Ấp trứng gà bị mất điện là trường hợp mà rất nhiều người sử dụng máy ấp trứng gặp phải. Dù bạn đang dùng máy ấp trứng mini hay máy ấp công nghiệp thì việc mất điện chắc chắn sẽ khiến bạn rất lo lắng vì không biết trường hợp này ảnh hưởng ra sao tới trứng. Nói luôn cho bạn nào còn thắc mắc vấn đề này đó là nếu mất điện thời gian ngắn vài tiếng thì không ảnh hưởng tới sự phát triển của phôi trứng, nếu mất điện thời gian dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới phôi trứng thậm chỉ khiến trứng gà ấp bị chết phôi. Trong trường hợp ấp trứng gà bị mất điện, các bạn có thể tùy theo từng trường hợp để đưa ra cách xử lý cho phù hợp.
- Tổng hợp giá linh kiện máy ấp trứng hiện nay
- 4 Cách ấp trứng gà thủ công không cần máy ấp trứng
- Ấp trứng gà bằng đèn dầu, nguyên lý và cách làm ra sao
- Cách ấp trứng gà bằng trấu, nguyên lý ấp và cách thực hiện
- Cách làm máy ấp trứng gà tại nhà kiểu đơn giản
Cách xử lý khi ấp trứng gà bị mất điện thời gian ngắn
Khi sử dụng máy ấp trứng gà mà bị mất điện thì máy sẽ không hoạt động nữa. Nếu thời gian mất điện ngắn chỉ khoảng vài tiếng đến dưới 10 tiếng thì bạn không cần làm gì cả. Mất điện vài tiếng cũng tương tự như trường hợp gà bỏ ấp. Thời gian bỏ ấp này trong khoảng vài tiếng đến nửa ngày đều không ảnh hưởng tới trứng. Tương tự, máy ấp trứng bị mất điện khoảng 10 tiếng trở lại cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Một số nhà sản xuất máy ấp trứng khuyến cáo khi máy ấp trứng bị mất điện thời gian ngắn tuy không cần làm gì nhưng vẫn cần mở cửa (mở nắp) máy ấp để trứng không bị ngạt khí. Cũng có những nhà sản xuất lại không khuyến cáo gì thêm mà yêu cầu giữ nguyên máy ấp như vậy. Nguyên nhân của vấn đề này là do thiết kế của từng loại máy ấp khác nhau. Các bạn nên nghe theo lời khuyên từ nhà sản xuất để đảm bảo trứng không bị ảnh hưởng khi máy ấp bị mất điện.
Cách xử lý khi ấp trứng gà bị mất điện thời gian dài
Khi mất điện trong thời gian dài ngoài 10 tiếng thì chắc chắn trứng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của phôi. Trong trường hợp này, tùy theo từng loại máy ấp và tùy theo lời khuyên của nhà sản xuất mà bạn có thể dùng ắc quy hoặc máy phát điện để cấp nguồn cho máy ấp hoạt động.
- Đối với các dòng máy ấp trứng mini có bóng nhiệt nhỏ: loại máy ấp này thường là loại có kích thước nhỏ, bóng nhiệt nhỏ nên có thể dùng ắc quy kết hợp với bộ đổi nguồn để cấp điện cho máy hoạt động. Một số nhà sản xuất máy ấp trứng cũng có bán kèm bộ ắc quy này nên bạn có thể hỏi mua để dự phòng trường hợp bi mất điện.
- Đối với các dòng máy ấp trứng mini có bóng nhiệt công suất lớn: thường các dòng máy ấp mini cao cấp với khoang ấp lớn sử dụng bóng nhiệt chuyên dụng sẽ không dùng được ắc quy để làm nguồn điện mà nhà sản xuất sẽ yêu cầu dùng máy phát điện.
- Đối với dòng máy ấp trứng công nghiệp: các dòng máy ấp công nghiệp thường đều cần dùng máy phát điện để cấp nguồn chứ không thể dùng ắc quy như dòng máy mini. Một điểm lưu ý là kể cả dùng máy phát điện thì các bạn cũng cần đảm bảo điện áp ổn định để máy hoạt động tốt.
Ngoài cách dùng ắc quy hoặc máy phát điện để cấp nguồn cho máy ấp, các bạn cũng có thể nghĩ tới một phương án khác để trứng không bị ảnh hưởng đó là gửi trứng sang chỗ khác để ấp nhờ hoặc gửi ấp thuê. Mặc dù cách này cũng hơi bất tiện nhưng đây cũng là một phương án bạn nên nghĩ đến khi mất điện kéo dài.
Xử lý trường hợp bị mất điện khi trứng sắp nở
Ngoài hai trường hợp trên, còn một trường hợp đặc biệt đó là khi trứng sắp nở hoặc đang nở mà mất điện. Trường hợp này các bạn không nên đợi đến khí có điện mà nên dùng nguồn phát điện như ắc quy hay máy phát điện để cho máy hoạt động lai ngay. Nguyên nhân vì khi trứng sắp nở hay đang nở mà mất điện đột ngột sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới tỉ lệ nở. Nếu bạn không xử lý ngay rất có thể trứng sẽ không nở được nữa hoặc tỉ lệ nở rất kém.
Với những cách xử lý khi ấp trứng gà bị mất điện trên, có thể thấy rằng mất điện cũng là một nỗi lo cho người chăn nuôi. Việc mất điện không chỉ ảnh hưởng tới vấn đề sinh hoạt bình thường mà còn ảnh hưởng tới cả quá trình ấp trứng bằng máy. Do đó, các bạn cần hiểu rõ và chuẩn bị sẵn các phương án cụ thể trong những trường hợp bất khả kháng như mất điện để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.