logo vui cười lên

Cách phân biệt rau muống nước và rau muống cạn, dễ mà không dễ


Rau muống nước và rau muống cạn là hai loại rau muống phổ biến hiện nay. Ngoài tên gọi rau muống nước thì nhiều nơi cũng gọi là rau muống đỏ hay rau muống tía, còn rau muống cạn thì còn được gọi là rau muống lá tre hay rau muống trắng. Hai loại rau muống này có nhiều điểm giống và cũng khác nhau. Khi chọn mua các bạn có thể căn cứ vào nhiều yếu tố như lá, thân và cả mùi vị khi ăn cũng có thể phân biệt được. Nếu bạn nào còn đang thắc mắc về vấn đề này thì có thể tham khảo cách phân biệt rau muống nước và rau muống cạn sau đây dể biết cụ thể hơn.


Phân biệt rau muống nước và rau muống cạn
Phân biệt rau muống nước và rau muống cạn

Đặc điểm nổi bật của rau muống nước

  • Rau muống nước thường có thân to màu tía hoặc màu xanh lá. Tùy theo chế độ dinh dưỡng và thời tiết mà các đốt của rau muống có thể dài ngắn khác nhau. Thông thường các đốt trên thân cây sẽ dài hơn khi có nhiều dinh dưỡng hơn và ngược lại. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến độ dài các đốt trên thân, thời tiết phù hợp các đốt sẽ dài hơn, thời tiết lạnh ít ánh nắng các đốt sẽ ngắn hơn.
  • Lá rau muống nước thường có dạng mũi tên nhưng khá to bản và hơi thuôn dài. Vào thời tiết không thuận lợi hoặc chế độ dinh dưỡng kém, lá cây sẽ nhỏ hơn bình thường và cũng thuôn dài hơn.
  • Rau muống nước có thể sống trong nước, trong ruộng bùn hoặc trên ruộng cạn đều được. Tất nhiên rau muống nước trồng trong ruộng bùn thường ngập nước hoặc trồng kiểu thả bè trên mặt ao, mặt sông rau sẽ phát triển tốt hơn.
  • Rau muống nước có thể làm được nhiều món ăn và được đánh giá là cho mùi vị thơm ngon. Điểm trừ của rau muống nước là một số loại rau muống nước có màu tía nên khi chế biến món ăn có màu sắc không được đẹp mắt.
Công dụng của rau muống
Rau muống nước

Đặc điểm nổi bật của rau muống cạn

  • Rau muống cạn có thân nhỏ, các đốt thường khá dài, thẳng và có màu xanh lá. Tùy loại rau muống cạn mà có loại thân có những nốt hơi sần hoặc thân nhẵn. Khi thời tiết không thuận lợi, cây kém phát triển nhưng thân cây vẫn giữ được màu xanh lá chứ không bị đổi màu.
  • Lá rau muống cạn thường nhỏ, có hình mũi tên thuôn dài nhọn về phía đầu lá. Do lá nhìn khá giống là tre nên rau muống cạn còn được nhiều nơi gọi là rau muống lá tre.
  • Rau muống cạn thường được trồng bằng hạt và gieo trên luống. Tuy gọi là rau muống cạn nhưng khi trồng rau muống vẫn cần tưới nhiều nước cây mới phát triển tốt được. Bên cạnh đó, rau muống cạn vẫn sống tốt trong môi trường ruộng bùn ngập nước hoặc thả trong nước. Khi trồng rau muống cạn trong môi trường ngập nước, thân cây thường nhỏ và mọc vươn dài. Chính vì thế nên loại rau muống này thường được trồng trên các ruộng cao ít bị ngập nước.
  • Rau muống cạn cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn. Thường rau muống cạn được dùng nhiều trong các món lẩu, món xào và nộm rau muống.
Rau muống cạn
Rau muống cạn

Cách phân biệt rau muống nước và rau muống cạn

Với các đặc điểm nổi bật trên, có thể thấy rằng để phân biệt rau muống nước và rau muống cạn các bạn chỉ cần chú ý phần lá và phần thân là được. Một số điểm khác nhau các bạn có thể căn cứ để phân biệt hai loại rau muống này gồm:

  • Thân rau muống: thân của rau muống cạn thường nhỏ, có đốt dài và màu xanh lá. Trong khi đó, rau muống nước thân thường to hơn, đốt thân ngắn hơn và thân có thể có màu tía hoặc hung đỏ. Một số loại rau muống cạn trên thân còn có những nốt sần nên các bạn cũng có thể căn cứ vào đó để phân biệt với rau muống nước.
  • Hình dạng lá: một cách đơn giản hơn để phân biệt hai loại rau muống này là căn cứ vào hình dạng lá. Rau muống nước thường có lá to bản nhưng ngắn hơn rau muống cạn. Lá rau muống nước có hình trái tim thon dài, lá rau muống cạn có hình như lá tre. Đôi khi chỉ cân nhìn lá là bạn có thể dễ dàng phân biệt hai loại rau muống này.
Rau muống luộc
Rau muống luộc

Ngoài việc phân biệt qua hình dáng, các bạn cũng có thể phân biệt hai loại rau muống này khi chế biến các món ăn. Để phân biệt được như vậy các bạn cần ăn qua hai loại rau muống này vài lần mới có đánh giá cụ thể được. Theo bản thân mình đánh giá thì rau muống cạn ăn có vị nhạt hơn rau muống nước và thân không mềm như rau muống nước. Rau muống cạn sẽ phù hợp làm các món nộm hoặc món xào vì có vị giòn ngon. Còn rau muống nước phù hợp với các món luộc hoặc món nấu hơn. Đây là cảm quan của mình khi chế biến các món ăn từ rau muống, tùy từng người mà sẽ có đánh giá khác nhau.

Bài viết ngẫu nhiên cùng chủ đề:


Quay lại đầu trang