Mồng tơi là một loại rau quen thuộc trong các bữa cơm của gia đình Việt. Đây cũng là một loại rau dễ trồng, nhanh thu hoạch nên nó càng được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Xưa kia, ở các làng quê Việt Nam, ngoài việc trồng rau ngoài ruộng, người ta còn trồng mồng tơi thành giàn xung quanh vườn hay quanh nhà. Hình ảnh giậu mồng tơi trở nên vô cùng thân thiết với mỗi người dân quê xưa. Không chỉ là giàn rau để cung cấp rau xanh cho từng bữa cơm, giậu mồng tơi còn như một bức tường tự nhiên xanh mát bao quanh ngôi nhà, phân chia khoảng cách của mỗi gia đình nhưng không hề làm mất đi sự gần gũi của tình làng nghĩa xóm. Ngày nay, do đời sống ngày càng hiện đại, lối sống cũ cũng được thay đổi, những giậu mồng tơi thân thuộc đó dần bị thay thế bởi những bức tường vôi vững chắc. Tuy nhiên, hình ảnh giàn mồng tơi vẫn hiện hữu trong đời sống hiện đại. Nó vẫn là một cách trồng rau của người thôn quê, và là giải pháp tối ưu cho những người dân thành thị khi không có nhiều không gian để trồng trọt. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn cách làm giàn mồng tơi bằng sào tre rất đơn giản để các bạn có thể tự làm giàn trồng mồng tơi tại nhà.
- Thời điểm gieo trồng và thu hoạch rau mồng tơi
- Cách gieo hạt mồng tơi nhanh nảy mầm
- Hướng dẫn cách trồng rau mồng tơi trong thùng xốp
- Bị đau xương khớp có nên ăn rau mồng tơi
- Ăn rau mồng tơi nhiều có tốt không
Hướng dẫn cách làm giàn mồng tơi bằng sào tre
Mồng tơi là loại thân leo, dễ sinh trưởng phát triển nên rất phù hợp cho leo giàn. Việc trồng mồng tơi leo giàn sẽ cung cấp rau ăn quanh năm, và nếu bạn cũng có thể thu hoạch hạt rau để làm giống những vụ sau. Xưa kia, người ta thường dùng gậy tre, sào tre để làm giàn cho mồng tơi. Ngày nay, ngoài tre, người dân có thể dùng nhiều nguyên liệu khác để tạo giàn như cột kim loại, lưới kim loại, lưới dây cước hay dây gai. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến cách làm giàn mồng tơi bằng sào tre. Cụ thể cách làm như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
- Sào tre: chọn những cây thẳng, già, không mối mọt, chú ý chọn cây không quá to hoặc quá nhỏ
- Dao: bạn cần chú ý, không dùng dao để chặt thanh sào tre vì dao sẽ làm dập sào. Bạn cần dùng dao để chẻ thanh sào.
- Cưa: cưa sắc để cắt thanh sào
- Dây kẽm nhỏ
- Kìm: dùng kìm để vặn dây kẽm được chắc chắn và dễ dàng hơn
Cách tiến hành
Dùng cưa cắt các thanh sào thành những đoạn ngắn từ 1m – 2m tùy theo yêu cầu của người trồng.
Sau đó, dùng dao chẻ những đoạn sào to thành 4 thanh dẹt hơn. Chúng ta làm như này để tiết kiệm sào và làm giàn gọn gàng hơn. Tuy nhiên, nếu thanh tre quá mỏng và yếu thì bạn nên bỏ thanh đó đi, vì thanh yếu sẽ làm cho giàn không được chắc chắn.
Khi đã có một bó thanh tre để làm giàn, chúng ta bắt đầu xếp và buộc các thanh đó thành giàn hoàn chỉnh. Trước hết, hãy chọn ra 4 thanh chắc chắn nhất để tạo khung cho giàn rau. Xếp 4 thanh đó thành hình vuông (hoặc hình chữ nhật tùy theo khoảng không gian bạn có để giàn leo), chú ý ở các góc, để thừa 1 đoạn ngắn làm chỗ buộc, sau đó dùng đoạn dây kẽm nhỏ buộc chặt 4 góc.
Tiếp theo bạn “đan lưới” cho giàn bằng cách xếp các thanh tre khác lên khung vừa tạo nên. Xếp các thanh dọc trước, mỗi thanh cách nhau tầm 12 – 15cm, sau đó, dùng kìm và dây kẽm buộc chặt cố định đầu của các thanh đó với bộ khung. Sau khi buộc thanh dọc, bạn đặt tiếp những thanh ngang cùng khoảng cách và buộc chặt đầu. Như vậy là chúng ta đã có một tấm giàn hoàn chỉnh.
Sau khi xong tấm giàn, bạn đặt nó lên thùng rau mồng tơi, hoặc lên luống rau cần làm giàn, cắm nghiêng thêm thanh tre tạo hình chữ V ngược để giàn đứng vững.
Thay vì làm riêng tấm giàn rồi cắm lên luống rau, bạn có thể tiến hành cắm cọc trụ cho giàn trực tiếp vào luống rau hoặc thùng xốp trước, sau đó mới buộc các thanh ngang và thanh dọc để tạo giàn. Bạn cần chú ý cắm cọc thật chắc chắn để giàn có thể đứng vững.
Hiện nay, đối với “những người nông dân sân thượng”, ngoài cách làm giàn bằng sào tre trên, nhiều người có cách làm giàn khác, vẫn đơn giản và chắc chắn. Chúng ta hãy cùng ngắm những bộ giàn mồng tơi khác nhau này nhé.