logo vui cười lên

Cách chăm sóc cây hồng môn tại nhà đúng cách ra nhiều hoa


Trong bài viết trước, Nông nghiệp Online (NNO) đã giới thiệu với các bạn về cách nhân giống và cách trồng cây hồng môn. Từ cách trồng hồng môn, chắc các bạn cũng đã biết cách chăm sóc cây hồng môn như thế nào rồi. Tuy nhiên, bài viết này NNO sẽ nêu lại cụ thể hơn để các bạn không mắc phải những sai lầm khi chăm sóc loại cây này.


Cây hồng môn
Cách chăm sóc cây hồng môn ra hoa

Cách chăm sóc cây hồng môn trong nhà (trồng đất)

Cây hoa hồng môn là cây ưa bóng bán phần nên có thể trồng làm cảnh trong nhà. Khi trồng trong nhà mặc dù cây hồng môn phát triển kém hơn khi trồng ngoài trời nhưng nếu chăm sóc tốt thì cây vẫn xanh tốt quanh năm. Khi trồng hồng môn trong nhà, các bạn cần lưu ý chăm sóc cây như sau:

  • Đất trồng & bón phân cho cây: khi trồng cây trong nhà thì nhu cầu dinh dưỡng của cây sẽ ít hơn so với trồng ngoài trời nên các bạn chỉ cần bón phân 1 tháng 1 lần là đủ. Thường các bạn trồng hồng môn cần thay đất cho cây trong khoảng 4 – 6 tháng một lần. Tuy nhiên, cũng tùy từng loại đất trồng cây mà bạn cần thay đất sớm hơn hoặc nếu thấy đất trồng bị bạc màu thì cần thay đất ngay cho cây. Đất trồng cây hồng môn cần đảm bảo nhiều mùn, thoát nước tốt, tơi xốp và giàu dinh dưỡng.
  • Tưới nước & độ ẩm: hồng môn là cây ưa ẩm nhưng không chiu được úng. Do đó, các bạn trồng hồng môn nên dùng bình xịt xịt ướt lá cây hàng ngày để cây phát triển tốt hơn. Còn về vấn đề tưới nước, khi thấy đất trồng cây khô hẳn các bạn mới nên tưới cây để tránh cây bị úng. Khi tưới cây, các bạn tưới quanh gốc, tưới chậm để đất thấm nước từ từ. Khi thấy nước chảy ra ở lỗ thoát nước dưới đáy chậu thì dừng tưới. Nếu vào mùa hè các bạn có thể tưới cho cây 2 – 3 lần mỗi tuần. Mùa đông tùy vào thời tiết và khả năng thoát nước của đất mà bạn có thể cân nhắc tưới cho cây mỗi tuần 1 lần hoặc 5 ngày tưới 1 lần. Trong cách chăm sóc cây hồng môn trong đất thì việc tưới nước cho cây là cực kỳ quan trọng.
  • Ánh sáng & vị trí đặt cây: cây hồng môn là cây ưa bóng bán phần và không chiu được ánh nắng gắt nên các bạn chọn vị trí đặt cây thích hợp cây sẽ phát triển tốt hơn. Nên chọn vị trí gần cửa sổ có nắng chiếu vào buổi sáng sớm, tránh được nắng chiếu buổi trưa chiều. Nếu không tìm được vị trí thích hợp thì bạn có thể đặt cây ở vị trí không bị nắng gắt chiếu và có nhiều ánh sáng trong phòng là được.
  • Nhiệt độ & không khí: cây hồng môn ưa ẩm nên các bạn không nên đặt cây ở nơi có nhiệt độ cao cây sẽ dễ bị mất nước và bị héo. Ngoài ra, cây cũng cần không khí lưu thông tốt mới có thể phát triển được. Nếu đặt trong phòng lâu ngày cây bị bí khí sẽ yếu và chết dần. Vì thế, bạn nên cho cây ra ngoài trời mỗi tuần 1 – 2 lần để cây hồi phục sức sống. Thời gian cho cây ra ngoài trời tốt nhất là vào lúc sáng sớm (6 – 9h sáng).

Như vậy, cách chăm sóc cây hồng môn cũng giống như cách chăm sóc hầu hết các loại cây cảnh khác. Điểm khác biệt và cũng là điểm đáng lưu ý nhất chính là vấn đề tưới nước cho cây. Đa số các bạn trồng hồng môn một thời gian thấy cây bị chết đều liên quan đến vấn đề tưới nước. Do đó, hãy cẩn thận trong việc tưới nước và chú ý xịt nước cho lá cây hàng ngày thì cây sẽ luôn xanh tốt.

Cây hồng môn
Cách chăm cây hồng môn ra hoa

Cách chăm sóc cây hồng môn ra hoa

Để cây hồng môn ra hoa, cách chăm sóc thực ra không gì khác ngoài những lưu ý vừa kể trên. Nhiều bạn thắc mắc tại sao chăm sóc đúng như vậy mà cây hồng môn vẫn không ra hoa hoặc ra rất ít hoa. Lý do đa số vì các bạn chưa đảm bảo được vấn đề ánh sáng và thông thoáng khí cho cây. Bạn nên chăm đưa cây ra ngoài phơi nắng vào sáng sớm, tưới nước và xịt lá đúng cách thì cây sẽ phát triển tốt và ra hoa nhiều.

Nói thêm về việc phơi nắng cho cây, ánh nắng cũng ảnh hưởng tương đối nhiều đến màu hoa. Nếu có nắng nhiều hoa sẽ có màu đẹp hơn, rực rỡ hơn. Ngoài ra, nếu bạn muốn hoa được bền và tươi lâu thì nên bón thêm một chút kali cho cây khi mới bắt đầu có nụ là được.

Cây hồng môn
Cách chăm sóc cây hồng môn ra hoa

Cách chăm cây hồng môn trồng trong nước

Cây hồng môn trồng trong nước hay còn gọi là cây hồng môn thủy sinh có cách chăm sóc hơi khác so với cây trồng trong đất vì loại cây này trồng không cần đất. Khi trồng cây hồng môn trong nước, các bạn lưu ý chăm sóc theo một số lưu ý sau:

  • Thay nước cho cây hàng tuần: cây hồng môn trồng trong nước các bạn sẽ không cần phải tưới cây nhưng cần phải thay nước trong bình thủy sinh mỗi tuần 1 lần. Sau khi thay nước, các bạn lại phải bổ sung phân bón hoặc dung dịch thủy canh vào trong nước để cây có dinh dưỡng phát triển.
  • Xịt ẩm cho cây hàng ngày: mặc dù hồng môn thủy sinh không cần tưới nước nhưng các bạn vẫn phải duy trì xịt ẩm cho cây hàng ngày để cây có đủ độ ẩm sẽ phát triển tốt hơn.
  • Về ánh sáng, vị trí đặt cây, nhiệt độ hay vấn đề về không khí các bạn cũng thực hiện y như cây trồng trong đất là được.
Cách chăm sóc cây hồng môn thủy sinh
Cách chăm sóc cây hồng môn thủy sinh

Như vậy, với cách chăm sóc cây hồng môn vừa kể trên, có thể nói cách chăm sóc cũng rất đơn giản. Tất nhiên, nếu bạn muốn cây xanh tốt, ra nhiều hoa thì bạn cần mất công hơn chút để cho cây ra ngoài trời phơi nắng nhiều hơn. Còn bình thường bạn cứ chăm sóc cây tốt thì cây cũng vẫn ra hoa đều đặn và lá cây thì chắc chắn sẽ xanh tốt quanh năm.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang