Máy sấy nhiệt độ thường và máy sấy nhiệt độ cao cùng là một dòng máy sấy nhiệt chỉ khác về nhiệt độ sấy. Tuy nhiên không hẳn là như vậy vì sấy nhiệt độ cao thiết kế của máy cũng sẽ khác và công dụng chính của máy cũng khác so với máy sấy nhiệt độ thường. Bài viết này NNO sẽ so sánh máy sấy nhiệt thường và máy sấy nhiệt độ cao để các bạn hiểu rõ hơn nếu đang có ý định chọn mua.
Máy sấy nhiệt thường và máy sấy nhiệt độ cao
Máy sấy nhiệt độ thường là dòng máy sấy khô quen thuộc được bán trên thị trường hiện nay. Dòng máy này thường có nhiệt độ sấy dưới 100 độ C và có khả năng sấy khô đa năng hầu hết các loại sản phẩm. Máy sấy nhiệt độ cao cũng giống máy sấy nhiệt thường nhưng có nhiệt độ sấy cao hơn 100 độ C. Tùy vào nhu cầu sấy khác nhau mà nhiệt độ sấy có thể ở mức 160 độ, 200 độ hay 300 độ C.
Xem thêm: Nguyên lý hoạt động của máy sấy nhiệt độ cao
So sánh máy sấy nhiệt thường và máy sấy nhiệt độ cao
1. Điểm giống nhau
Máy sấy nhiệt độ thường và máy sấy nhiệt độ cao trên cơ bản vẫn có cùng nguyên lý và cơ chế hoạt động đó là dùng gió nóng để tác động lên vật thể cần sấy khô. Chính vì dùng gió nóng nên cả hai loại máy sấy này đều có thiết kế gồm quạt thổi cùng hệ thống gia nhiệt bằng điện trở.
2. Điểm khác nhau
Nhìn chung thì nhiều bạn đang có suy nghĩ rằng máy sấy nhiệt thường thiết kế như thế nào thì máy sấy nhiệt cao cũng thiết kế như vậy chỉ tăng công suất làm nóng lên là xong. Quan niệm này hơi sai lầm vì đúng là chỉ cần tăng công suất làm nóng lên nhưng đi kèm với đó lại là nhiều vấn đề khác như chất liệu máy phải thay đổi, hệ thống cảm biến cũng phải khác, nguồn điện phải đáp ứng được và quạt gió cũng phải phù hợp với máy. Đó chính là sự khác nhau giữa hai dòng máy này, cụ thể như sau:
Chất liệu máy: máy sấy nhiệt độ thường có thể làm bằng thép sơn tĩnh điện cũng không sao vì ở nhiệt độ dưới 100 độ C thép sơn tĩnh điện vẫn đảm bảo tuổi thọ của máy sấy. Còn về máy sấy nhiệt độ cao, do nhiệt độ sấy cao nên buồng sấy không thể làm bằng thép mà ít nhất cũng phải làm bằng inox để đảm bảo tuổi thọ của máy. Không chỉ thế, nếu nhiệt độ dưới 160 độ thì lớp cách nhiệt của máy có thể dùng PU hai thành phần. Nhưng nhiệt độ cao hơn 160 độ lớp PU cách nhiệt sẽ không chịu được (chỉ chịu được tối đa 180 – 200 độ) và có thể bị cháy. Vậy nên nhiệt độ cao cần lớp cách nhiệt tốt hơn, chịu được nhiệt độ cao hơn ví dụ như phải dùng bông thủy tinh cách nhiệt mới chịu được nhiệt độ sấy lên đến 200 – 300 độ.
Hệ thống gia nhiệt: máy sấy nhiệt thường có hệ thống gia nhiệt với số lượng thanh nhiệt điện trở tương đối ít do máy chỉ cần gia nhiệt dưới 100 độ. Nhưng với các máy nhiệt độ cao thường sẽ cần số lượng thanh nhiệt điện trở nhiều hơn gấp đôi so với máy sấy nhiệt thường.
Quạt thổi: quạt của máy sấy nhiệt thường cũng là loại motor quạt chịu nhiệt nhưng nếu đánh giá về độ chịu nhiệt thì quạt của máy sấy nhiệt cao là loại tốt hơn, chịu được nhiệt độ làm việc cao hơn và cánh quạt cũng phải là loại chịu nhiệt tốt hơn so với máy sấy nhiệt thường.
Xem thêm: Nguyên lý hoạt động của máy sấy nhiệt đối lưu
Cảm biến: các loại cảm biến nhiệt thông thường vẫn có thể đo được nhiệt độ ở mức khá cao lên đến hơn 100 độ C. Nhưng nếu muốn đo nhiệt độ ở mức cao hơn đến 200 – 300 độ C thì cảm biến phải là loại chuyên dụng chứ không dùng được loại cảm biến thông thường. Đặc biệt là cảm biến độ ẩm, chỉ những máy sấy nhiệt thường mới có cảm biến độ ẩm chứ máy sấy nhiệt cao không có cảm biến độ ẩm. Nguyên nhân đơn giản vì cảm biến độ ẩm thông thường chỉ chịu được nhiệt độ đến khoảng trên dưới 120 độ, loại cảm biến độ ẩm chịu được nhiệt độ cao hơn nữa có giá thành đắt hơn tới cả chục lần. Thế nên các máy sấy nhiệt độ cao thường không có cảm biến độ ẩm trong khi máy sấy nhiệt độ thường vẫn có cảm biến độ ẩm.
Nguồn điện: máy sấy nhiệt thường có hệ thống nhiệt ở mức trung bình nên các máy sấy khoảng 100kg trở xuống vẫn có thể dùng điện gia đình. Nhưng máy sấy nhiệt độ cao loại trên 20kg thì nên dùng điện 3 pha mới đảm bảo đáp ứng tốt cho máy hoạt động.
Sản phẩm sấy: máy sấy nhiệt độ cao có dải nhiệt cao hơn máy sấy nhiệt thường nhưng vẫn có thể để ở mức nhiệt thấp để sấy. Do đó máy sấy nhiệt cao sẽ sấy được đa dạng hơn máy sấy nhiệt thường. Nhưng do giá thành cao nên thường để sấy khô người dùng sẽ chọn máy sấy nhiệt thường và chỉ khi nào cần sấy nhiệt độ cao mới dùng máy sấy nhiệt độ cao.
Giá thành: như đã nói ở trên, giá thành của máy sấy nhiệt cao sẽ cao hơn dòng máy sấy nhiệt thường. Còn cao hơn bao nhiêu thì còn tùy vào thiết kế, kiểu máy và nhiệt độ cao đến đâu. Nếu so sánh cùng kiểu máy sấy thì máy sấy nhiệt độ cao sẽ có giá thành cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi máy sấy nhiệt độ thường. Ví dụ máy sấy nhiệt độ thường có giá 10 triệu thì phiên bản tương tự như vậy nhưng nhiệt độ tối đa là 160 độ có giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi. Nếu nhiệt độ cao tới mức 200 độ sẽ có giá cao gấp 2 – 2,5 lần, nếu nhiệt độ lên mức 300 độ giá sẽ cao hơn gấp 4- 5 lần.
Xem thêm: Máy sấy hạt chín giòn là loại máy sấy nào
Như vậy, sau khi so sánh máy sấy nhiệt thường và máy sấy nhiệt độ cao chắc các bạn đã hiểu tại sao máy sấy nhiệt độ cao lại khác biệt và có giá thành cao hơn so với máy sấy nhiệt độ thường rồi đúng không. Vậy nên khi sấy sản phẩm các bạn cần hiểu mình cần sấy khô, sấy chín hay sấy nhiệt độ thật cao để chọn mua loại máy sấy cho phù hợp tránh lãng phí.