Cà tím chắc mọi người cũng không xa lạ gì, nhưng trồng cà tím thì không phải ai cũng biết. Nhiều chị em đã trồng cà tím trong thùng xốp và năng suất cũng rất tốt, chính vì lý do này nên vào mùa rất nhiều chị em cũng muốn thử trồng loại cây này để có rau sạch ăn đổi món trong tuần. Nếu chị em nào còn chưa biết cách trồng cà tím trong thùng xốp như thế nào thì hãy xem những kỹ thuật trồng cà tím cơ bản sau đây để hiểu rõ hơn và có thể tự trồng được tại nhà nhé.
- Bà bầu có nên ăn cà tím không
- Giá trị dinh dưỡng của cà tím
- Quả cà tím tiếng anh là gì
- Hạt cà tím bị đen có ăn được không
- Cà tím bị vàng lá
Kỹ thuật trồng cà tím, cách trồng cà tím trong thùng xốp
Để trồng được cà tím trong thùng xốp các bạn cần biết cơ bản về cách trồng cây rau trong thùng xốp để chuẩn bị nguyên vật liệu trước khi bắt tay trồng cà tím. Sau khi đã có nguyên vật liệu, bạn cần biết về thời vụ trồng cà tím và những điểm cần lưu ý khi trồng. Nắm được những điểm này là bạn đã có thể trồng được cà tím tại nhà rồi. Để đảm bảo hiệu quả cũng như tránh gặp phải một số trường hợp không mong muốn khi trồng thì bạn cũng cần biết thêm về cách phòng trừ sâu bệnh cho cây và xử lý nếu gặp một số vấn đề về sâu bệnh. Thực tế là cũng đơn giản thôi, giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu từng phần một:
1. Chuẩn bị nguyên vật liệu
Trước khi bắt tay vào trồng cà tím bạn cần phải chuẩn bị nguyên vật liệu để trồng trước. Có một số thứ bạn cần phải chuẩn bị như thùng xốp, đất trồng, phân bón, vôi bột, hạt giống cà tím. Yêu cầu về các nguyên vật liệu này cũng đơn giản thôi:
Thùng xốp: chọn loại thùng xốp to, mỗi thùng xốp sẽ trồng được 2 cây. Nếu dùng thùng xốp nhỏ thì mỗi thùng xốp chỉ nên trồng 1 cây. Đục các lỗ ở xung quanh thùng xốp cách đáy khoảng 10 – 15 cm để làm lỗ thoát nước. Lưu ý không đục ở đáy vì như vậy khi tưới nước sẽ thoát hết và khiến phân bón bị rửa trôi nhiều.
Đất trồng: chọn loại đất tơi xốp không bị bạc màu (rắn, không thấm hút nước). Bóp nhỏ đất trộn với vài nắm vôi bột sau đó tãi đất ra phơi nắng vài ngày cho thật khô. Việc làm này để diệt trừ mầm bệnh có trong đất, tuy nó là một công đoạn nhỏ nhưng khá quan trọng.
Phân bón: bạn nên chọn các loại phân hữu cơ là tốt nhất ví dụ như phân chuồng ủ hoai mục, vi sinh, phân trùn quế, phân bò, phân gà, phân dê, … Việc dùng phân hữu cơ sẽ giúp cải tạo đất và tăng độ tơi xốp cho đất.
Hạt giống: bạn nên chọn mua hạt giống cà tím được đóng gói từ các đơn vị bán hạt giống uy tín để đảm bảo chất lượng hạt giống tốt nhất. Thường một túi hạt giống cũng chỉ có giá khoảng 10 – 15 ngàn và bạn có thể dễ dàng mua được ở trên các trang thương mại điện tử.
2. Xem xét thời vụ trồng cà tím
Sau khi có hạt giống, bạn hãy xem kỹ thời vụ trồng cà tím trên bao bì của hạt giống. Thường thì các giống cà tím đều có thể trồng quanh năm nhưng vẫn nên tránh các thời điểm rét đậm và nắng nóng gay gắt. Cụ thể bạn nên tránh trồng vào những tháng nắng như tháng 5 tháng 6, tránh cả các tháng rét đậm như tháng 11, tháng 12 và tháng 1. Nếu bạn thấy thời điểm trồng đã phù hợp thì có thể bắt tay vào trồng cà tím.
3. Ươm hạt cà tím
Cách ươm hạt cà tím đơn giản thôi, bạn hãy ngâm hạt cà tím trong nước khoảng 24 giờ. Bạn pha nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh rồi ngâm hạt cà tím trong 2 giờ nữa. Vớt hạt cà tím ra gói vào trong 2 – 3 tờ giấy ăn rồi đặt vào trong 1 cái bát. Tưới một chút nước cho ướt tờ giấy ăn và duy trì giữ ẩm cho giấy ăn trong khoảng 4 ngày hạt cà tím sẽ nảy mầm. Sau khi hạt nảy mầm, mang hạt ra trồng trong bầu ươm, duy trì tưới ẩm ngày 2 lần cho bầu ươm đến khi cây có 5 – 6 lá thật thì mang trồng vào trong thùng xốp. Nếu bạn không làm bầu ươm thì có thể trồng luôn vào thùng xốp cũng được.
4. Chọn vị trí trồng và mật độ trồng
Trong thời gian ươm hạt bạn có thể làm đất như hướng dẫn ở trên. Khi đất đã khô, bạn đập nhỏ đất rồi trộn với phân bón theo tỉ lệ 4 phần đất 1 phần phân bón. Bạn có thể trộn thêm tro trấu, trấu ủ hoai hoặc xơ dừa ủ hoai để tăng độ mùn cho đất giúp đất tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn dùng đất đã trộn này cho vào thùng xốp để trồng cây.
Vị trí trồng cây bạn nên chọn nơi có nắng, quan trọng nhất vẫn là có nắng và nếu tránh được nắng gắt buổi trưa là tốt nhất. Nếu vị trị trồng không tránh được nắng gắt buổi trưa thì bạn nên có biện pháp che nắng cho cây nếu cần. Về mật độ trồng, thùng xốp loại to bạn có thể trồng 2 cây và thùng xốp nhỏ chỉ nên trồng 1 cây. Bạn đừng ham trồng nhiều vì khi cây lớn tán cây xòe ra chiếm diện tích khá lớn.
5. Tưới nước cho cà tím
Khi trồng cà tím vào trong thùng xốp, bạn duy trì tưới ẩm cho cây 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều. Nếu trời mưa thì không cần phải tưới cho cây nữa. Nếu thấy đất luôn ẩm ướt cũng nên giãn thời gian tưới cho cây vì đất ẩm ướt thời gian dài sẽ khiến đất phát sinh nấm hại ảnh hưởng đến cây. Lưu ý là khi trời mưa to bạn cần phải đảm bảo các lỗ thoát nước đã đục lúc trước vẫn thoát nước được cho thùng xốp. Nếu các lỗ này không thoát nước được thì cần đục thêm lỗ thoát nước hoặc có biện pháp thông cho các lỗ này không bị tắc.
6. Bón phân định kỳ cho cà tím
Khi mới trồng cà tím, bạn sẽ thấy cây phát triển tốt do đất trồng ban đầu đã trộn lẫn phân bón. Sau khoảng 15 – 20 ngày bạn sẽ thấy cây phát triển chậm hơn do lượng phân bón ban đầu đã được cây sử dụng hết hoặc đã bị rửa trôi đi nhiều. Lúc này bạn cần bón phân định kỳ cho cây để cây có đủ dinh dưỡng phát triển. Nếu bạn bón ít thì mỗi tuần nên bón cho cây một lần, nếu bạn bón nhiều thì 2 tuần bón cho cây 1 lần.
Xem thêm: Cách bón phân cho cà tím
7. Ngắt ngọn, tỉa lá
Bên cạnh việc bón phân thì khi bạn trồng cà tím được khoảng 1 tháng sẽ thấy cây bắt đầu ra hoa. Lúc này bạn sẽ phải tiến hành ngắt ngọn, tỉa lá cho cây để cây tập trung dinh dưỡng phát triển quả. Cách ngắt ngọn tỉa lá cũng đơn giản thôi, bạn hãy tỉa lết cành lá ở bên dưới chùm hoa đầu tiên của cây sau đó ngắt ngọn chính của cây. Làm như vậy để cây tập trung dinh dưỡng cho chùm hoa đầu tiên này kết quả.
Khi ngắt ngọn chính cây sẽ phát triển các nhánh phụ, bạn hãy để khoảng 3 nhánh phụ to mập nhất, các nhánh phụ khác ngắt hết đi. Ba nhánh phụ này chúng ta sẽ giữ lại để cây phát triển hoa, quả trên nhánh phụ. Nếu có nhánh mới đâm ra thì ngắt hết đi. Làm vậy cây sẽ tập trung được dinh dưỡng để ra hoa và nuôi quả, nếu để nhiều nhánh phụ quá cây sẽ không đủ dinh dưỡng cho tất cả các nhánh và hoa quả rất kém.
Xem thêm: Cách ngắt đọt cà tím
8. Thu hoạch
Khi bạn duy trì bón phân định kỳ, tưới nước đầy đủ và ngắt ngọn tỉa lá cho cây thì khoảng 2 tháng sau khi trồng bạn có thể thu hoạch được những quả đầu tiên. Lưu ý là quả cà tím khi chuyển màu hoàn toàn sang màu tím thì có thể thu hoạch được, không nên để quả quá già vì khi đó ăn sẽ không ngon. Nếu bón phân cho cây đầy đủ thì thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới hơn 2 tháng, vì thời gian dài như vậy nên cà tím cũng là một cây cho năng suất khá cao khi trồng thùng xốp.
Xem thêm: Thời gian thu hoạch cà tím
9. Phòng trừ sâu bệnh
Cà tím cũng như các loại rau màu khác đều có sâu bệnh hại cây. Nếu trồng cà tím tại nhà thì sẽ hạn chế được tương đối nhiều loại sâu bệnh. Nếu gặp sâu bệnh thì bạn cũng nên áp dụng một số cách thủ công, tránh dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến quả khi thu hoạch. Nếu cây bị sâu tấn công, bạn nên dùng tay bắt vì số lượng cây trồng tại nhà không nhiều nên dùng tay bắt khá đơn giản. Nếu cây bị rệp muội tấn công, bạn có thể dùng một số loại thuốc trị rệp bằng chế phẩm sinh học mua ở tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật, hoặc bạn cũng có thể pha nước tỏi, ớt xịt cho cây nhiều lần sẽ giúp diệt rệp hiệu quả. Trường hợp cây bị nấm rễ thì khắc phục khá khó nhưng nếu bạn đảm bảo tưới tiêu phù hợp và làm đất tốt ngay từ đầu thì sẽ hạn chế được tình trạng này.
Như vậy, với kỹ thuật trồng cà tím đã giới thiệu ở trên, bạn chỉ cần thực hiện đúng các bước để phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu và bón phân đầy đủ thì sẽ có một mùa cà tím bội thu. Sau khi trồng cà tím, các bạn nên làm lại đất để trồng các loại rau khác, nên tránh trồng các cây họ cà nhiều vụ liên tiếp để tránh sâu bệnh ảnh hưởng đến cây vụ sau.