Cây dừa cạn là cây cực kỳ dễ trồng, dễ sống, không cần chăm bón mà cây vẫn ra hoa rất nhiều. Trong bài viết ngay hôm nay, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng cây dừa cạn bằng cành và cách trồng hoa dừa cạn bằng hạt để các bạn có thể tự trồng loại cây này tại nhà.
- Bông dừa cạn trị bệnh gì
- Cây dừa cạn có độc không
- Tác dụng của cây dừa cạn
- Cách nhân giống cây dừa cạn
- Ý nghĩa cây bạch mã hoàng tử
Cách trồng cây dừa cạn bằng cành
Cây dừa cạn có thể trồng bằng nhiều các khác nhau như giâm cành hay gieo hạt. Mỗi kiểu trồng đều có những ưu nhược điểm riêng. Về cách trồng cây dừa cạn bằng cành có ưu điểm là tỉ lệ sống cao và cây mới sẽ có hoa giống với cây dùng để giâm cành. Cách trồng bằng cành rất đơn giản như sau:
Bước 1: Cắt cành
Các bạn chọn những cây dừa cạn đã già hoặc ít nhất cũng là những cây có nhiều cành lá để tiến hành cắt cành. Cắt các cành với độ dài khoảng 10 – 20 cm, nếu chọn được cành càng già càng tốt. Không nên chọn các cành non vì tỉ lệ sống sẽ thấp. Sau khi cắt cành các bạn vặt bỏ bớt lá trên cành để chuẩn bị giâm cành.
Bước 2: Giâm cành
Dùng cành đã chuẩn bị ở trên trồng xuống đất. Lưu ý là trồng sao cho một nửa thân ở trên mặt đất một nửa ở dưới đất. Đất trồng cần tơi xốp, thoát nước tốt là được. Nếu bạn muốn cây phát triển tốt hơn thì trước khi trồng có thể trộn vào trong đất phân hữu cơ ủ hoai mục là tốt nhất vừa giúp tăng độ thoát nước vừa giúp đất giàu dinh dưỡng hơn. Sau khi trồng dùng tay ấn chặt đất ở gốc để cây không bị đổ khi tưới nước và khi có gió mạnh.
Lưu ý: trước khi trồng bạn có thể ngâm cành giâm vào dung dịch kích thích ra rễ để cây ra rễ nhanh hơn.
Bước 3: Tưới nước giữ ẩm và đợi cây ra rễ
Sau khi trồng bạn tưới nước để giữ ẩm cho đất. Nếu trồng ngoài trời bạn nên tưới 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều mát. Nếu bạn trồng trong chậu thì nên để cây ở vị trí mát mẻ và tưới nước cho cây 1 lần 1 ngày vào buổi sáng. Sau khoảng 3 – 4 tuần cây sẽ bắt đầu ra rễ mới và có những mầm mới mọc ra ở nách lá.
Cách trồng hoa dừa cạn bằng hạt
Để gieo hạt cây dừa cạn cũng rất đơn giản. Gieo hạt dừa cạn bạn sẽ có những cây dừa cạn mới với sức sống tốt hơn so với phương pháp giâm cành. Tất nhiên, nhược điểm của cách trồng hoa dừa cạn bằng hạt là thời gian để hạt nảy mầm đến khi có hoa sẽ lâu hơn phương pháp giâm cành và hoa mới có tỉ lệ nhất định màu không giống với cây ban đầu.
Cách trồng hoa dừa cạn bằng hạt các bạn hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hạt của cây hoa dừa cạn
Cây hoa dừa cạn sau khi nở hoa sẽ kết trái. Trái của hoa dừa cạn có dạng dài nhọn dần ở đầu. Bên trong có chứa hạt cây. Khi quả còn non sẽ có màu xanh với hạt màu trắng, khi quả già sẽ chuyển sang màu vàng và hạt sẽ có màu đen. Nếu bạn để lâu quả sẽ bị khô và tách ra khiến hạt rơi xuống bên dưới. Do đó, khi quả chuyển sang màu vàng là có thể thu lấy hạt được.
Bước 2: Gieo hạt
Khi đã có hạt bạn có thể gieo hạt vào bất kỳ thời điểm nào cũng được. Nếu bạn gieo hạt vào thời điểm trời nóng ẩm thì hạt sẽ nhanh nảy mầm hơn. Để gieo hạt bạn cũng không cần phải ngâm mà rải trực tiếp lên mặt đất. Phủ lên trên một lớp đất mỏng dày khoảng 1cm là được. Lưu ý là không nên gieo giá dày vì nếu gieo dày sau này cây mọc san sát nhau bạn vẫn phải tỉa bớt đi để cây có không gian phát triển.
Bước 3: Tưới nước giữ ẩm cho hạt nảy mầm
Sau khi gieo hạt, các bạn tưới nước đều đặn sáng và chiều để giữ ẩm cho đất. Nếu bạn ươm cây trong chậu cây thì đặt ở nơi mát mẻ và bạn chỉ cần tưới nước 1 lần 1 ngày là đủ. Nếu nhanh thì 7 ngày không thì 10 ngày hạt sẽ nảy mầm. Lúc này bạn có thể tỉa bớt cây cho đỡ dày và trồng luôn ở vị trí ươm hoặc đánh cây ra nơi khác để trồng.
Như vậy, với 2 cách trồng hoa dừa cạn ở trên, các bạn có thể chọn trồng cây theo cách giâm cành hoặc gieo hạt đều được. Cách trồng cây dừa cạn bằng cành sẽ giúp cây có hoa giống với cây ban đầu và thời gian trồng cũng ngắn. Còn cách trồng hoa dừa cạn bằng hạt sẽ có khả năng hoa không giống với cây ban đầu và thời gian trồng hơi lâu nhưng cây sẽ khỏe mạnh hơn so với trồng bằng cành.