logo vui cười lên

Bệnh ILT trên gà – bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà


Trong các bài viết trước, NNO đã nhắc đến một số loại bệnh ở gà nghe có vể khá “lạ tai” ví dụ như bệnh ORT, bệnh CRD, bệnh Coryza, bệnh IB hay bệnh ILT. Đây đều là các bệnh truyền nhiễm ở gà thường gặp ở các nơi nuôi gà tập trung. Bệnh bùng phát mạnh vào những thời điểm thời tiết thay đổi như lúc giao mùa và khi ẩm thấp độ ẩm không khí cao. Trong bài viết này, NNO sẽ tiếp tục đi vào chi tiết về bệnh ILT trên gà hay còn gọi là bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà để các bạn hiểu hơn về bệnh này cũng như có thêm kiến thức để nhận biết bệnh nếu gặp phải.


Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà
Bệnh ILT trên gà – bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà

Bệnh ILT trên gà là gì

Bệnh ILT trên gà hay còn gọi là bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà là bệnh do virus thuộc họ herpes gây ra có khả năng truyền nhiễm cao. Virus gây bệnh tiềm ẩn trong môi trường, bám vào các dụng cụ chăn nuôi, thức ăn hay vỏ trứng để lây bệnh. Vào thời điểm thời tiết mưa nắng thất thường nhất là vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm bệnh bùng phát mạnh nhất. Khi bệnh xảy ra có thể kế phát với một số bệnh khác nhất là bệnh E. Coli khiến tình hình bệnh diễn biến rất phức tạp.

Virus gây bệnh ILT trên gà có thể bị tiêu diệt rất nhanh bởi thuốc sát trùng, thậm chí ở điều kiện môi trường chúng cũng không tồn tại được lâu. Tuy nhiên, ở trong phân hay chất độn chuồng thì virus này có thể tồn tại được hàng tháng, trong cơ thể gia cầm chúng có thể tồn tại được tới 1 năm. Do đó, nếu không vệ sinh chuồng trại và các thiết bị chăn nuôi kỹ thì bệnh có thể tồn tại rất lâu không dứt từ lứa này sang lứa khác.

Bệnh ILT trên gà
Bệnh ILT trên gà

Theo các thống kê, virus gây bệnh ILT trên gà ủ bệnh từ 1 – 7 ngày mới phát bệnh ảnh hưởng khiến gà thịt giảm 15% thể trọng, gà đẻ trứng giảm sản lượng trứng từ 20 – 30%. Gà nhiễm bệnh ILT thể quá cấp có thể chết với tỉ lệ từ 30 – 40%, ở thể cấp tính tỉ lệ chết chỉ khoảng 10 – 15%. Đặc biệt ở thể mãn tính, gà sẽ có ít biểu hiện và triệu chứng cũng nhẹ hơn nên thường không tính được tỉ lệ chết trong đàn nhưng đặc biệt có nhiều trường hợp bị đột tử khi có các yếu tố khí hậu tác động khiến thể mãn tính chuyển sang thể quá cấp.

Bệnh ILT trên gà
Bệnh ILT trên gà

Triệu chứng bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà

Gà bị nhiễm ILT có 3 triệu chứng điển hình chính có thể nhận biết:

  • Viêm giác mạc, chảy nước mắt nước mũi. Chính vì bị viêm giác mạc nên gà sẽ tránh ánh sáng và thường đứng ở chỗ tối.
  • Rìa xung quanh mí mắt viêm sưng, bị phù đầu 1 bên hoặc cả 2 bên.
  • Khó thở, phải rướn cổ để hít khí từng cơn, gà bị sốt cao uống nhiều nước.
Bệnh ILT trên gà
Bệnh ILT trên gà

Khi mổ khám gà bệnh sẽ có một số bệnh tích khá điển hình đó là thanh quản và khí quản bị viêm, có dịch nhờn, xuất huyết lấm tấm. Khi thấy triệu chứng bệnh tích như vậy thì chắc chắn gà bị ILT.

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà
Bệnh ILT trên gà – bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà

Cách phòng và chữa bệnh ILT gà

Bệnh ILT trên gà do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị. Các bạn có thể thắc mắc tại sao lại không có thuốc đặc trị, nguyên nhân vì virus là một chủng gây bệnh không có thuốc nào diệt được mà phải dùng kháng nguyên do cơ thể tạo ra để diệt virus. Ví dụ điển hình như đại dịch covid-19 hiện nay ở người cũng do virus gây ra và không có thuốc đặc trị, cách tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin để cơ thể sinh ra kháng thể diệt virus. Tương tự, bệnh ILT trên gà cũng không có thuốc đặc trị mà chỉ có thể dùng vắc xin ILT để phòng và chữa bệnh.

Để phòng bệnh ILT trên gà, các bạn cho gà sử dụng vắc xin ILT, có 2 loại vắc xin là loại uống và loại tiêm. Cho gà sử dụng vắc xin ILT lần 1 vào 21 – 25 ngày tuổi, lần 2 vào khoảng 55 – 60 ngày tuổi. Riêng đối với gà đẻ, bệnh thường diễn biến vào khoảng 3 – 6 tháng tuổi đặc biệt là lúc trước khi đẻ nên trước khi đẻ 10 – 15 ngày cần phải cho gà sử dụng thêm 1 liều vắc xin ILT. Bên cạnh việc dùng vắc xin thì các bạn cũng cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại định kỳ theo đúng kỹ thuật để hạn chế tối đa mầm bệnh.

Tiêm vắc xin cho gà
Tiêm vắc xin ILT cho gà

Cách điều trị bệnh ILT trên gà vẫn là dùng vắc xin ILT để chữa. Tuy nhiên, các bạn cần phải kiểm tra xem đàn gà có đủ khỏe mạnh để dùng vắc xin hay không. Nếu gà ủ rũ, mệt mỏi thì không nên cho dùng vắc xin ngay sẽ khiến tình trạng xấu đi. Trường hợp này bạn cần bổ sung các loại thuốc bổ thuốc trợ lực như vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, gluco-KC, chất điện giải cho gà dùng liên tục khoảng 3 ngày sau đó mới sử dụng vắc xin ILT.

Như vậy, có thể thấy rằng bệnh ILT trên gà là một bệnh truyền nhiễm không gây chết hàng loạt nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng trứng cũng như trọng lượng của gà khiến người chăn nuôi thiệt hại kinh tế đáng kể. Bệnh còn có thể kế phát với E. Coli rất nguy hiểm. Do đó, người chăn nuôi cần lưu ý phòng bệnh ILT bằng vắc xin ILT cho gà vào lúc 3 tuần tuổi và 8 tuần tuổi để tránh được bệnh truyền nhiễm này.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang