Bầu là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc và cho quả sai nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Hiện nay có rất nhiều chị em đã trồng bầu trong thùng xốp trên sân thượng và rất thành công, cây bầu phát triển rất tốt và cho nhiều trái. Trong bài viết này, NNO sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng bầu trong thùng xốp để các bạn có thể trồng được tại nhà trên sân thượng một cách dễ dàng.
- Phụ nữ có thai có nên ăn bầu không
- Tác hại của quả bầu
- Tác dụng của quả bầu
- Bầu trồng tháng mấy
- Quả bầu tiếng anh là gì
Cách trồng bầu trong thùng xốp
Để trồng bầu trong thùng xốp trước tiên các bạn cần phải chuẩn bị thùng xốp, đất trồng, phân bón và không thể thiếu hạt giống. Nếu bạn không trồng bầu từ hạt giống thì cần mua cây giống về trồng, phần gieo hạt NNO sẽ nói cụ thể hơn cho các bạn. Giờ chúng ta cùng đi vào cách trồng bầu trong thùng xốp.
1. Xử lý thùng xốp và làm đất
Thùng xốp các bạn nên chọn loại thùng xốp to để cây có đủ đất phát triển. Dùng đũa hoặc que nhọn đục các lỗ ở bên thành của thùng xốp để làm lỗ thoát nước. Không đục lỗ ở dưới đáy vì làm vậy nước tưới sẽ bị thoát hết, nên đục lỗ ở thành bên của thùng xốp cách đáy khoảng 15cm.
Đất trồng các bạn nên phơi cho khô để diệt các mầm bệnh còn sót trong đất. Có thể dùng thêm vôi bột trộn vào đất để diệt khuẩn, tăng độ PH và bổ sung thêm canxi cho đất. Sau khi đất đã khô các bạn trộn đất với phân hữu cơ, có thể dùng phân bò, phân dê hoặc phân gà trộn theo tỉ lệ 4 phần đất 1 phần phân. Hiện nay phân bò, phân dê đóng bao rất dễ mua ngoài thị trường. Nếu không có phân bò, phân dê hay phân gà các bạn có thể dùng phân trùn quế hoặc phân vi sinh cũng được. Trộn đất xong các bạn đổ vào trong thùng xốp để chuẩn bị trồng bầu.
2. Gieo hạt
Để gieo hạt bầu các bạn nên chọn mua hạt từ các cửa hàng bán hạt giống cây. Nên chọn hạt từ các cơ sở phân phối uy tín trên thị trường là tốt nhất. Mỗi túi hạt giống nhỏ có giá không đắt thường từ 10 – 15 ngàn nên các bạn yên tâm chọn mua.
Sau khi đã có hạt giống, các bạn cắt một ít ở đầu của hạt giống sau đó ngâm hạt trong nước ấm khoảng 3 tiếng (pha nước ấm tỉ lệ 2 phần nước sôi 3 phần nước lạnh). Sau khi ngâm xong các ban cho hạt giống ra bát hoặc hộp nhựa. Trải ba bốn tờ giấy ăn lên trên hạt rồi tưới một ít nước cho giấy ăn ướt là được. Hàng ngày chú ý khi thấy tờ giấy ăn gần khô thì bạn lại cho thêm một ít nước vào, duy trì như vậy 2 – 3 ngày hạt sẽ nảy mầm.
Khi hạt nảy mầm bạn có thể trồng hạt vào thùng xốp luôn mà không cần phải ươm trong bầu đất. Tất nhiên, nếu bạn muốn ươm hạt trong bầu đất thì càng tốt chứ không vấn đề gì cả. Để gieo hạt xuống đất, các bạn đặt hạt lên mặt đất rồi phủ một lớp đất mỏng khoảng 1 – 2 cm lên trên là được. Tưới nước ngày 2 lần vào sáng và chiều để giữ ẩm cho đất và để cây bầu phát triển.
Lưu ý: Nếu bạn không gieo hạt thì có thể mua cây giống ở các chợ hoặc tiệm bán cây cảnh. Cây giống thường đã cao 15 – 20 cm và mua về bạn có thể trồng ngay vào trong thùng xốp mà không cần phải chờ cây lớn hơn.
3. Làm giàn cho cây bầu
Bầu là cây dây leo nên khi trồng bầu các bạn cần phải làm giàn. Việc làm giàn cho cây bầu có rất nhiều cách, có thể dùng lưới để làm giàn, có thể dùng dây nilon hay dây thép để làm giàn, có thể dùng tre nứa để làm giàn. Nói chung giàn làm cách nào cũng được miễn sao giàn có diện tích đủ rộng để cây bầu có không gian phát triển và có thể chịu được trọng lượng khi cây bầu ra quả.
Xem thêm: Cách làm giàn bầu
4. Chăm sóc và bón phân
Trước khi trồng bầu, các bạn đã trộn phân vào trong đất nên đây sẽ là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây phát triển. Tuy nhiên, do trồng trong thùng xốp nên lượng đất và dinh dưỡng nuôi cây không nhiều. Để đảm bảo cây có đủ dinh dưỡng phát triển, các bạn cần bón phân định kỳ cho cây 2 tuần 1 lần. Các bạn nhớ là nên bón phân định kỳ 2 tuần một lần để cây phát triển tốt, nếu cây thiếu chất cũng có thể không ra hoa và kết trái cũng có thể bị vàng trái. Các loại phân bón cho cây bầu tốt nhất bạn nên bón phân hữu cơ cho cây và bổ sung một chút phân kali để cây ra trái nhiều hơn. Hạn chế bón các loại phân hóa học vì thời gian cách ly của phân hóa học là 15 ngày nhưng bầu ra trái khoảng 10 ngày là đã có thể thu hoạch được rồi.
Ngoài bón phân, các bạn cần chú ý tưới nước cho cây đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều. Nếu trời mưa thì không cần tưới thêm nước. Nếu thấy đất bị ẩm ướt, thùng xốp không thoát được nước thì cần đục thêm lỗ thoát nước hoặc có biện pháp thoát nước để cây không bị úng.
5. Ngắt đọt và tỉa lá
Phần ngắt đọt và tỉa lá cho cây bầu thực ra cũng nằm trong phần chăm sóc cây nhưng phần này khá quan trọng và có nhiều bạn thắc mắc nên NNO sẽ tách ra để các bạn rõ hơn. Trước tiên nói về phần tỉa lá, các bạn nên thường xuyên tỉa các lá già đặc biệt là tỉa các lá ở gần gốc để cây thoáng gốc, khô ráo tránh nấm bệnh phát triển. Các lá già trên giàn cũng cần được tỉa thường xuyên vài ngày một lần, nếu để lá quá nhiều cũng là một nguyên nhân cây bầu không ra trái.
Xem thêm: Cây bầu không ra hoa cái
Về phần ngắt ngọn hay còn gọi là ngắt đọt, cây bầu cũng như một số loại cây dây leo khác cần phải ngắt ngọn để cây ra các nhánh sẽ cho quả sai hơn. Khi bầu lên cao được khoảng 1 – 1,5m các bạn hãy cắt ngọn chính của cây bầu để cây ra nhánh. Khi nhánh cây phát triển và bắt đầu kết trái thì các bạn để ý trái đầu tiên trên nhánh đã đậu quả và to hơn ngón tay cái thì các bạn hãy cắt ngọn của nhánh đó đi để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả và phát triển nhánh mới. Ở các nhánh mới này, các bạn cũng làm tương tự đó là khi thấy có quả ở nhánh và quả to bằng ngón tay cái thì lại cắt ngọn tiếp. Sau 3 lần ngắt ngọn như vậy thì không cần ngắt ngọn nữa. Ngắt ngọn đúng cách và tỉa lá cây sẽ cho nhiều quả.
Xem thêm: Cách ngắt ngọn bầu
Lưu ý: khi trồng bầu có nhiều hướng dẫn cần phải khoanh gốc khi bầu mới lên nhưng nếu trồng trong thùng xốp các bạn không cần phải khoanh gốc mà chỉ cần chú ý bón phân định kỳ cho cây là đủ.
6. Thụ phấn cho bầu
Bầu là loại cây có hoa đực và hoa cái, để hoa cái đậu quả thì cần thụ phấn từ hoa đực. Thông thường thì các loại côn trùng sẽ là trung gian giúp thụ phấn cho cây. Tuy nhiên nếu trồng trên sân thượng đôi khi sẽ có ít côn trùng lui tới và việc thụ phấn cũng sẽ kém hơn bình thường. Do đó, bạn có thể tự thụ phấn cho hoa bầu để giúp tăng tỉ lệ đậu quả mà không cần nhờ tới côn trùng. Cách thụ phấn là bạn ngắt các hoa đực của cây, bứt hết cánh hoa sau đó dí phần nhụy hoa của hoa đực vào nhụy của hoa cái vài lần là được. Bạn có thể ngắt hoa đực khi hoa còn tươi sau đó cho vào túi nilon bảo quản trong tủ lạnh để thụ phấn cho cây vì nhiều lúc hoa cái nở nhưng lại không có hoa đực để thụ phấn.
7. Phòng trừ sâu bệnh
Cây bầu khi trồng trong thùng xốp thường ít gặp sâu bệnh. Tuy nhiên, khi cây ra trái có thể bị ruồi vàng đục trái dẫn đến trái bị hỏng, thối từ bên trong. Để khắc phục ruồi vàng đục trái có 2 cách đơn giản, một là các bạn dùng túi nilon để bọc quả lại ngay sau khi thụ phấn sẽ giúp tránh được ruồi vàng đục trái. Cách thứ hai là các bạn dùng bẫy để hạn chế ruồi vàng. Bẫy có thể dùng keo dính ruồi vàng hoặc dùng bẫy bằng chai nhựa.
Xem thêm: Bầu ra trái bị thối
8. Thu hoạch
Bầu sau khi ra trái được khoảng 10 – 15 ngày là có thể thu hoạch được. Các bạn nên thu hoạch bầu khi còn non thì khi chế biến món ăn sẽ ngon hơn. Kể từ khi bầu ra quả đầu tiên, các bạn có thể thu hoạch bầu liên tục trong khoảng 2 tháng thì cây sẽ dần ra ít quả hơn. Lúc này bạn nên cắt bầu đi để trồng cây mới. Khi trồng cây mới, bạn không nên trồng cây họ bầu bí vào đất trồng lúc trước mà nên trồng luân canh cây khác, nếu bạn vẫn muốn trồng cây họ bầu bí thì nên thay đất mới để trồng sẽ tốt hơn.
Với những cách trồng bầu trong thùng xốp vừa nêu trên, bạn nên lưu ý đến tất cả các công đoạn từ việc tưới nước, thoát nước cho thùng xốp cho đến việc ngắt ngọn, tỉa lá, bón phân nếu muốn cây phát triển tốt và ra nhiều quả. Lưu ý cuối cùng là vấn đề bón phân hóa học, các loại phân hóa học thường cần cách ly ít nhất 15 ngày để đảm bảo an toàn nên các bạn bón phân hữu cơ, phân vi sinh cho cây sẽ tốt hơn. Nếu bón phân hóa học, hãy thu hoạch hết trái sau đó bón phân để đảm bảo thời gian cách ly phù hợp.
Cuối cùng nếu các bạn có thắc mắc về cách trồng bầu trong thùng xốp, hãy để lại comment để được NNO giải đáp cụ thể hơn. Cám ơn các bạn đã quan tâm và đóng góp cho bài viết này!