Trong các bài viết trước NNO đã nêu khá nhiều thông tin liên quan đến cách trồng su hào trong thùng xốp tại nhà rồi. Tuy nhiên có thể mọi người sẽ không hệ thống được nên làm từng bước như thế nào, vậy nên bài viết này NNO sẽ tổng hợp cách trồng su hào trong thùng xốp để chị em có thể tự trồng được tại nhà, trên sân thượng một cách dễ dàng nhất.
Cách trồng su hào trong thùng xốp
Để trồng su hào trong thùng xốp, chị em cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu từ hạt giống cho đến đất trồng, thùng xốp, phân bón. Quan trọng là chị em cần trồng đúng thời vụ và chăm sóc cây đúng cách. Cụ thể cách làm như sau:
1. Thời vụ trồng su hào
Su hào là cây ưa thời tiết lạnh, mát nên thời vụ trồng su hào các chị em nên tránh những tháng nóng nếu không cây sẽ chậm lớn, hay bị sâu bệnh tấn công. Thường su hào sẽ trồng theo 3 đợt kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 11. Chị em trồng su hào trong thùng xốp thì không cần phải quá chú trọng trồng theo đợt mà chỉ cần trồng trong khoảng tháng 7 đến tháng 11 là được.
2. Làm đất cho vào thùng xốp
Đất trồng trong thùng xốp nói chung cần tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và quan trọng nhất là không có mầm bệnh hại cây. Để làm cho đất không có mầm bệnh các bạn có thể đập nhỏ đất rồi đem phơi vài ngày dưới nắng to, trộn thêm vôi bột vào đất để diệt nấm, trộn thêm cả nấm đối khác trichoderma vào trong đất để hạn chế nấm có thể phát sinh sau này. Khi đã xử lý được vấn đề mầm bệnh, các bạn bắt đầu làm đất tơi xốp bằng cách trộn đất với tro trấu hoặc xơ dừa ủ hoai mục. Để đất có nhiều dinh dưỡng, hãy trộn đất với phân hữu cơ là tốt nhất. Có thể trộn 3 – 4 phần đất 1 phần phân hữu cơ vừa trước khi trồng cây coi như bón lót cho cây.
Khi đã trộn đất xong, các bạn cho đất vào trong thùng xốp, chọc một vài lỗ ở trên thành thùng xốp để làm vị trí thoát nước. Các lỗ thoát nước nên cao hơn đáy khoảng 10 cm để đáy bên dưới có khả năng giữ nước, làm vậy vừa khiến đất trong thùng xốp không bị úng mà lại tiết kiệm được nước tưới hàng ngày.
3. Gieo hạt su hào
Hạt su hào gieo khá đơn giản, bạn chỉ cần mua gói hạt giống su hào về, ngâm trong nước ấm vài tiếng cho hạt hút đủ nước rồi mang đi gieo vào trong thùng xốp. Hãy rải đều hạt trên bề mặt đất rồi phủ thêm một lớp đất mỏng lên trên dày khoảng 0,5 cm là được. Nếu bạn dùng bầu ươm thì hãy gieo trong bầu ươm thay vì gieo trực tiếp vào trong thùng xốp.
Xem thêm: cách gieo hạt su hào
4. Duy trì tưới nước, bón phân
Hạt giống su hào sau khi gieo vào thùng xốp các bạn duy trì tưới nước 2 lần mỗi ngày để đảm bảo đất luôn ẩm cung cấp điều kiện cho hạt nảy mầm. Sau vài ngày hạt sẽ nảy mầm và ra rễ, lúc mầm hạt nhú lên thì các bạn tưới ít lại ngày 1 lần là được. Khi cây lớn dần lên mà bạn gieo dày quá thì hãy tỉa bớt đi trồng ra những thùng xốp khác, hãy đảm bảo mỗi cây su hào cách nhau khoảng 20cm để cây có không gian phát triển.
Bên cạnh tưới nước chị em cũng cần bón phân định kỳ cho cây để cây phát triển tốt. Khi trồng trong thùng xốp tại nhà chị em thường bón phân hữu cơ để trồng theo dạng hữu cơ vừa an toàn sinh học lại không hại đất. Chính vì thế phân bón cho su hào thường dùng phân hữu cơ là chính. Sau 1 tháng trồng, chị em hãy bắt đầu bón phân cho cây đều đặn 2 tuần 1 lần bằng phân hữu cơ. Hãy đào một hốc đất cách xa gốc cây, đổ phân bón vào trong rồi lấp đất lên. Khi tưới nước cho cây lượng phân bón này sẽ tan ra và cây có thể hấp thu được dinh dưỡng.
Xem thêm: Cách bón NPK cho su hào
5. Phòng tránh sâu bệnh
Su hào trồng trong thùng xốp trên sân thượng sẽ tránh được sâu bệnh hại tương đối tốt. Tất nhiên, vẫn có trường hợp sâu bệnh hại xuất hiện trên cây su hào ví dụ như sâu ăn lá, su hào bị cháy lá hay su hào bị nấm tấn công. Cách phòng chống sâu bệnh trên cây su hào trồng thùng xốp thực ra cũng đơn giản thôi.
- Trường hợp su hào bị sâu ăn lá thì chị em chỉ cần … vạch lá tìm sâu là được. Chị em tập trung bắt sâu vào buổi sáng và buổi chiều tối là tốt nhất vì lúc đó sâu thường sẽ ra ăn lá. Chỉ cần chăm chỉ bắt sâu 1 2 hôm là hết sâu luôn mà không cần phải phun thuốc gì cả. Vừa an toàn lại vừa có thu vui tao nhã ở nhà. (chị em nào mà sợ sâu thì … ối dồi ôi >_<).
- Trường hợp su hào bị cháy lá thường do thời tiết nắng gắt hoặc rét đậm mưa nhiều. Cũng có thể do phân bón bị mất cân bằng dinh dưỡng. Trường hợp này để phòng thì chỉ cần chú ý che bớt nắng, che gió lạnh cho cây là được. Khi cây bị cháy lá thì hãy cắt lá bị cháy đi để cây ra lá mới, bón phân nên dùng phân hữu cơ sẽ không bị tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.
- Trường hợp su hào bị nấm tấn công: nguyên nhân vẫn do mầm bệnh có sẵn trong đất, khi điều kiện thích hợp nấm sẽ bùng phát tấn công rễ làm rễ bị thối. Để đề phòng thì các bạn nên làm đất thật kỹ để diệt mầm bệnh, trộn thêm nấm đối kháng trong đất là sẽ hạn chế được gần như hoàn toàn tình trạng này. Còn khi cây đã bị nấm tấn công rồi thì cách khắc phục khá khó khăn và sau khi khắc phục cây cũng bị còi cọc (bị chột) và chậm lớn.
6. Thu hoạch
Su hào tùy giống mà thời gian thu hoạch sẽ khác nhau, có những giống ngắn ngày thời gian thu hoạch chỉ khoảng 80 ngày (gần 3 tháng), giống dài ngày thời gian thu hoạch có thể lên đến 130 ngày (hơn 4 tháng). Tất nhiên, giống ngắn ngày thường là loại củ nhỏ, giống dài ngày lại là loại củ to. Khi trồng trong thùng xốp tùy vào sở thích mà chị em có thể trồng giống nào cũng được, khi củ đã đủ to và đủ ngày thu hoạch thì nên thu hoạch sớm nếu không để quá lâu su hào bị xốp, ăn bị nhạt.
Khi thu hoạch su hào có 2 cách, 1 cách là chị em nhổ cả cây lên và nếu muốn lại tiếp tục gieo hạt trồng lứa mới. Một cách khác là cắt củ, nhưng chỉ cắt khoảng 3/4 củ thôi, 1/4 củ ở gần rễ vẫn để nguyên sau đó tiếp tục bón phân chăm sóc cho cây. Một thời gian sau su hào sẽ lại tiếp tục tạo củ mới và chị em sẽ chỉ việc thu hoạch tiếp. Cách này nghe có vẻ ok nhưng thực ra thời gian ra củ mới cũng hơi lâu và củ mới sẽ không ngon được như su hào trồng lần đầu.
Với các thông tin trên, chị em chắc đã nắm được cách trồng su hào trong thùng xốp rồi đúng không. Nếu có thắc mắc hãy để lại comment để được NNO tư vấn thêm nhé. Cảm ơn chị em đã quan tâm theo dõi.