng. Khi thu hoạch gừng, các bạn lưu ý một chút là nên dừng tưới nước khoảng 1 – 2 ngày cho đất khô ráo rồi mới thu hoạch. Lúc thu hoạch thì nên đổ cả chậu đất lẫn cây ra, cầm lấy gốc gừng rồi giũ hết đất đi là sẽ thu hoạch được hết củ mà không bị sót. Lúc này bạn chỉ cần bứt hết rễ cây, cắt phần thân cây gừng mọc ra từ củ là sẽ có củ để sử dụng rồi.
Xem thêm: Cách thu hoạch gừng
Như vậy, cách trồng gừng tại nhà trong chậu hoặc thùng xốp cũng tương tự như trồng rau tại nhà. Điểm khác biệt là cây gừng có khá ít sâu bệnh, dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc. Vậy nên nếu chị em nào thuộc team bận rộn hoặc team lười nhưng vẫn muốn trồng rau tại nhà thì có thể chọn lựa trồng gừng nhé, trồng một lần cho cả năm sẽ đỡ vất vả hơn trồng rau nhiều đấy.