Để nhân giống cây cẩm nhung có 2 cách đó là gieo hạt và giâm cành. Nếu gieo hạt cây có thể sẽ bị khác màu với cây ban đầu nên để có những chậu cây cẩm nhung đẹp thường nhà vườn sẽ nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Trong bài viết này, Nông nghiệp Online (NNO) sẽ hướng dẫn cách nhân giống cây cẩm nhung bằng phương pháp giâm cành để các bạn có thể tự làm tại nhà với cây cẩm nhung của mình.
- Ý nghĩa của cây cẩm nhung
- Cây cẩm nhung có hoa không
- Cây cẩm nhung hợp mệnh gì
- Cây cẩm nhung có độc không
- Tác dụng của cây kim tiền
Chuẩn bị trước khi giâm cành
- Cây cẩm nhung: bạn cần chuẩn bị một chậu cẩm nhung phát triển tốt với thân vươn dài để giâm cành. Nếu thân cây quá ngắn thì việc giâm cành sẽ không thực hiện được do chúng ta trồng bằng thân.
- Thuốc kích thích ra rễ: loại thuốc này bán khá nhiều trên thị trường, bạn có thể mua ở các tiệm bán cây cảnh cũng có rất nhiều loại.
- Đất trồng: chuẩn bị trước đất đề giâm cành và trồng cây. Đất trồng yêu cầu tơi xốp, nhiều mùn và giàu dinh dưỡng để cây phát triển tốt khi mới ra rễ.
- Chậu cây: bạn có thể ươm cây sau đó trồng ra chậu hoặc giâm cành luôn trong chậu cây cũng không sao.
- Túi nilon (có thể không cần)
Cách nhân giống cây cẩm nhung
Để nhân giống cây cẩm nhung bằng phương pháp giâm cành rất đơn giản, các bạn hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Cắt thân cây để giâm cành
Các bạn lấy cây cẩm nhung đã chuẩn bị ở trên và cắt thân cây để giâm cành. Thân cây cắt ra yêu cầu dài khoảng 6 – 10 cm. Trên mỗi đoạn thân có ít nhất 3 mắt lá để cây ra rễ tốt nhất. Phần ngọn cây khá non nên các bạn hãy cắt dài hơn bình thường một chút thì càng tốt. Phần sát gốc các bạn nên gốc còn khoảng 2 – 3 mắt lá chứ không nên cắt sát đất vì các mắt lá này sẽ lại đâm mầm để thành cây mới.
Bước 2: Ngâm trong thuốc kích thích ra rễ
Sau khi đã cắt thân xong, các bạn pha thuốc kích thích ra rễ theo đúng liều lượng và ngâm thân cây vừa cắt vào dung dịch đó trong 30 phút. Sau khi ngâm xong vớt phần thân ra để ráo nước.
Bước 3: Giâm cành vào trong chậu đất
Cho đất vào chậu cây vừa chuẩn bị ở trên để chuẩn bị giâm cành. Lấy các đoạn thân trồng vào trong chậu đất sao cho có ít nhất 2 mắt lá chìm bên dưới mặt đất. Nếu đoạn thân dài thì bạn có thể trồng một nửa thân ở dưới đất và một nửa thân trên mặt đất. Sau khi trồng xong dùng tay ấn nhẹ đất xung quanh thân để thân cây cố định không bị nghiêng, đổ.
Bước 4: Tưới nước giữ ẩm cho cây
Tưới nước giữ ẩm cho cây, không cần tưới quá nhiều nước mà chỉ tưới cho đất đủ ẩm là được. Nếu thấy đất gần khô thì bạn nên tưới thêm để kích thích cây ra rễ mới.
Bước 5: Dùng túi nilon trùm lên trên chậu ươm
Dùng túi nilon đã chuẩn bị ở trên trùm lên chậu ươm để giữ ẩm tốt hơn cho chậu cây. Nếu bạn có thời gian chăm cây thường xuyên thì có thể không cần dùng tùi nilon mà chỉ cần tưới ẩm đều đặn cho cây cũng được. Đây là lý do ở trên có ghi chuẩn bị túi nilon nhưng nếu không có cũng không sao.
Sau khi các bạn đã giâm cành xong, hãy để cây vào nơi thoáng mát để cây ra rễ. Sau khoảng một hai tuần cây sẽ ra rễ mới và bắt đầu đâm mầm. Lúc này bạn có thể cho cây ra nơi có nhiều ánh sáng để cây phát triển nhanh hơn. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên lưu ý không để cây ở nơi có ánh sáng mặt trời buổi trưa chiều chiếu trực tiếp sẽ làm cây bị héo.
Như vậy, với cách nhân giống cây cẩm nhung vừa nêu trên, các bạn hoàn toàn có thể tự nhân giống loại cây này tại nhà rất đơn giản. Thậm chí, không cần thuốc kích thích ra rễ thì cây này vẫn nhân giống được như bình thường. Chúc các bạn có những chậu cẩm nhung đẹp trồng làm cảnh trong nhà.